Trước nay, bí ẩn về sự thay đổi màu kỳ diệu trên da của loài tắc kè để có thể ẩn mình trong thế giới tự nhiên một cách xuất sắc vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thụy Sĩ mới cung cấp lời giải thực sự cho bí ẩn này.
Theo đó, các nhà khoa học phát hiện trên lớp da của loài tắc kè sở hữu những tinh thể nano chứa sắc tố và phản xạ ánh sáng. Điều này là đặc điểm giúp tắc kè biến đổi màu da một cách kỳ diệu.
Nghiên cứu kỹ hơn, Michel Milinkovitch - một nhà sinh vật học tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cùng đồng nghiệp cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra loài vật này thay đổi màu sắc của nó thông qua việc điều chỉnh hoạt động của một mạng tinh thể của tinh thể nano".
Những tinh thể này có kích cỡ siêu nhỏ với hình dạng, tổ chức khác nhau trên da. Để đổi màu da, tắc kè chỉ cần thay đổi cấu trúc sắp xếp của lớp tế bào phía ngoài bằng cách thả lỏng hoặc làm căng lớp da.
Khi lớp da ở tình trạng thả lỏng, tinh thể nano này tiến lại gần nhau, tế bào chỉ đặc biệt phản chiếu các bước sóng ngắn như xanh dương.
Nhưng khi làn da bị kích động, khoảng cách giữa các tinh thể sẽ gia tăng, khiến các tế bào phản chiếu bước sóng dài hơn như vàng, cam, đỏ... Da của tắc kè chứa túi sắc tố vàng, khi kết hợp với ánh sáng xanh dương mang màu xanh lá - có thể ngụy trang, hòa lẫn với thiên nhiên dễ dàng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phát hiện lớp tế bào da dày, ẩn sâu dưới da có thể phản chiếu một lượng lớn ánh sáng Mặt trời song không thay đổi màu sắc. Lớp da này có tác dụng giúp tắc kè phản chiếu nhiệt, giữ mát cho cơ thể.
Michel Milinkovitch chia sẻ: "Lớp da của tắc kè thật sự là một bộ công cụ tuyệt vời cho phép chúng có sự lựa chọn giữa việc ẩn mình hay phô trương vẻ đẹp với đối phương một cách ngoạn mục. Phát hiện này sẽ giúp chúng tôi có ý tưởng mới để phát triển nghiên cứu tinh thể nano trong tương lai".
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Video dưới đây giúp bạn hiểu hơn về cơ chế "đổi màu" da này của loài tắc kè:
(Nguồn: Telegraph)