Trẻ sơ sinh hay khóc, khóc nhiều lắm. Bởi sau tất cả, đó là cách tốt nhất để con có thể giao tiếp với bố mẹ. Nhưng bên cạnh những tiếng khóc đó, bạn có thể sẽ nhận ra con đang cố gắng tạo ra những âm thanh khác. "Trẻ sơ sinh rất thích giao tiếp, tạo ra những âm thanh khác nhau là cách để bé kết nối với bố mẹ và cho bố mẹ biết những điều mình cần, những điều mình muốn" - Tiến sĩ Prachi Shah, bác sĩ Nhi khoa chuyên về sự phát triển của trẻ ở Bệnh viện Nhi Texas tại Houston, Mỹ nói.
Những âm thanh đôi khi kỳ lạ đó cũng báo hiệu rằng em bé của bạn đang phát triển các kỹ năng cần thiết để nói chuyện. Nhưng bạn có biết ý nghĩa của nhưng âm thanh đó không? Hãy cùng giải mã nhé.
Tiếng ré lên
Những tiếng ồn ở âm vực cao này sẽ thu hút sự chú ý của bạn ngay lập tức. Khi kêu ré lên nghĩa là con bạn đang thích thú một điều gì đó, nhưng đôi khi cũng có thể không phải là biểu hiện của cảm xúc này. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy tiếng ré này không dừng lại, hãy đảm bảo rằng con không cảm thấy khó chịu điều gì nhé.
Để khuyến khích con hình thành những khả năng mới, hãy thử đáp lại điều gì đó đang khiến bé phấn khích. Ví dụ như: "Chà, con thích mẹ thổi bong bóng nhỉ!". Con chẳng thể hiểu hoàn toàn những gì bạn nói nhưng có thể bắt chước tông giọng của bạn và chú ý đến cả biểu cảm gương mặt của bạn nữa.
Tiến sĩ Shah cho biết, việc lặp đi lặp lại thế này là một trong những cách tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Sử dụng từ để mô tả cảm xúc bé đang trải qua sẽ giúp bé học cách chọn từ ngữ, hiểu cảm xúc của mình và học được nhịp điệu của cuộc trò chuyện.
Tiếng con thở hổn hển
Bạn có thể nhận ra rằng con mình đang thở hổn hển trong vài giây trước khi quay trở lại nhịp thở bình thường. Điều này thường có nghĩa rằng con đang học cách điều hòa nhịp thở. Dĩ nhiên, việc thở hổn hển ở trẻ em có thể đáng báo động, đặc biệt là với những người mới làm bố mẹ.
Trẻ sơ sinh vẫn đang học cách thở bằng miệng, vì vậy nếu âm thanh giống như con đang gặp khó khăn để thở, ba mẹ cần phải kiểm tra xem liệu có bất kì dị vật nào làm nghẹt lỗ mũi của con hay không. Nếu bạn cảm thấy con thực sự khó thở hay cơ thể, gương mặt đổi màu, hãy đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.
Tiếng càu nhàu, rên rỉ của con
Ban đầu, bạn có thể nghe thấy âm thanh này khi con đi vệ sinh nhưng trên thực tế, bé cũng có thể tạo ra âm thanh này để giảm bớt căng thẳng hoặc thể hiện sự thất vọng, buồn chán. Khi trẻ lớn hơn, âm thanh này có thể trở thành nhu cầu.
"Cho đến khi kết thúc năm đầu tiên, trẻ sơ sinh sẽ càu nhàu, rên rỉ có hoặc không chỉ tay để thể hiện rằng con muốn điều gì đó mà con chưa có từ ngữ để thể hiện", Roberta Golinkoff – Giáo sư giáo dục, tâm lý học và ngôn ngữ học tại Đại học Delaware ở Newark cho biết. Nếu con thấy bố mẹ phản hồi yêu cầu của mình, con sẽ hiểu rằng ngôn ngữ cũng giống như hành động vậy.
Tiếng gầm gừ của con
Dù âm thanh ở cổ họng này không phổ biến như những âm thanh khác ở trẻ sơ sinh nhưng nhiều bé lại gầm gừ trong 6 tháng đầu đời. Và điều đó chỉ có nghĩa là một phản xạ, như khóc mà thôi. Nhưng trẻ sơ sinh có thể bắt đầu tạo ra những âm thanh gầm gừ có mục đích vì con thích cảm giác tạo ra âm thanh từ cổ họng của mình, theo Tiến sĩ Diane Paul – Giám đốc giám đốc phụ trách các vấn đề lâm sàng về bệnh lý ngôn ngữ cho biết.
Khi con bạn lớn hơn, chúng cũng có thể gầm gừ để bày tỏ việc không hài lòng, chẳng hạn như khi con không muốn bị ôm hôn hay hối thúc bạn cho con ăn nhanh hơn. Bạn có thể đáp trả con bằng âm thanh gầm gừ như vậy để bày tỏ bạn đã hiểu ý con và khen ngợi âm thanh đó cũng rất thú vị đấy.
Tiếng cười của con
Vào khoảng 4 tháng tuổi, con của bạn có thể khiến bạn hết sức ngạc nhiên khi cười nhẹ nhàng hoặc cười hết cỡ. Ban đầu, cười khúc khích hay tiếng cười là phản ứng vật lý với việc mà bạn đang làm cho con như cù lét đầu gối hay thổi lên bụng con. Sau đó, khi con cười những điều như thấy vẻ mặt bạn khi con ném thức ăn xuống sàn nhà, nó có nghĩa rằng con đang bắt đầu phát triển khả năng hài hước và rõ ràng chúng thấy bạn cũng đang thích thú.
Tiếng thở dài của con
Con bạn sẽ bắt đầu thở dài một cách tự nhiên khi con mới được vài tuần tuổi vì đó là hành động khiến con thấy dễ chịu, và sau đó là thích cách bạn phản ứng với việc này. Trên thực tế, thở dài có thể là cách giúp con thư giãn và cho bạn biết con đang vui vẻ. Hãy thử trả lời con bằng những tiếng thở dài có độ dài, cao độ khác nhau và cho con thời gian để bắt chước bạn.
Tiếng con bập bẹ
Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy con nằm nói chuyện một mình bằng ngôn ngữ riêng của con. Trẻ sơ sinh bắt đầu bập bẹ từ khoảng 4 đến 6 tháng, tạo ra những nguyên âm và phụ âm khác nhau nhưng không phải là từ hoàn chỉnh. Theo Tiến sĩ Diane Paul, con bạn sẽ bắt đầu bằng những âm dễ nhất như "p", "b" và "m". Bạn đầu, bạn sẽ nghe thấy rất nhiều âm thanh như p hoặc b.
Sau khi thực hành nhiều hơn, bạn sẽ nghe con tạo ra nhiều nhóm âm thanh khác nhau như "tah tah, ba ba". Đây có thể là tiền đề để con học nói, để những âm thanh "muh muh" trở thành "mẹ mẹ", hay "pa pa" trở thành "ba".
Có rất nhiều cách để bạn giúp con phát triển kỹ năng này. Ví dụ như khi con tạm dừng, bạn có thể lặp lại những âm thanh đó ở cao độ mới để xem con có bắt chước và tạo ra những bài hát từ âm thanh bập bẹ này hay không. Việc phản ứng nhanh sẽ giúp con học các mẫu câu nói và hội thoại.
Nguồn: Parents