Tôi thường bắt gặp cảnh mỗi người ngồi một góc ôm điện thoại, ngồi cạnh nhau đấy nhưng chẳng có sự giao lưu tương tác nào. Chưa kể, thế hệ ông bà nào có biết gì về smartphone hay các ứng dụng hiện đại, dù muốn kết nối với lũ trẻ cũng khó tìm ra chủ đề chung.

Hãy thử một lần bỏ điện thoại xuống và rủ ông bà, bố mẹ cùng tham gia một trò chơi tập thể nào đó mà xem.

Bạn sẽ nhận ra vẫn có những cách khác để vừa tìm được niềm vui, vừa thắt chặt sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình.

Trong đó, phổ biến và dễ chơi nhất là các trò chơi truyền thống, đặc biệt những trò chơi này không yêu cầu về thể lực nên rất phù hợp với độ tuổi của ông bà.

Cờ cá ngựa

Giải trí mùa cách ly: thử bỏ smartphone quay về với 3 món đồ chơi truyền thống, vừa vui lại vừa kết nối gia đình - Ảnh 2.

Cờ cá ngựa là trò chơi đã quá quen thuộc với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Bạn có thể chơi "đối kháng" 2 người hoặc 3-4 người cùng đấu với nhau.

Thời gian chuẩn bị trò chơi rất nhanh, chỉ trong khoảng 30 giây, bao gồm mở bàn cờ và… xếp cờ. Mục tiêu của trò chơi này là di chuyển quân cờ của mình đủ 1 vòng quanh bàn cờ để về đích (về chuồng).

Trò chơi này sẽ tạo được sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình, chẳng hạn, ông bà có thể dạy trẻ cách đếm số chính xác, cách phân biệt màu sắc và đôi khi cả cách… "xin xỏ" để được "tha" một quân cờ. Hoặc các thành viên có thể bắt tay cùng nhau để "hạ bệ" người sắp "về đích". Vui ra phết chứ chẳng đùa!

Giải trí mùa cách ly: thử bỏ smartphone quay về với 3 món đồ chơi truyền thống, vừa vui lại vừa kết nối gia đình - Ảnh 3.

Một bộ cờ cá ngựa hiện nay có giá rất rẻ. Loại sử dụng bàn cờ bằng giấy có giá chỉ từ 15.500 đồng/bộ, loại bàn cờ nhựa/gỗ gấp gọn được có giá chỉ từ 58.000 đồng. Một số quân cờ loại "xịn" thường gắn sẵn nam châm ở đáy để tránh bị đổ khi va chạm.

Ô ăn quan

Giải trí mùa cách ly: thử bỏ smartphone quay về với 3 món đồ chơi truyền thống, vừa vui lại vừa kết nối gia đình - Ảnh 4.

Ông bà có lẽ sẽ là những người hào hứng nhất khi được trở về tuổi thơ với bộ trò chơi này đấy. Lũ trẻ thì sẽ được dịp mở mang kiến thức, biết thêm một trò chơi truyền thống đầy thú vị khác hẳn những app giải trí quen thuộc trên điện thoại.

Trò ô ăn quan truyền thống cần có phấn để vẽ các ô và sỏi để làm quân cờ. Ở thời điểm hiện tại thì việc này không khả thi cho lắm vì sỏi không dễ kiếm và cũng không được vệ sinh cho lắm.

Thay vào đó, bạn có thể mua bộ trò chơi ô ăn quan bằng nhựa với giá từ 43.000 – 99.000 đồng/bộ. Các quân cờ được làm bằng nhựa hoặc gỗ, thiết kế tròn đều và khá đẹp mắt.

Đi kèm là một miếng giấy lớn hoặc các miếng formex ghép liền, bên trên có in họa tiết thay thế cho ô kẻ bằng phấn.

Giải trí mùa cách ly: thử bỏ smartphone quay về với 3 món đồ chơi truyền thống, vừa vui lại vừa kết nối gia đình - Ảnh 5.

Số người chơi trong trò này dao động từ 2-4 người. Với những ai chưa rõ luật chơi ô ăn quan, bạn có thể tìm hiểu tại đây.

Cờ tỷ phú

Giải trí mùa cách ly: thử bỏ smartphone quay về với 3 món đồ chơi truyền thống, vừa vui lại vừa kết nối gia đình - Ảnh 6.

Chắc hẳn các thế hệ từ 7x trở lên đều không xa lạ gì với trò chơi này. Cờ tỷ phú cho phép số người chơi lên tới 8 người, bạn có rủ thêm hàng xóm cũng cứ yên tâm là vẫn "đủ chân".

Thời gian chuẩn bị trò chơi tuy hơi lâu một tí, khoảng từ 5-15 phút nhưng quá trình chơi có thể kéo dài đến hàng giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, trò chơi trí tuệ này yêu cầu trẻ phải có độ nhận thức nhất định về mọi thứ xung quanh. Vì vậy, từ 5 tuổi trở đi mới là độ tuổi phù hợp để chơi cờ tỷ phú.

Ông bà và bố mẹ có thể thông qua trò chơi để dạy trẻ kiến thức cơ bản về kinh doanh và toán học. Đây vừa là cách kết nối các thành viên trong gia đình, vừa là dịp để người lớn luyện cách giao tiếp hiệu quả với trẻ nhỏ.

Giải trí mùa cách ly: thử bỏ smartphone quay về với 3 món đồ chơi truyền thống, vừa vui lại vừa kết nối gia đình - Ảnh 7.

Một bộ cờ tỷ phú hiện được bán với giá từ 160 – 350 nghìn đồng. Phiên bản thời hiện đại có bàn cờ bằng nhựa chắc chắn và gọn nhẹ hơn so với bản giấy ngày trước. Các phụ kiện đi kèm như tiền giấy, các bộ thẻ cũng được thiết kế đẹp mắt và "xịn sò" hơn.