Cha mẹ nào cũng mong con lớn lên ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nghe lời bố mẹ. Đôi khi, thấy con mình dùng những từ nói tục, chửi bậy, cha mẹ sẽ ngay lập tức cấm đoán, tra hỏi "ai dạy mà ăn nói như thế?" mà không dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân, hỏi han xem liệu con có hiểu những từ đó có ý nghĩa gì hay tại sao con lại biết đến nó?

Giang Ơi và câu chuyện khiến phụ huynh phải suy ngẫm. Nguồn: Have a sip.

Mới đây, hot mom Giang Ơi đã chia sẻ câu chuyện của bản thân khiến bất kì bậc phụ huynh nào cũng phải suy nghĩ. Cụ thể, bà mẹ 1 con chia sẻ: "Cháu em nó hỏi 1 câu là 'Tại sao ba mẹ với cô nói là con không được xưng mày - tao với người khác trong khi ba mẹ và cô cũng làm như vậy', em bị khớp và em không biết trả lời câu đấy như thế nào. Em đã suy nghĩ câu hỏi này từ ngày hôm đó cho tới bây giờ. Và em vẫn đang chuẩn bị bản thân để trả lời câu hỏi đó cho con em sau này.

Tại sao người lớn lại được làm những điều mà trẻ con không được làm? Có phải chúng ta đang tiêu chuẩn kép hay không? Có phải chúng ta đang ép con mình đi theo tiêu chuẩn mà chính chúng ta cũng không làm được hay không? Và chúng ta muốn ép con đi theo những tiêu chuẩn đó thì chúng ta có thể làm gì để bản thân chúng ta làm được cái điều đó trước đã. 

Khởi đầu với việc chị thấy em chạy bộ từ 1 phút rưỡi lên 2 phút, 3 phút không, tại vì em muốn con là một người năng động. Bây giờ em lười thể dục xong em bảo 'đi tập đi con', không có chuyện đó đâu. 'Mẹ con mình đi tập' thì nó sẽ thành một cái nhiệm vụ thực tiễn, thực tế và hiệu quả hơn rất nhiều".

Giang Ơi và câu chuyện khiến phụ huynh phải suy ngẫm: "Tại sao trẻ không được xưng mày - tao mà ba mẹ thì được?" - Ảnh 2.

Dưới phần bình luận, nhiều người trăn trở và tỏ ra đồng tình với những điều mà Giang Ơi chia sẻ. Quả thật cha mẹ nào cũng cảm thấy khó chịu, bực mình khi nghe được những lời nói chưa hay từ con. Thông thường, phản ứng đầu tiên của họ sẽ là "hư thế, ai dạy mà ăn nói như vậy" nhưng trên thực tế người lớn lại dùng nó một cách phổ biến và trẻ đôi khi cũng vô tình nghe được. 

Trước tình huống khó xử này, nhiều người đã đưa ra lời khuyên về việc trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng người lớn cần làm gương cho trẻ nhỏ. Muốn con mình làm điều gì đó, hãy biến nó thành thói quen của cả gia đình, từ đó trẻ sẽ học nhanh hơn là những lời nói suông. 

Giang Ơi và câu chuyện khiến phụ huynh phải suy ngẫm: "Tại sao trẻ không được xưng mày - tao mà ba mẹ thì được?" - Ảnh 3.

Giang Ơi và câu chuyện khiến phụ huynh phải suy ngẫm: "Tại sao trẻ không được xưng mày - tao mà ba mẹ thì được?" - Ảnh 4.

Cha mẹ làm gương - hành vi này của trẻ có thể xuất phát từ việc sao chép cách ứng xử của cha mẹ

Trẻ con có xu hướng học theo bản năng và bắt chước người lớn, đặc biệt là ba mẹ. Khi còn nhỏ, thời gian của trẻ phần lớn là được ở bên gia đình, chính vì thế con dễ dàng học theo tính cách, thói quen của ba mẹ. 

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều bố mẹ tỏ ra tức giận hoặc vội vàng đánh giá con cái "hư hỏng" khi trẻ có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực như: không chào người lớn, la hét, giành giật đồ chơi của bạn... Tuy nhiên, những hành vi này của trẻ có thể xuất phát từ việc sao chép cách ứng xử của cha mẹ. Hãy làm những điều này nếu muốn trở thành tấm gương tốt cho con. 

1. Hãy trở thành người cha mẹ muốn con trở thành

Cha mẹ hãy nói năng lịch sự, lễ độ, giữ thái độ nhã nhặn, biết kiểm soát cảm xúc, hạn chế sử dụng điện thoại, chăm vận động, thể thao, không nói dối vặt, không so sánh, than vãn bản thân....

2. Cha mẹ nên thường xuyên nhìn nhận lại bản thân và thay đổi

Điều này giúp phụ huynh kịp thời nhận ra xem những hành vi tiêu cực của con có xuất phát từ chính cách hành xử của cha mẹ mỗi ngày hay không để có cách điều chỉnh kịp thời. Cha mẹ đặt quyết tâm thay đổi, con cái cũng sẽ thay đổi và sẽ tiến bộ hơn.

3. Cha mẹ không nên ép con làm theo ý mình

Việc cha mẹ dùng quyền lực để ép con làm theo ý mình sẽ khiến trẻ có tư tưởng chống đối, khó bảo. Cha mẹ có thể chọn cách tiếp cận tích cực hơn như: bình tĩnh trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân, hướng dẫn cụ thể, giữ thái độ nhã nhặn, ghi nhận và khen thưởng khi trẻ làm tốt và làm gương để trẻ học theo.

4. Đừng áp đặt sự hoàn hảo vào con

Theo chuyên gia, không có phụ huynh nào hoàn hảo, do đó, cũng không nên kỳ vọng sự hoàn hảo từ các con... Phụ huynh nên nhìn nhận điều này để không dán nhãn và đổ lỗi cho các hành vi tiêu cực của con để giúp trẻ khôn lớn, phát triển trong vòng tay yêu thương của gia đình.