12 con giáp là một phần trong văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia châu Á. Ở Trung Quốc, quan niệm con giáp được hình thành ở thời Tần, định hình ở thời Hán với các con vật xếp theo thứ tự: Chuột, trâu, hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, cừu, khỉ, gà, chó, lợn, cho đến nay không thay đổi.
Thứ tự này khiến nhiều người không thể giải thích được. Tại sao sắp xếp theo cách này? Là người xưa tùy ý hay cố ý xếp như vậy?
Giả thuyết 1: Sắp xếp theo quy tắc thói quen sinh hoạt
Nhiều người cảm thấy rất bất hợp lý với thứ tự 12 con giáp, chẳng hạn như tác giả Vương Hữu Quang của "Ngô Hạ Ngạn Liên" nhà Thanh từng thể hiện quan điểm:
"Lợn xếp cuối, rồng cũng gần cuối, chuột xếp đầu, ai phục? Rồng là thần linh, hổ uy mãnh, là vật tượng trưng cho phong vân, nhưng chỉ đứng giữa, mặc dù trên lợn, nhưng lại chịu cảnh đứng dưới chuột, chẳng phải là trái ngược sao!" (tạm dịch).
Chúng ta đều biết, 12 con giáp tương ứng với 12 địa chi, tức là Tý-chuột, Sửu-trâu, Dần-hổ, Mão-thỏ (ở Việt Nam là mèo), Thìn-rồng, Tỵ-rắn, Ngọ-ngựa, Mùi-dê, Thân-khỉ, Dậu-gà, Tuất-chó, Hợi-lợn.
12 địa chi đại diện cho 12 tháng cùng 12 canh giờ (1 canh giờ ứng với 2 tiếng ngày nay). Từ đó, người ta căn cứ vào thói quen sinh hoạt của 12 con giáp để giải thích thứ tự trên.
Như học giả thời Nam Tống Lý Trường Khanh nói trong cuốn "Tùng Hà quán chuế ngôn":
Giờ Tý (11 giờ đêm-1 giờ sáng), là lúc chuột hoạt động mạnh nhất, vì vậy lấy giờ Tý gắn với chuột.
Giờ Sửu (1 giờ-3 giờ sáng), trâu còn đang nhai lại thức ăn, chuẩn bị sáng sớm đi cày.
Giờ Dần (3 giờ-5 giờ sáng), hổ đang tìm thức ăn trong rừng, hổ hung dữ nhất vào thời gian này.
Giờ Mão (5 giờ-7 giờ sáng), mặt trời chưa lên, mặt trăng (thái âm) vẫn sáng, thỏ ngọc đang giã thuốc.
Giờ Thìn (7 giờ-9 giờ), rồng đang làm mưa.
Giờ Tỵ (9 giờ-11 giờ trưa), rắn thu mình trong hang.
Giờ Ngọ (11 giờ trưa-1 giờ chiều), mặt trời lên cao, vó ngựa đầy đường.
Giờ Mùi (1 giờ-3 giờ chiều), dê đang ăn cỏ.
Giờ Thân (3 giờ-5 giờ chiều), khỉ nhảy nhót khắp rừng.
Giờ Dậu (5 giờ chiều-7 giờ tối), gà vào chuồng.
Giờ Tuất (7 giờ-9 giờ tối), chó tỉnh táo giữ nhà.
Giờ Hợi (9 giờ-11 giờ đêm), lợn ngủ say.
Tuy nhiên, cách giải thích này mặc dù rất thú vị, nhưng không có cơ sở chính xác. Nếu xét về thói quen, gà trống thường gáy vào buổi sáng, nên tương ứng với giờ Mão, không thích hợp với giờ Dậu.
Giả thuyết 2: Xếp theo nguyên tắc âm-dương
12 địa chi chia làm âm dương: Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất thuộc dương; Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi thuộc âm. Theo đó, dương xếp số lẻ, âm theo số chẵn.
Một phát hiện rất lý thú rằng số móng vuốt của 12 con giáp cũng tuân theo cách đếm chẵn lẻ âm dương.
Người đầu tiên đưa ra nhận định này là Hồng Tốn người nhà Tống. Trong cuốn "Dương Cốc mạn lục", ông chia con giáp thành hai loại âm dương: Chuột, hổ, rồng, khỉ, chó có 5 ngón và Ngựa có 1 móng, xếp vào nhóm số lẻ. Trâu, thỏ, dê, gà, lợn đều có 4 vuốt, thuộc nhóm số chẵn.
Còn lại là chuột và rắn. Rắn không chân nhưng lưỡi tách đôi hai phần, nên được xếp vào số chẵn. Trường hợp của chuột là đặc biệt nhất: Chân trước của chuột có 4 ngón (chẵn), chân sau có 5 ngón (lẻ). Giờ Tý từ 11 giờ đêm hôm trước (âm) đến 1 giờ sáng hôm sau (dương). Do đó, chuột được gắn với giờ Tý và đứng đầu 12 con giáp.
Giả thuyết 3: Căn cứ vào truyền thuyết dân gian
Dân gian Trung Quốc truyền miệng nhau câu chuyện về khởi nguồn của 12 con giáp như sau:
Ngọc Hoàng chọn được 12 con vật làm thần đại diện cho mỗi năm. Trong ngày cử hành nghi lễ nhận vị trí trong 12 con giáp, Ngọc Hoàng đã nói: "Trâu to lớn nhất nên ta để trâu đứng đầu". Chuột lên tiếng phản đối và cho rằng con người xem nó còn to lớn vĩ đại hơn cả trâu.
Để chứng thực lời chuột nói, Ngọc Hoàng cùng tất cả các con vật xuống trần dò hỏi. Khi trâu đi ngang qua con người, chỉ nghe người nói "Con trâu này thật béo, thật khoẻ", mà không hề nói nó to lớn.
Lúc này, chuột nhảy lên lưng trâu, đứng thẳng bằng hai chân sau, con người nhìn thấy liền kinh hãi: “Con chuột này to quá!”. Thế là chuột được Ngọc Hoàng chọn đứng đầu 12 con giáp.
Trong các truyền thuyết dân gian, con chuột được biết đến là loài vật có tính cách tinh ranh, xảo quyệt. Nó đã dùng mưu kế để giành lấy vị trí đầu tiên trong 12 con giáp.
Thuở xưa, người dân làm nông là chính, cánh đồng có chuột thì tan hoang, nhà có chuột thì hư hại, gạo thóc cũng bị nó ăn sạch. Song bắt hay tiêu diệt được chuột không phải chuyện dễ vì loài này rất khôn lanh, nên nó là loài vật không được ưu ái. Do đó, người Trung Quốc xưa cho rằng chuột thông minh nhất nên được xếp đứng đầu trong 12 con giáp.
Nguồn: Toutiao, 163