Mọi người thường thắc mắc, sao người Hà Nội lại đi viết
về Tây Nguyên? Mình trả lời, vì là người Hà Nội nên mới viết về Tây Nguyên.

Hà Nội là trái tim của cả nước, cả nước hướng về Hà Nội, Hà Nội vì cả nước mà. Yêu Hà Nội là đương nhiên nên cái nhu cầu cần bộc lộ ra ít, những bài hát hay về địa phương thường là của khách, bài hát về Hà Nội cũng thế phần lớn của các nhạc sĩ ngoại tỉnh. Nói vậy nhưng tôi thấy tình yêu với Hà Nội tôi đã bộc lộ trọn vẹn trong các ca khúc của mình”, nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự.

“Nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đua nắng, tung tăng mặt trời…Tôi sinh, sinh từ nơi đây, cha tôi, cũng sinh từ nơi đây...Ơi! Madrak, Madrak ơi!” và “Những tháng ngày tuổi thơ tôi, Hà Nội/ Những chiều chiều đội mưa/Lũ bạn bè ngày xưa/ Trốn học đi tìm thơ/ Trái tim tôi mộng mơ”. Dường như Nguyễn Cường có phép phân thân, một dành cho Tây Nguyên và một cho Hà Nội?

Không có phép phân thân nào cả. Tôi là một và thống nhất cả ngoài đời lẫn trong tác phẩm. Từ Hà Nôi tôi đi và từ mọi nơi tôi về. Tôi may mắn vì đã đi và tới được Tây Nguyên rồi từ đấy lại mang về cho Thủ đô “cái nắng cái gió” cao nguyên.

Khán thính giả dường như biết đến Nguyễn Cường gắn bó với những ca khúc Tây Nguyên nhiều hơn, phải chăng anh có thiên vị?

Chuyện này không chỉ trong thưởng thức âm nhạc đâu, nhiều người gặp tôi ở bờ hồ Hoàn Kiếm hẳn hoi, mà tôi lúc đó thì quần soóc áo phông giày bata chạy bộ buổi sáng, vẫn níu lại hỏi: “Anh ở Tây Nguyên về Hà Nội chơi mấy hôm?” (Cười)
 
 

Hà Nội là nơi tôi sinh ra, lớn lên nhưng bây giờ thấy tôi ở Hà Nội nhiều người tưởng tôi là khách về chơi. Thật ra tôi là người Hà Nội chính cống đấy. Bố tôi quê gốc ở Phú Xuyên nhưng ông cũng được sinh ra ở Hà Nội. Mẹ tôi thì gốc đã nhiều đời ở đất kinh kỳ, nghề tổ là chài lưới, đình tổ ngày trước ở chỗ khách sạn Thắng Lợi bây giờ.

Tôi có trọn vẹn một tuổi thơ bé nhỏ, tuổi thanh niên trưởng thành ở khu phố cổ. Tôi biết rõ Hà Nội như lòng bàn tay mình và Hà Nội thấm đẫm trong mỗi ca từ giai điệu của tôi dù rằng bài hát đó là Madrak, Playcu, Buôn Ma Thuột… Một nhạc sĩ đến từ Sài Gòn sẽ viết khác, tôi chắc vậy.
 

Tuổi thơ anh và Hà Nội,giờ đọng lại những gì?

Thật ra cái gì đọng lại từ tuổi thơ tôi đã viết rõ trong ca khúc của mình (Nguyễn Cường ngẩng mặt, nhắm mắt mơ màng vừa gõ tay xuống nền nhà làm nhịp hát bài Tuổi thơ tôi Hà Nội). Đấy, tôi đã bảo từ trước, tôi là một cả cuộc đời lẫn trong tác phẩm, không hề có mâu thuẫn.

Chắc chắn đó chưa phải là tất cả…?
 

Ôi tất nhiên! Đó chỉ là những gì lắng đọng, những gì dù chân trời góc bể cũng không quên được. Ngày nhỏ tôi nghịch ngợm lắm. Tôi được hưởng từ ông cụ - một phi công hàng không dân dụng của Pháp cả cơ thể lực lưỡng lẫn một tâm hồn ưa phiêu lưu mạo hiểm.

Chúng tôi những đứa trẻ cùng phố hoặc một nhóm như kiểu phường ngày nay chơi không phân biệt giàu nghèo, lớn bé. Chúng tôi đá bóng đá cầu, tắm mưa dưới các mái hiên, trốn tìm trong suốt các ngõ ngách sâu hun hút của phố cổ. Chúng tôi trèo me, hái sấu, câu cá câu tôm ở Bờ Hồ, cũng nghếch mắt coi sách cọp, cũng vòi mẹ mua kem Tràng Tiền. Những cây kem Tràng Tiền tuổi thơ tôi thơm mát đến tận bây giờ…

Như vậy anh còn “nợ” Hà Nội nhiều lắm?

(Cười) Tôi nợ cả cuộc đời ấy chứ, nhưng thật ra tôi viết nhiều về Hà Nội lắm. Có nhiều bài vẫn đang chờ thời điểm thích hợp để ra mắt. Những bài hát về Hà Nội luôn là những đơn đặt hàng của trái tim. Bài hát Tuổi thơ tôi Hà Nội từ lúc tôi đặt bút đến khi công bố là mười năm. Những ca khúc về Hà Nội khác cũng vậy. Ngay những bài mới mà dịp Hà Nội ngàn năm này tôi sẽ đưa ra như Khúc romance Hà Nội, Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc hồng…

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Theo Dân Trí