Đối với những ai lần đầu làm mẹ, chắc hẳn việc chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh là chuyện chẳng dễ dàng. Vì ngoài biết khóc ra, trẻ chẳng biết làm gì để nói cho cha mẹ hiểu rằng mình đang muốn gì. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh luôn có những cách giao tiếp độc đáo và tinh tế đến mức nếu không để ý kỹ, bạn sẽ chẳng thể hiểu được "ngôn ngữ" của con. Ví dụ như:
1. Con sẽ quay mặt đi khi bản thân cần không gian riêng
Điều này có thể xảy ra nếu em bé ở trong một môi trường có nhiều kích thích, chẳng hạn như một căn phòng ồn ào hoặc xung quanh có nhiều người muốn chạm vào và bế bé. Và khi cảm thấy mình cần không gian riêng, con sẽ quay mặt đi với sự quấy khóc khó chịu.
Đây chính là cách con muốn nói với cha mẹ rằng sự ồn ào vui vẻ đến đây là đủ rồi và con cần một nơi yên tĩnh hơn.
2. Nhìn vào mắt cha mẹ và nói ê a khi muốn chơi tiếp
Nếu bạn thấy dù đã chơi được một lúc rồi nhưng con vẫn tiếp tục nhìn vào mặt, mắt của bạn, đồng thời ê a nói chuyện thì có nghĩa là con còn muốn chơi tiếp. Bên cạnh đó, càng lớn con càng có nhiều tương tác với cha mẹ hơn trong các cuộc trò chuyện chơi đùa.
3. Luôn nắm bàn tay rất chặt
Nắm chặt bàn tay là phản xạ mà hầu như tất cả các em bé từ sơ sinh đến 6 tháng đều có. Hành vi này đi kèm với các hành vi khác cho thấy trẻ có cơ bắp và hệ thần kinh đã phát triển tốt.
Ngoài ra, để kích thích cơ bắp và não của con phát triển, cha mẹ có thể đặt trẻ nằm ngửa một cách thoải mái, sau đó bạn dùng ngón cái của mình vuốt mở lòng bàn tay của con ra. Khi được cha mẹ vuốt mở lòng bàn tay ra, theo phản xạ, trẻ sẽ tự động cuộn bàn tay lại để ôm lấy ngón tay của cha mẹ. Việc này sẽ kích thích trẻ phản xạ. Đồng thời, các trung tâm não cũng học cách điều khiển các ngón tay và cơ bắp của mình.
4. Có những lúc con thích yên tĩnh sau khi ngủ dậy
Thông thường, khi tỉnh dậy sau một giấc ngủ, trẻ thường o e để báo động để cha mẹ biết là mình đã thức. Nhưng cũng có lúc bạn phải kinh ngạc về sự yên tĩnh của con. Đó là lúc con thức dậy nhưng lại nằm yên để nhìn ngó xung quanh, hoặc lắng nghe các âm thanh hay các vật đang chuyển động ở trước mặt.
Sau này khi lớn hơn một chút, trẻ sẽ chuyển qua "giai đoạn cảnh báo tích cực", nghĩa là trẻ sẽ có phản ứng tích cực hơn với âm thanh và hình ảnh bằng cách múa tay múa chân hay ê a nói chuyện một mình.
5. Thích chơi ú òa
Mặc dù còn rất nhỏ nhưng trẻ sơ sinh có thể hiểu được rằng các đồ vật vẫn tồn tại ngay cả khi bản thân không nhìn thấy chúng. Ú òa là một trò chơi thú vị đối với con. Từ 6 tháng trở đi, trẻ sẽ bắt đầu tìm kiếm những đồ vật trong tầm mắt, và khi được 9 tháng tuổi con sẽ biết đi tìm những đồ vật bị giấu.
Đây là một tín hiệu cho thấy con đang phát triển sự nhận thức và bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh.