Tính đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định MV "Kẻ Cắp Gặp Bà Già" của Hoàng Thùy Linh đang chiếm trọn spotlight của khán giả. Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào sản phẩm comeback của nữ ca sĩ ngay giữa mùa dịch: hàng loạt giả thiết được đặt ra, kéo theo đó là hàng trăm câu hỏi tại sao - thế nào, những "thuyết âm mưu", những ẩn ý cũng được khán giả tích cực tìm hiểu. Đó là một cảnh tượng hết sức thường thấy mỗi khi Hoàng Thùy Linh ra album mới - từ "Để Mị Nói Cho Mà Nghe", "Tứ Phủ", "Duyên Âm" và giờ đây là "Kẻ Cắp Gặp Bà Già".
Hoàng Thùy Linh - Kẻ Cắp Gặp Bà Già | Official Music Video
Nếu bạn xem đi xem lại MV nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa "đắc đạo" - thì đừng lo, đã có bài giải mã nóng hổi cho các bạn đây.
Chưa hiểu câu chuyện diễn ra trong MV "Kẻ Cắp Gặp Bà Già" lắm? Hãy nghe chính đạo diễn chia sẻ.
Chia sẻ về câu chuyện xoay quanh "Kẻ Cắp Gặp Bà Già", đạo diễn Kawaii Tuấn Anh cho biết: "MV có concept là 1 ván cờ giữa Vua và Hoàng Hậu. Từ lúc bắt đầu, Nhà Vua đã có sẵn trong tay nhiều quyền lực với rất nhiều cung tần mỹ nữ, riêng Hoàng Hậu thì chỉ có 2 người hầu cận theo sau. Trong 2 nước cờ đầu, Hoàng Hậu chủ động để thua vì biết được sự háo thắng của vị Vua và sắp xếp điều khiển các nước cờ để nước cờ thứ 3 Hoàng Hậu lật lại tình thế giành chiến thắng. Song song đó, ở mỗi nước cờ, ekip và chị Linh quyết định dùng 1 bức tranh Hàng Trống để thể hiện sự thắng thua của nước cờ đó. Nội dung của các bức tranh cũng được cải biên nhằm mục đích tăng sự trào phúng của việc thắng thua này".
Tuy nhiên, sau tất cả sự chiến thắng đó, người phụ nữ lại chấp nhận tựa vào người đàn ông một lần nữa. Hoàng Thùy Linh đã chia sẻ quan điểm: "Người phụ nữ có mạnh mẽ đến mấy, cũng là để được ở cạnh người họ thương". Đích đến cuối cùng của ván cờ này cũng chỉ là vì tình yêu. Có thể thấy quan điểm về nữ quyền của Hoàng Thùy Linh có một sự dung hòa, không bị cực đoan thái quá theo kiểu "bất cần đàn ông" mà vẫn vô cùng mềm mại, thể hiện bản năng tự nhiên của người phụ nữ: cuối cùng, tình yêu bên người đàn ông của cuộc đời vẫn là sự lựa chọn của Hoàng Thùy Linh.
Phân đoạn after credit, ta thấy hình tượng một Hoàng Thùy Linh hoàn toàn khác, một em bé ngây ngô chăm chú nhìn những bức tranh, họ thoải mái hình tượng hóa đức tin của họ và đây chính là những nhân vật hậu thế có quan điểm về tình yêu cực kì cá tính, quyết liệt.
Cả MV thực ra đã gói gọn 5 bức tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng
Ngay từ đầu trong buổi họp báo livestream giới thiệu dự án, Hoàng Thùy Linh cho biết đã từ lâu, cô đã có một nguồn cảm hứng rất lớn với các dòng tranh dân gian Việt Nam, đặc biệt là tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ. Với "Kẻ Cắp Gặp Bà Già", cô đã lồng ghép khéo léo hai dòng tranh dân gian này vào từng khung hình, vừa mang đậm tính truyền thống nhưng vẫn hài hòa với yếu tố mĩ thuật hiện đại.
Ý tưởng và hình tượng của hai bức tranh trên sẽ được nói rõ hơn ở phần dưới, khi phân tích các nước cờ giữa Hoàng Hậu và Nhà Vua.
Hai hình tượng cuối cùng trong MV lấy cảm hứng từ 2 bức tranh "Cá chép vượt vũ môn" - ý chỉ vượt qua bao nhiêu khó khăn, khổ ải thì "cá chép" đã "hóa rồng", hệt như việc Hoàng Thùy Linh vượt qua rất nhiều thử thách thì cũng đã "khổ tận cam lai". Hình tượng Mẫu Thượng Ngàn đầy quyền uy chính là khát vọng cuối cùng của cô gái: vượt lên trên tất cả mọi khổ đau, trở thành vị nữ thần uy quyền bậc nhất trong bốn cõi nhân thế - một hình ảnh vừa mang tính tâm linh nhưng cũng đậm chất nữ quyền.
"Nghía" qua một chút về trang phục cũng có biết bao nhiêu là dụng ý
Trong buổi họp báo livestream ra mắt MV "Kẻ Cắp Gặp Bà Già", Hoàng Thùy Linh cho biết: bên cạnh những trang phục được thực hiện bởi stylist Hoàng Ku, thì cô cũng sử dụng một số trang phục lấy cảm hứng từ thời Lê sơ vào trong "Kẻ Cắp Gặp Bà Già". Hoàng Thùy Linh cho biết, cô muốn sử dụng trang phục của thời kì huy hoàng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam để đưa vào trong MV lần này.
Ở phân đoạn "Thúy Kiều gặp Kim Trọng", ta có thể thấy dạng thức trang phục thời Lê sơ được tái hiện tương đối chuẩn xác: hai thanh niên mặc áo giao lĩnh vạt dài, tay cầm quạt. Các tiểu đồng hầu cận cũng sử dụng áo giao lĩnh vạt ngắn. Đây là loại trang phục phổ biến nhất của nam giới thời Lê sơ - nay đã được mang lên màn ảnh nhỏ một cách tương đối chuẩn xác - vẫn nổi bật bên cạnh những trang phục cách tân thực hiện bởi stylist Hoàng Ku.
Đích thân stylist Hoàng Ku cũng đã chia sẻ chi tiết về từng trang phục được anh sử dụng trong MV "Kẻ Cắp Gặp Bà Già". Với mỗi bộ đồ, anh lại tìm đến một nhà thiết kế lẫn nhà cung cấp khác nhau, đều được nghiên cứu tỉ mẩn trước khi bắt tay vào thực hiện.
"Ván cờ" cực kì căng não giữa "Hoàng hậu" Hoàng Thuỳ Linh và Nhà Vua
Cũng theo lời đạo diễn Kawaii Tuấn Anh thì đây là ván cờ Gánh - một trò chơi dân gian Việt Nam, không phải cờ Tướng hay cờ Vây như nhiều người lầm tưởng. 3 nước cờ lần lượt được triển khai trong ván cờ là nước cờ gánh, nước cờ vây, và nước cờ mở. Ekip ưu tiên chọn những yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc đưa vào MV như đúng tính chất của album Hoàng. Việc dùng những nước cờ này đúng luật chơi là một cách để ekip cùng Hoàng Thùy Linh gợi nhớ, giới thiệu đến khán giả thêm một nét đẹp truyền thống của dân tộc. Tất nhiên sau mỗi nước cờ, việc thắng thua và những ẩn ý đằng sau được tiếp tục thể hiện bằng nội dung những bức tranh Hàng Trống.
Luật chơi cờ gánh tương đối đơn giản: những nước cờ ngang hàng nhau, không phân biệt đâu là lính, đâu là vua. Nếu quân cờ của ta đi vào giữa hai quân cờ của đối thủ, ta sẽ thua và mất đi quân đó. Đó chính là trường hợp 2 thế cờ đầu tiên mà Hoàng Thùy Linh đã thua vào tay Nhà Vua.
Ở nước cờ đầu tiên, ekip dùng bức tranh Thúy Kiều – Kim Trọng. Ở tác phẩm Truyện Kiều, đây là lần đầu họ gặp nhau trong ngày đi tảo mộ: "Người quốc sắc kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e." Ở Truyện Kiều, ta biết lần gặp gỡ này họ đều thầm thích nhau, nhưng ở nội dung MV, Kim Trọng đã chọn Thúy Vân, một sự thất bại ngỡ ngàng của Kiều và cũng là của Hoàng Hậu.
Tương tự với nước cờ thứ hai, ekip dùng bức tranh Ngưu Lang - Chức Nữ, nhưng vẫn gài một "plot twist" tương tự như lần trước. Nếu như đúng trong bức tranh và truyền thuyết dân gian thì Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm sẽ được gặp nhau một lần thông qua chiếc cầu Ô Thước, tuy nhiên trong MV lần này, Ngưu Lang lại "lật kèo" phút chót, làm sự chờ đợi của Chức Nữ suốt 1 năm "đổ sông đổ biển". Chi tiết này tiếp tục thể hiện được hình tượng Nhà Vua là một "bad boy" chính hiệu, lừa dối chính người đã yêu thương và chờ đợi mình.
Ở nước cờ thứ 3, thay vì chấp nhận việc nhà chuột dâng cống phẩm cho Mèo để đám cưới diễn ra suôn sẻ, cô dâu Chuột đã vùng lên trực tiếp gài bẫy tên Mèo gian ác. Đây cũng là nước cờ quyết định, hoàn toàn xoay chuyển cục diện, phe Nhà Vua ngỡ thắng nhưng lại thua chung cuộc - phe Hoàng Hậu ngỡ đã thua nhưng đã giành được chiến thắng sau cùng.
Thực chất, đây là thế cờ đã được tính toán từ trước, và Hoàng Thùy Linh đã chấp nhận hi sinh 2 quân cờ của mình để giành được chiến thắng chung cuộc: để cho Nhà Vua giành chiến thắng 2 lần liên tiếp để ru ngủ trong sự an toàn giả tạo, mất đi cảnh giác để rồi chính 2 quân cờ của Linh đã được cài vào thế của Nhà Vua - làm đối phương trở tay không kịp.
Và 1500 "Easter Egg" nho nhỏ khác
Bên cạnh những chi tiết "căng não" được cài cắm phía trên đã được tỏ bày, thì Hoàng Thùy Linh cũng đã khéo léo cài cắm rất nhiều các Easter Egg nho nhỏ, rải đều khắp cả MV "Kẻ Cắp Gặp Bà Già". Những chi tiết này dễ nhận ra hơn rất nhiều, khiến khán giả "nghiệp dư" cũng có thể nhận ra và cảm thấy thích thú. Hoàng Thùy Linh đã chứng minh rằng: cô không chỉ có một tấm lòng rất lớn với văn hóa truyền thống Việt Nam, mà còn có một bộ não nhạy bén rất thức thời: luôn luôn bắt kịp các "trend" và xu hướng của giới trẻ" để đưa vào sản phẩm âm nhạc của mình.
Sức hút của "Kẻ Cắp Gặp Bà Già" đã được chứng minh: tròn 24h ra mắt, MV đã thu về hơn 1,6 triệu lượt xem, hơn 133 nghìn lượt thích, giữ vị trí top 8 trending YouTube Việt Nam. Liệu MV "Kẻ Cắp Gặp Bà Già" có trở thành sản phẩm tiếp theo của Hoàng Thùy Linh vươn đến top 1 trending?