TÌNH HUỐNG CHƯA TIỀN LỆ

Tính đến sáng 18-7 cả nước đã có hơn 51.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó số mắc mới từ cuối tháng 4-2021 đến nay là 44.314 ca, chiếm khoảng 87% tổng số ca nhiễm từ trước đến nay. Số F0 đã tăng lên "4 con số" mỗi ngày, chưa kể hàng loạt F1, F2 cũng tăng theo cấp số nhân tương ứng.

Đặc biệt, tâm dịch lần này xảy ra ở TP.HCM và 2 vùng trọng điểm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ lớn nhất nước là miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Mức độ ảnh hưởng kinh tế, xã hội, sinh kế và đời sống người dân rất nghiêm trọng.

Từ 0 giờ ngày 19-7-2021, toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam, gồm TP.HCM, miền Đông và miền Tây Nam bộ với khoảng 36 triệu dân phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một quyết định khó khăn, chưa từng có tiền lệ để ứng phó trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, tình thế bức thiết.

Áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng dịch theo Chỉ thị 16 với 3 ưu tiên đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ rõ. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, bảo đảm hệ thống y tế và kiềm chế dịch ở mức thấp nhất là ưu tiên hàng đầu, nhưng vẫn phải duy trì sản xuất an toàn, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ vùng dịch là yêu cầu thứ 4 cần quán triệt.

Kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân, truy vết, khoanh vùng, khẩn trương điều tra dịch tễ là cần thiết, nhưng ưu tiên hàng đầu cho 2 tuần tới trong vùng có dịch rộng lớn 19 tỉnh, thành phía Nam phải là sự đảm bảo hậu cần, cung đủ hàng tiêu dùng thiết yếu để không người dân nào phải thiếu đói hoặc rơi vào hoàn cảnh cùng cực.

Mặc dù lãnh đạo các địa phương đều cam kết không để xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá hàng hóa, nhưng thực tế đã xảy ra tình trạng trên. Các chuỗi cung ứng, nhất là nông sản thiết yếu bị đứt gãy. Nay thời gian thực hiện giãn cách xã hội buộc phải kéo dài thêm, trên phạm vi rộng lớn hơn, thì mối đe dọa đứt gãy, tắc nghẽn các chuỗi cung ứng hàng hóa càng thách thức nhiều hơn.

Yêu cầu đặt ra cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng và sự chỉ huy thống nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từng cấp, xóa tình trạng ngăn sông, cấm chợ, rào đường mà vẫn đảm bảo được các yêu cầu phòng, chống dịch. Đó cũng là cách thức đảm bảo "mục tiêu kép" được cụ thể hoá trong tình thế cấp thiết, trạng thái "thời chiến – chống dịch như chống giặc" hiện nay.

DÒNG CHẢY "LUỒNG XANH"

Để các chuỗi cung ứng không đứt gãy, dòng chảy hàng hóa thiết yếu trong vùng có dịch rộng lớn 19 tỉnh, thành không bị tắc nghẽn, đòi hỏi chỉ huy thống nhất, phối hợp thông suốt, tổ chức lực lượng hiệu quả, tạo đồng thuận cao và ứng dụng tốt công nghệ.

Luồng xanh quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương, cũng như các khâu kiểm tra, giám sát khác cần ứng dụng công nghệ sớm nhất có thể để thay cho các phương thức thủ công.

Cần ưu tiên test nhanh tài xế, người giao hàng; phối hợp sử dụng, vận hành hiệu quả, tiện ích hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử về dịch tễ với hàng hóa. Khuyến khích ứng dụng rộng rãi hơn mã QR, công nghệ nhận dạng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử. Công bố thông tin chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời và thống nhất để thực hiện.

"Luồng xanh" hàng hóa thiết yếu phải được vận hành thông suốt không chỉ trong giao thông, mà đòi hỏi trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ vùng nguyên liệu, qua các khâu để đến người dân vùng dịch an toàn, sớm nhất. Việc Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với TP HCM và các tỉnh, thành phố vùng có dịch để đảm bảo cung ứng hàng hóa là cần thiết.

ĐỂ CHUỖI THỰC PHẨM KHÔNG ĐỨT GÃY

Yêu cầu cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các ngành công thương, nông nghiệp, giao thông và các lực lượng kiểm tra, kiểm soát để không gây ách tắc.

Sự vận hành hiệu quả của toàn hệ thống ngành công thương là trụ cột, cần tập trung cho 2 tuần thực hiện giãn cách và chuẩn bị tốt các kịch bản ứng phó với diễn biến dịch bệnh kéo dài hơn.

Đã có dấu hiệu cho thấy, việc đột ngột đóng cửa tất cả chợ truyền thống đã gây quá tải lên hệ thống siêu thị, kéo theo các điều kiện không an toàn dịch tễ. Cần tiếp tục phát huy vai trò các hệ thống phân phối như Co.opmart, Bách hóa Xanh, Satra Food… Cùng với TP HCM xoay xở tìm thêm nguồn cung thực phẩm cho TP HCM, chủ trương cho hoạt động trở lại một phần các chợ đầu mối và các chợ truyền thống, thì 18 tỉnh, thành phố trong vùng có dịch phía Nam cũng cần nhanh chóng rà soát, cho hoạt động trở lại một số chợ truyền thống đủ điều kiện.

Huy động các hệ thống khác vào cuộc như các chuỗi cung ứng thực phẩm công nghiệp, hệ thống thương mại điện tử khác, ngành công thương các địa phương cần trao đổi với các thành phần kinh tế, phát huy vai trò hiệp hội ngành hàng trong việc tổ chức, hỗ trợ cung ứng hàng hóa.

Từng xã, phường, quận, huyện theo nhu cầu phải đảm bảo có những điểm cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu. Các mô hình đội giao hàng tình nguyện xuất hiện ở một số nơi cần được tổ chức lại, phát huy vai trò cầu nối với dân.

Giãn cách xã hội 19 tỉnh thành miền Nam: Thất bại nếu xem nhẹ lưu thông hàng hóa! - Ảnh 5.

Triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, Trung ương cần xem xét ưu tiên thực hiện trước cho 19 tỉnh, thành phía Nam vùng có dịch. Các địa phương cần làm trước, thủ tục rút gọn cho các đối tượng, người khó khăn khu vực bị phong tỏa; lập danh sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hỗ trợ để tạo động lực cho họ tập trung sản xuất hàng hoá thiết yếu cung ứng cho tuyến đầu.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình dịch tại địa bàn để báo cáo cấp có thẩm quyền và điều chỉnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch. Mỗi cơ quan, đơn vị, cấp quản lý cần rà soát tổng thể, quy trách nhiệm rõ ràng từ người đứng đầu đến cán bộ phụ trách. Cần cá biệt hóa trách nhiệm cá nhân trong thời gian thực hiện giãn cách làm cơ sở cho triển khai nhiệm vụ tiếp theo.

Đảm bảo phòng dịch an toàn nhưng không cực đoan, cục bộ, rơi vào tình trạng "ngăn sông, cấm chợ". An toàn dịch bệnh nhưng phải đảm bảo duy trì đời sống, sinh kế người dân, nhất là họ được yêu cầu ở tại chỗ. Trong trạng thái chưa có tiền lệ "chiến tranh dịch bệnh - chống dịch như chống giặc", "mục tiêu kép" cần được thực thi tốt nhất để giãn cách diện rộng không làm ngưng trệ sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.