Nửa đêm đang ngủ, bé Bảo Bảo (Trung Quốc) bỗng kêu khóc vì đau tai. Người mẹ nhanh chóng lấy đèn soi vào tai con trai và phát hiện một con gián khá to đang nằm bên trong ống tai con.
Dù rất sợ hãi, người mẹ vẫn cố bình tĩnh nhớ lại những biện pháp sơ cứu mà mình từng được học. Cô nhanh chóng tắt đèn pin, mang dầu ăn ra nhỏ vài giọt vào ống tai con trai rồi nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.
Sau khi đến viện và trình bày lại sự việc, mẹ của Bảo Bảo nhận được lời khen của các nhân viên y tế. Theo các bác sỹ, nếu cô cứ tiếp tục soi đèn pin vào tai con và cố lôi con gián ra thì mọi việc càng tệ hơn. Khi tiếp xúc với ánh sáng, con gián sẽ bị kích thích và tiếp tục bò vào chỗ tối sâu trong tai, rất có thể sẽ làm tổn thương màng nhĩ cậu bé.
Việc nhỏ dầu ăn hoặc dầu massage em bé vào ống tai sẽ làm côn trùng chết ngạt và trôi ra ngoài, do đó làm giảm tổn thương cho tai, tránh tình trạng rách màng nhi.
Gián hoặc các loại côn trùng khác bay vào tai trẻ là chuyện dễ xảy ra. Tình trạng này có thể gây khó chịu, đau đớn cho trẻ cũng như gây ra sự sợ hãi và lo lắng cho cha mẹ.
Nên làm gì để ngăn côn trùng chui vào tai trẻ?
Để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị côn trùng chui vào tai, phụ huynh cần:
- Chú ý vệ sinh môi trường: Giữ cho nhà luôn gọn gàng, hợp vệ sinh là bước đầu tiên để ngăn chặn côn trùng bay vào tai trẻ. Nên thường xuyên lau chùi mọi ngóc ngách, giường ngủ và cửa sổ để kiểm tra các vết nứt và dấu vết của côn trùng; ngăn côn trùng bay vào phòng qua các khoảng trống, ngăn chặn sự tụ tập quá mức của côn trùng và các động vật nhỏ khác trong nhà.
- Sử dụng thuốc chống côn trùng: Việc sử dụng loại thuốc đuổi côn trùng phù hợp, chẳng hạn như bình xịt không mùi hoặc chất lỏng đuổi côn trùng ở những khu vực có trẻ em sinh sống có thể làm giảm số lượng côn trùng trong nhà một cách hiệu quả và giảm nguy cơ côn trùng bay vào tai trẻ.
- Chú ý đến môi trường hoạt động của con bạn: Khi vui chơi ngoài trời, hãy đảm bảo con bạn tránh xa những khu vườn có cây cối um tùm hoặc lâu ngày không được chăm sóc. Côn trùng rất dễ ẩn náu ở những nơi này và khi trẻ lăn, chơi trên cỏ, côn trùng có thể chui vào tai trẻ.
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ: Cha mẹ có thể đội mũ hoặc khăn trùm đầu cho con khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Điều này có thể giúp giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa côn trùng với đầu và tai của trẻ.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thuốc chống côn trùng hoặc xịt thuốc chống côn trùng lên da để ngăn côn trùng tiếp cận con bạn.
Nên làm gì khi có vật lạ rơi vào tai trẻ?
Khi phát hiện dị vật trong tai trẻ, trước hết cha mẹ nên giữ bình tĩnh. Nếu cha mẹ quá hoảng sợ hoặc lo lắng, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi hoặc bất an, cảm xúc này có thể ảnh hưởng đến khả năng ứng phó của cha mẹ và sự hợp tác của trẻ.
Cha mẹ không nên dùng vật sắc nhọn để gắp vật lạ vì có thể dẫn đến chấn thương nặng hơn. Không sử dụng tăm bông, kim, kéo hoặc các vật sắc nhọn khác vì chúng có thể đẩy vật vào sâu hơn hoặc làm thủng màng nhĩ.
Sự vận động quá mức có thể khiến vật lạ xâm nhập sâu hơn hoặc gây tổn thương cho tai. Cha mẹ nên cho trẻ ngồi hoặc nằm thẳng để giảm sự di chuyển của dị vật vào tai.
Nếu các biện pháp trên không giải quyết được vấn đề hoặc trẻ cảm thấy đau dữ dội, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc tìm sự trợ giúp chuyên môn tại cơ sở y tế gần nhất.
Các bác sỹ có trang thiết bị và kỹ năng chuyên môn để loại bỏ dị vật một cách nhanh chóng, an toàn nhất có thể và đảm bảo tai của trẻ không bị tổn thương.