Bộ phim Hoàng tử gác mái đang trở thành một hiện tượng trên các diễn đàn phim ảnh. Người hâm mộ hồi hộp đón chờ từng tập phim được phát sóng để biết số phận của chàng hoàng tử thời trung đại khi sống ở hiện đại sẽ ra sao. Không chỉ gây sốt ở Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác cũng có phản hồi khá tích cực với bộ phim.
"Hoàng tử gác mái" đang "sốt xình xịch" cả ở Hàn Quốc và Việt Nam

Tuy nhiên, nếu đã từng xem qua vài phim Hàn, khán giả có thể nhận thấy “tính chất quay vòng” hoặc những “trào lưu” về kịch bản của các phim nước này. Ngày xưa, phim Hàn thường lấy của người xem không ít nước mắt với các tình huống nhân vật chính bị ung thư, máu trắng... Vài năm trở lại đây, các nhà sản xuất lại tìm được những cách khác gây hấp dẫn khán giả mà không cần phải bắt nhân vật của mình chết đi. Hoàng tử gác mái cũng nằm trong sự “quay vòng” hoặc tổng hợp các mô típ ăn khách quen thuộc trong quá khứ, tuy nhiên bộ phim vẫn khiến người xem "điên đảo".

Mô tip Hoàng tử - Lọ Lem

Trong phim Hàn, những anh chàng trẻ tuổi nhưng nhà giàu, đẹp trai, giỏi giang (thường giữ chức Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch... trong các công ty, tập đoàn của gia đình họ) sẽ bỏ qua rất nhiều ứng cử viên sáng giá xung quanh để đi yêu những cô nàng nghèo khó nhưng chăm chỉ, tốt bụng (những cô này có thể không có ưu điểm nổi bật nào khác, thậm chí ngoại hình không đẹp hay tính cách hơi “quái đản”, thích “bạo lực” hoặc hơi “vô duyên” cũng không thành vấn đề). Có thể gặp mô típ này trong rất nhiều phim như: Secret Garden, Boys over Flowers, Tiệm cafe hoàng tử, Tiệm mỳ mĩ nam...


Thái tử Lee Gak và cô nàng nghèo khổ Park Ha

Tất nhiên, tình yêu này sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, trắc trở đến từ phía gia đình của những anh chàng “hoàng tử” này, nhưng đến cuối phim, một cái kết có hậu vẫn luôn dành cho những nàng Lọ Lem. Trong phim, chắc chắn sẽ có cảnh bố/mẹ/bà... của anh chàng vì muốn ngăn cản tình yêu này nên sẽ đến gặp nhân vật nữ chính và nói những lời xúc phạm tới cô.

Trong Hoàng tử gác mái, nhân vật thái tử Lee Gak ở thời Chosun từ 300 năm trước đã lưu lạc đến thời hiện đại và vô tình rơi trúng vào nhà cô nàng bán hoa quả kiêm chuyển đồ thuê Park Ha. Ở thời hiện đại, thái tử Lee Gak nhận mình là cháu trai bị mất tích của chủ tịch tập đoàn Home Shopping và vẫn tiếp tục được sống trong nhung lụa, thoải mái vung tiền. Tuy thế, thái tử vẫn ở lại nhà của cô nàng Park Ha, chịu đựng việc suốt ngày bị Park Ha mắng như tát nước vào mặt và sai vặt – một trải nghiệm mà chàng thái tử chưa từng gặp trong đời. Tuy thế, ai cũng biết đến cuối phim hai người này sẽ thành đôi. 


Cặp đôi gây "sốt" của "Hoàng tử gác mái"

Hoàng tử gác mái cũng có những tình tiết lặp lại với các phim trước cùng mô tip “Hoàng tử - Lọ Lem”: Trong phim thế nào cũng có cảnh chàng thái tử giàu có dẫn cô nàng nghèo khổ đi shopping. Chàng chọn lựa cho cô nàng hàng đống quần áo đắt tiền, thoải mái mua sắm, rồi lại dẫn cô đi “tân trang nhan sắc” để cô Lọ Lem nghèo khổ “lột xác” trở nên xinh đẹp hơn nhiều lần.

Mô tip “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”

Trong phim Hàn, sẽ luôn có những tình huống nhân vật nam chính và nữ chính “bắt buộc” phải ở cùng nhau trong một mái nhà (bất kể tình huống đó có vô lý đến đâu). Thời gian ban đầu, cả hai nhân vật đều cảm thấy đó là chuyện bất đắc dĩ, cãi nhau như chó với mèo, nhưng qua thời gian, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, cả hai sẽ nảy sinh tình cảm và đến cuối phim thì nhận ra người kia chính là một nửa của mình.

Dù suốt ngày cãi vã, ai cũng biết hai nhân vật này rồi sẽ thành đôi...

Mô tip này đã từng gặp trong Full house (Ngôi nhà hạnh phúc), tiếp tục trong Personal Taste (một anh chàng kiến trúc sư lấy cớ tìm hiểu kiến trúc ngôi nhà mà dọn đến ở thuê); Sungkyunkwan Scandal, Tiệm mỳ mĩ nam...

Đến phim Hoàng tử gác mái, mô tip này vẫn tiếp tục gây sốt. Ở đầu phim, khán giả có thể thông cảm với chàng thái tử vì thân phận “ăn bám”, không hiểu biết gì về thời hiện đại khiến chàng ta bắt buộc phải ở lại nhà của Park Ha. Thế nhưng, khi đã trở thành cháu trai của Chủ tịch tập đoàn lớn, chẳng có lý do gì để chàng tiếp tục cảnh “ăn nhờ ở đậu”, ngày ngày cãi vã với Park Ha, chịu đủ mọi bực tức... nếu không phải vì nhà biên kịch muốn hai nhân vật chính ở gần nhau để ... có chuyện mà kể rồi dẫn đến yêu đương. 
... bởi "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén"

Mô típ Thất lạc

Phim Hàn luôn đi đầu trong việc “thất lạc người thân”. Ngay từ những phim từ xa xưa như Trái tim mùa thu: hai em bé mới sinh ra đã “tình cờ” bị đổi số đeo để về nhầm gia đình, đến những phim sau như Bản tình ca mùa đông, Secret Garden,...

Các nhà biên kịch cũng khai thác mô tip này triệt để trong Hoàng tử gác mái để tạo thêm kịch tính. Trong phim, có rất nhiều lần bà mẹ của Park Ha đi tìm con và luôn luôn gặp cảnh ... suýt nữa thì nhận ra con. Tất nhiên, trước khi phim kết thúc thì bà mẹ sẽ luôn nhận nhầm để phim thêm phần hấp dẫn. Đấy là chưa kể đến mô tip “mẹ ghẻ con chồng”, trong phim, cô nàng Park Ha luôn phải chịu nhiều ấm ức, thiệt thòi vì bà chị tham vọng nhiều thủ đoạn lúc nào cũng tìm cách ức hiếp cô.


Trong Hoàng tử gác mái, khán giả cũng lại gặp mô tip bộ tứ F4 đã từng nổi đình nổi đám, mỗi chàng đều có sức hấp dẫn riêng như trong Boys over flowers hay Tiệm mỳ mĩ nam. Thái tử Lee Gak và ba chàng cận vệ đẹp trai là một trong những yếu tố “hút fan” của phim. Trong phim cũng có những cảnh “lộ hàng”, trong đó các nam nhân vật chính sẽ có nhiều cơ hội được khoe cơ bắp như cảnh bốn chàng trai thay quần áo trong thang máy...


Bốn chàng đẹp trai của Hoàng tử gác mái


Những cảnh "khoe hàng" cũng được khai thác triệt để

Tất nhiên, nếu chỉ có từng ấy yếu tố thì Hoàng tử gác mái không thể dẫn đầu về lượng người xem trên đài truyền hình Hàn Quốc. Trong phim có ba nhân vật chính có ngoại hình giống hệt nhau với ba câu chuyện ở quá khứ và hiện tại nên cũng hấp dẫn hơn. Thêm nữa, vì từ thời quá khứ đến, bốn chàng trai có những hành động “chập cheng” gây cười như: cúi lạy tờ tiền in hình thái tử, nói năng trịnh trọng, thà chịu bị chặt đầu chứ không cắt tóc... Trong phim cũng không thiếu những cảnh lãng mạn khiến nhiều fan nữ ngất ngây như mọi bộ phim Hàn ăn khách trước đó.



Phim có nhiều tình huống gây cười hấp dẫn