“Trễ deadline” là chuyện khá quen thuộc ở nhiều các bạn trẻ hiện nay. Tại sao giữa xã hội mà các bạn trẻ ngày càng năng động, tài năng, tự tin, chuyên nghiệp lại gia tăng một thói quen không quy củ là thất hẹn trong công việc? Tình trạng này trở nên rất phổ biến, mang đến không ít sự khó chịu và phiền toái đối với tập thể công ty, còn là đặc điểm nhận dạng chung mà thế hệ 7x, 8x và 9x đời đầu khi nhắc về giới trẻ.
Để sót thông tin
Bạn Cẩm Linh, 23 tuổi, ở TP.HCM chia sẻ: “Mình làm designer cho công ty truyền thông. Một ngày trong nhiều nhóm chat khác nhau sẽ có rất nhiều thông báo công việc. Đôi khi sẽ có những ấn phẩm cần sửa gấp trong ngày, nhưng tin nhắn trong nhóm quá nhiều cộng với việc tập trung làm khiến mình hay bị “miss” thông tin. Điều này dẫn đến việc mình hay trễ deadline”.
Đồng quan điểm với bạn Cẩm Linh, bạn Lê Hà Giang cũng cho biết: “Mình nghĩ các bạn hay trễ deadline một phần là do làm việc online quá nhiều. Hầu như mọi người và mọi thứ đều được thường xuyên trao đổi trong các group tin nhắn, còn nằm ở các ứng dụng chat khác nhau. Chúng mình có mặt trong trên dưới chục nhóm chat, số lượng tin nhắn nếu không dành thời gian kiểm tra và đọc kĩ thì cứ thế trôi đi, thời hạn có khi bị đôn trước mà chúng mình không biết, hoặc là những thay đổi không được cập nhật làm mình phải bỏ công sửa tới sửa lui, rất mất thời gian, vậy nên dẫn đến trễ deadline”.
Phải thừa nhận rằng điểm yếu của làm việc online là rất dễ bị sót thông tin, mà điều này sẽ dẫn đến trễ deadline. Hoặc nếu đúng deadline thì công việc cũng không đúng yêu cầu vì yêu cầu được bổ sung liên tục, nếu không cập nhật thì phải chỉnh sửa tới lui và gia hạn thêm thời gian.
Chưa biết cách sắp xếp công việc
Tuy nhiên vấn đề không cập nhật kịp thời các thông tin, ngày hẹn chỉ là thứ yếu, vì nếu biết sắp xếp thời gian và công việc, dân văn phòng hoàn toàn có thể chọn lọc và ghi chú lại các thông tin quan trọng trong hàng trăm tin nhắn mỗi ngày.
“Thừa nhận rằng chuyện thường xuyên trễ nãi trong công việc là do mình chưa biết cách sắp xếp khối lượng công việc được giao. Khi mới đi làm, mình luôn tâm thế việc nào nhận trước sẽ làm trước, theo thứ tự để không quên và không bị rối, nên các công việc đòi hỏi sáng tạo, cần hỗ trợ của các bên liên quan... là mình sẽ bị trễ deadline mà không sao thay đổi được. Sau mới nhận ra nên ưu tiên hoàn thành các công việc gấp trước, các việc có thể chủ động giải quyết nhanh dưới 1 tiếng đồng hồ thì bắt tay làm luôn... thì mình mới cải thiện được tình trạng này." - Anh Hoài Lâm, 24 tuổi.
Song song với vấn đề chưa biết cách sắp xếp công việc, còn là chưa biết phân bổ thời gian sao cho hợp lý. Anh Hoàng Tuấn, hiện đang làm việc tại công ty công nghệ thông tin tại TP.HCM chia sẻ: "Trong công việc đôi lúc sẽ có những sự cố phát sinh bất ngờ. Nếu không biết cách cân nhắc, xử lý tình huống tốt, hoạch định kế hoạch làm việc cụ thể thì khi những tình huống đột ngột ập đến bạn sẽ không xoay sở kịp dẫn đến trễ tiến độ so với dự định ban đầu.
Ngoài ra, chuyện phân bổ thời gian của chính bản thân cũng cực kỳ quan trọng. Ban phải dự trù được bản cần bao lâu để hoàn thành công việc này, và tính dư ra khoảng thời gian phát sinh, từ đó phân chia đầu việc nào nên làm vào khoảng thời gian nào trong ngày, thế mới không bị trễ hạn.”
Tính chủ quan
Chuyện trễ hạn công việc của một số bạn trẻ hiện nay còn nằm ở ý thức, tính cách. Chị Thanh Thanh, hiện đang là biên tập viên tại một tòa soạn ở TP.HCM bộc bạch: “Nhiều bạn cộng tác viên của chị không chuyên nghiệp, không nhận thức được mức độ quan trọng của “thời hạn” mà cứ “bình chân như vại” vì nghĩ rằng có thể được du di, xin dời công việc nếu thời hạn sắp đến. Dù chuyện trễ tiến độ có ảnh hưởng đến công việc chung hay không vẫn khiến chị rất khó chịu."
"Phần lớn các lần mình trễ hạn công việc được giao xuất phát từ sự tự tin dẫn đến chủ quan của mình. Khi nhận công việc cấp trên giao phó, mình không tập trung bắt tay vào làm ngay mà nghĩ rằng bản thân có thể hoàn thành nó chỉ trong bao nhiêu thời gian thôi, nên cứ dửng dưng chờ gần đến ngày mới làm. Kết quả là mọi thứ không thuận lợi như mình nghĩ, phát sinh hoặc gặp khó khăn ở công đoạn nào đó khiến mình bị trễ deadline. Có lúc khác lại nhận thấy việc đó quá dễ dàng, mình có thể xử lý nhanh gọn nhưng khi nộp lại có sai sót, cần chỉnh sửa dẫn đến công việc dù nộp đúng hạn thì bản "final" vẫn trễ hơn thời hạn ban đầu vài hôm."
Thực tế cho thấy, dù người trẻ có năng lực tốt đến đâu thì kinh nghiệm cũng cần thời gian vun đắp. Đôi khi kiến thức, kĩ năng thôi vẫn chưa đủ để một cá nhân tự tin, chủ quan trong công việc. Và ở mỗi thời điểm, nhất là khi còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, thì khiêm tốn và cẩn thận trong công việc không bao giờ thừa.
Cấp trên chưa phạt "mạnh tay"
“Bên cạnh các yếu tố chủ quan, mình nghĩ việc một bộ phận lớn các bạn trẻ hiện nay thường xuyên trễ deadline ít nhiều cũng bắt nguồn từ khâu quản lý nhân sự chưa được nghiêm khắc. Nếu các bạn leader không thật sự dứt khoát và nghiêm túc thưởng phạt trong công việc, biết mềm mỏng tuỳ lúc thì nhân sự trẻ sẽ không coi trọng deadline. Khi họ cảm giác nếu trễ deadline cũng sẽ được bỏ qua, không bị phạt gì to tát hoặc không gây ảnh hưởng nặng nề gì cho team, thì họ sẽ “được đà lấn tới”, xem thường hạn nộp và gây hại cho công việc chung của tập thể.” - chị Mỹ Hạnh, 29 tuổi, hiện đang làm việc tại công ty về SEO ở TP.HCM chia sẻ.
"Deadline" là thời hạn hoàn thành công việc, đặt ra để mọi người làm việc một cách có tổ chức, hệ thống và mang lại hiệu quả tốt nhất cho công ty. Trễ deadline không chỉ thể hiện năng lực làm việc kém, thái độ làm việc không chuyên nghiệp mà còn làm giảm tỉ lệ thăng tiến của bản thân trong sự nghiệp. Ngoài ra, không một đồng đội nào tin tưởng được một người trễ deadline, và không ai quý một người luôn làm ảnh hưởng công việc chung, lợi ích chung của cả tập thể.