Tác giả “Độc huyền cầm” giấu nỗi buồn sau nụ cười rạng rỡ, dùng nhạc và chữ để chuyển tải tâm trạng của mình.
- Áp lực đối với cô gái trẻ như chị trong những ngày đầu thay thế cho cái tên Giáng Son?
Giai đoạn thực hiện album 2 “Tự tình ca”, chúng tôi gần như đã làm việc chỉ có 4 người trong khoảng thời gian chị Son phải dạy học ngoài Hà Nội. Ở album đó, tôi phải dồn sức để hòa âm hơn 10 ca khúc acapella, ghi ra chằng chịt các bản phối đầy nốt nhạc, trong khi đó nhiều người vẫn nghĩ là tôi thiếu căn bản, hoặc cho là khi chị Son đi tôi mới cố để tập sáng tác thật nhiều. Tôi nghĩ không cần thiết mình phải đi rêu rao về những thành tích sáng tác mình đã “gặt” được khi còn nhỏ, nhưng điều người ta nghi ngờ về tôi cũng làm tôi có chút chạnh lòng. Chẳng nhẽ 15 năm học nhạc không đủ để tôi ghi ra những nốt nhạc mình tưởng tượng trong đầu hay sao?
- Năm Dòng Kẻ hiện vẫn là nhóm nhạc hàng đầu Việt Nam, với các chị điều này có ý nghĩa thế nào?
Tới cuối năm nay, Năm Dòng Kẻ sẽ bước sang tuổi thứ 11. Chúng tôi đã được khán giả ưu ái rất nhiều và chỉ mong xu hướng xã hội phát triển theo hướng tốt, để các loại hình nghệ thuật của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn.
- Chị thấy thế nào khi ở Việt Nam, những nhạc sĩ nữ ít và thường không được đánh giá cao?
- Nếu như ngang hàng với nhau về tuổi tác, tôi cảm giác cánh nam giới có vẻ không muốn bị đánh giá thấp hơn phụ nữ. Tôi nghĩ họ chẳng cần phải chứng tỏ mình như vậy, bởi thực chất phụ nữ luôn thua thiệt khi làm sáng tạo. Tôi để ý thấy cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài, hầu hết fan của những nữ ca sĩ, nhạc sĩ đều là nữ giới. Lý do vì các ca khúc của họ thường lãng mạn hơn, ủy mị hơn hoặc đề tài bó hẹp hơn, nên khó nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía nam.
Đàn ông có lợi thế hơn về mọi mặt, khi làm sáng tạo luôn có mẹ, vợ hoặc bạn gái chăm lo cho từ bữa ăn tới tinh thần. Nhưng phụ nữ thì rất khó, anh nào có thể đi theo như “vú em” như vậy được? Nếu có thì anh đó sẽ bị liệt vào dạng vô công rồi nghề. Đàn ông dễ dàng trong việc đi xa, giao lưu xã hội để lấy đề tài và cảm hứng sáng tác. Với phụ nữ như vậy là liều lĩnh, nhất là khi đã có gia đình. Đàn ông có thể “đầu bù tóc rối” cả ngày trong phòng để sáng tạo, phụ nữ như vậy sẽ không còn nữ tính và trở thành nỗi sợ của phái mạnh… Còn rất nhiều lý do nữa khiến cho phụ nữ khó có cơ hội để sáng tạo, hoặc đề tài không được phong phú như nam giới, nhiều người có khả năng nhưng rồi cũng ngại ngùng và dần từ bỏ. Chính vì thế mà nữ nhạc sĩ luôn chiếm số ít, đặc biệt là với những nước văn hóa đậm chất Á Đông.
- Tôi không dám nhận mình là người có uy lực nhất nhóm. Về tuổi tác, mọi người trong nhóm đều lớn hơn tôi, và tôi luôn nhận được sự nhường nhịn. Khi tôi làm việc về chuyên môn, mọi người luôn tin tưởng và để tôi thử hết mọi phương án. Có khi trong lúc tập, tôi thay đổi liên tục các phần của mỗi người, mọi người vẫn vui vẻ làm lại, thậm chí cười phá lên.
Tôi biết Năm Dòng Kẻ rất thương tôi và không ai có ý nghĩ ghen tỵ với tôi cả. Các bạn còn tự hào giới thiệu với những người khác rằng đây là sáng tác của Lan, rằng đây là bài do Lan phối… Tôi luôn thầm cảm ơn vì đã có những đồng nghiệp, những người bạn luôn hiểu tôi, luôn yêu những sáng tác của tôi, và luôn có mặt để chia vui trong mỗi bước đường thành công của tôi.
- Năm 2007, chị thành công rực rỡ với “Độc huyền cầm” nhưng 2008, chị vẫn chưa có ca khúc nào vượt qua bài hát này. Chị nghĩ sao về “sự chững lại” của mình?
- Độc huyền cầm có lẽ sẽ là bài hát ưng ý nhất của tôi. Không phải lúc nào cũng viết được một bài với đề tài đã tích lũy được từ cuộc sống gần 30 năm, và hơn 15 năm tìm hiểu về cây đàn bầu. Nhất là khi tôi may mắn có được một bản phối tuyệt vời từ nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và những giọng hát đang thời kỳ phong độ của Năm Dòng Kẻ.
Tôi đang có trong tay một số bài hát mới, nhưng tôi vẫn đang tìm kíếm cho chúng những bản phối tốt và một cơ hội thích hợp để trình làng. Tôi chưa bao giờ ngừng sáng tạo, chỉ có điều cần phải chọn và biết chờ đợi thời cơ để sáng tác của mình không trở nên lạc lõng giữa muôn vàn “món ăn” khoái khẩu khác.
- Các cụ xưa thường dặn: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, vì sao chị lại gắn bó với cây đàn này?
- Các cụ nói “chớ nghe đàn bầu” thôi, chứ có nói “chớ chơi đàn bầu” đâu... Nói vậy cho vui thôi, chứ thường đàn bầu đúng là chỉ hay chơi những điệu nhạc buồn, vì thế các cụ sợ con gái mà nghe đàn bầu sẽ vận vào người. Nhưng giờ người ta quan niệm khác xưa rồi, con gái ngồi vào với cây đàn bầu duyên dáng hơn nhiều so với đàn ông. Vì thế rất nhiều nữ nghệ sĩ chơi đàn bầu luôn được chọn để đi nước ngoài giới thiệu.
Tôi phải cám ơn cha mẹ rất nhiều vì đã lựa chọn cho tôi cây đàn này. Đối với bạn bè quốc tế, nó độc đáo và trữ tình, nhưng đối với riêng tôi thì nó còn vô cùng ma quái nữa. Tôi học và ngày càng yêu nó, nó giúp tôi hiểu được nhiều hơn về âm nhạc dân tộc Việt, và nó cho tôi cái gốc để viết được những tác phẩm dân gian đương đại sau này.
- Những người con gái gắn với độc huyền cầm thường lận đận tình duyên, phải chăng vì thế đến giờ chị vẫn cô đơn?
- Bạn học đàn bầu với tôi đứa nào cũng con cái lớn tướng, chẳng lận đận tình duyên chút nào. Có chăng là tôi thôi. Tôi đã không yêu ai sau mối tình đầu đến giờ là hơn 6 năm. Tôi sống hoài niệm và khó quên mọi thứ, nhưng cũng không có nghĩa là tôi cứ ôm quá khứ và sống mãi với nó. Tình duyên có lẽ cũng sẽ tới chậm giống như mọi khía cạnh khác trong cuộc sống của tôi, và tôi mong nó sẽ bền lâu, không như nhiều viễn cảnh khác mà tôi đã chứng kiến.
Tôi ít khi để cho người ngoài thấy tôi buồn, họ chẳng có lý do gì để phải nhìn thấy khuôn mặt thiểu não của tôi cả. Vì thế ai gặp tôi thường đều nhận xét tôi vui vẻ, và tôi cũng muốn như vậy. Tôi sẽ chia sẻ những chuyện buồn chỉ với người thân, hoặc sẽ viết. Những gì mà tôi cảm nhận về cuộc sống này chỉ có nhạc và chữ mới có thể truyền tải hết được.
Theo Vnexpress