Cho đến bao giờ thì mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu mới thôi trở thành "truyền thuyết" và cơn ác mộng của phụ nữ chúng ta?
Cách đây không lâu, cô em chồng tôi về chơi, có thể trong lúc quá chán nản, cô ấy đã tâm sự với chị dâu: "Dù em đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể hòa hợp với mẹ chồng. Mỗi khi 2 vợ chồng em đi làm về, nếu em không lao vào làm việc nhà bà sẽ nói em lười còn chồng em chơi game hay làm gì bà không cần biết...".
Tôi chợt nhớ đến mỗi lần em chồng về nhà là như được thả lỏng cơ thể, giãn hết các dây thần kinh. Lúc nào tôi hỏi cô ấy muốn ăn gì thì cô ấy lại cười gượng: "Mẹ luôn hỏi chồng em câu đó nhưng chưa bao giờ chồng em hỏi em muốn gì, nghĩ gì và cần gì".
3 tháng sau đó, vợ chồng cô ấy chính thức ra tòa ly hôn, không có sự phản bội, không khủng hoảng kinh tế mà nguyên nhân gián tiếp do mẹ chồng. Tôi có khuyên cô ấy về đây sống 1 thời gian để bình tâm lại nhưng cô ấy vẫn giữ sự tự tôn của mình. Tôi nhớ như in câu nói của cô ấy: "Mẹ đã đối xử với chồng em rất tốt, dù biết anh ấy vô tâm với gia đình mình. Nhưng hôm nay mẹ ôm em khóc, mẹ bảo 'mẹ cứ tưởng tốt với con rể thì nó sẽ tốt với con gái mình, trân trọng thông gia thì thông gia cũng kính trọng mình nhưng mẹ sai rồi'. Em thương mẹ quá!".
Đó là người đã sinh ra chồng tôi, vừa làm mẹ vợ lại vừa làm mẹ chồng. Bà có cả con trai và con gái nên bà luôn đặt mình vào nhiều vị trí để nghĩ cho các con. 12 năm làm dâu trong ngôi nhà này, chưa 1 lần tôi phải ấm ức hay trách móc mẹ chồng, chưa 1 lần tôi muốn ra ở riêng.
Tôi cũng có con trai, sau này cũng sẽ làm mẹ chồng nên bà luôn nhắc nhở tôi những điều mà 1 người mẹ chồng cần biết:
1. Con trai mình chỉ là một người đàn ông bình thường
Có thể đối với con, con trai mình là báu vật, đấy cũng là suy nghĩ chung của nhiều ông bố bà mẹ. Nhưng con dâu ở nhà khác cũng vậy. Nếu ra xã hội chúng cũng chỉ là những con người rất bình thường, thương yêu mấy cũng để cho chúng tự lập, tự định đoạt và quyết định hôn nhân của mình. Làm cha mẹ chỉ được đưa ra lời khuyên chứ không có quyền can thiệp sâu vào tình cảm vợ chồng của con cái.
2. Việc nhà là trách nhiệm, đừng ca ngợi đàn ông làm việc nhà là giúp vợ
Ai nói đàn ông làm việc nhà là giúp vợ? Không nên hình thành lối suy nghĩ gia trưởng và cổ hủ đấy. Hôn nhân là nơi dành cho 2 người, mọi thứ cần công bằng và dân chủ, việc nhà cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người. Đừng có đánh giá con dâu lười trong khi con trai mình cũng đang rảnh tay.
3. Đừng để con dâu chăm sóc chồng như thể mẹ chăm con
Yêu chồng là tốt nhưng yêu và chăm chồng quá tỉ mỉ như chăm con thì không hề tốt chút nào. Là mẹ chồng đừng có tự hào nếu con trai mình được con dâu lo từng bữa ăn giấc ngủ, chuẩn bị từng bữa ăn sáng, là từng cái áo, cái quần... Có 1 người mẹ là đủ rồi, giờ lại biến vợ thành người mẹ thứ 2 sao, hóa ra chẳng phải muốn mẹ chồng và con dâu ngang hàng nhau à?
4. Đừng bao giờ nói xấu con dâu trước mặt con trai
Không đáng phục nhất là mẹ chồng cứ không ưng gì với con dâu là kể tội xấu cho con trai mình biết. Mọi vấn đề, mâu thuẫn, hiểu lầm không được giải quyết trực tiếp mà cứ phải qua trung gian là anh con trai. Trong khi đó anh ta không phải người chứng kiến và có đủ khả năng để phân xử mọi việc. Hãy nhớ, các con càng yêu nhau gia đình càng hòa thuận, bố mẹ càng được nhờ. Nếu để chúng vì mình mà bỏ nhau, tội của mẹ chồng lớn lắm. Sau này cháu lớn lên nó có chịu nhìn nhận nhà nội 1 cách thoải mái nữa không?
5. Mở rộng lòng một cách cởi mở và bao dung nhất
Con dâu sinh con, nó cũng là con của con trai mình, là cháu nội mình. Tất nhiên bà không có nghĩa vụ phải chăm cháu nhưng nếu có thể hãy chăm sóc con dâu, trông con đỡ đần cho con dâu nếu trong điều kiện cho phép. Mình quan tâm cháu vừa được con dâu biết ơn lại vừa được cháu nội yêu quý, thế chẳng phải 1 công đôi việc sao!
6. Thi thoảng hãy coi con dâu là con gái
Không cần miễn cưỡng hay tỏ ra thân thiết kiểu giả tạo nhưng thi thoảng hãy thực sự coi con dâu là con gái bằng cách làm những việc mà con sẽ làm với con gái mình như cùng đi mua sắm, trò chuyện, tâm sự hay nhổ tóc bạc, cười đùa với nhau...
7. Đừng luôn cho rằng mình đúng, mình tốt
Mình nhiều tuổi, là bậc cha mẹ, có nhiều kinh nghiệm hơn con dâu nhưng không phải cái gì mình biết cũng là đúng đắn. Cần lắng nghe, trao đổi và chia sẻ để mình không bị thụt lùi với thế hệ trẻ, để khoảng cách gần nhau hơn.
8. Đừng nghĩ con dâu là "con nợ"
Con nuôi con trai, con nghĩ đó là khoản đầu tư và rước con dâu về là bắt đầu thời gian thu hồi vốn thì con sai rồi. Mình lãi hơn ông bà thông gia vì mình được thêm người, thêm con, thêm cháu mình càng cần quý trọng. Thời gian đầu sức khỏe còn tốt, giúp con cháu được gì thì giúp, đến khi tuổi già sức yếu chẳng cậy nhờ con dâu thì nhờ ai!
9. Đừng ảo tưởng về tài sản của con dâu
Nó làm lương cao, tháng này nó nhiều tiền thưởng, con trai mình đưa tiền cho vợ nhiều quá... Đấy không phải việc của mẹ chồng. Miễn là cô con dâu ấy không ăn hoang phá hoại thì kinh tế là phạm trù của riêng vợ chồng cô ấy. Nhà có công việc thì đóng góp khoản nào là trách nhiệm còn bố mẹ ốm đau thì tùy tình cảm và chữ hiếu. Bố mẹ chủ động kinh tế của mình, mẹ chồng mà tốt với con dâu chắc chắn cũng sẽ được đối đãi tốt lại.
10. Đừng ghen tị với thông gia
Con dâu về thăm nhà là mua bao nhiêu quà cho bố mẹ đẻ, sinh nhật ông bà thông gia con trai mình cũng quà cáp đầy đủ... Đừng vội ghen tị vì biết đâu họ hỗ trợ con mình còn nhiều hơn mình. Đó chỉ là những dịp nhỏ để các con báo hiếu bố mẹ.
Có lẽ nếu có trường hợp nào phải lựa chọn giữa mẹ và vợ, đàn ông đa phần chọn mẹ vì lý lẽ "mẹ chỉ có 1, mẹ là người nuôi anh khôn lớn, hi sinh nhiều thứ cho anh" đó cũng là điều dễ hiểu. Cũng vì lý lẽ ấy mà chàng trai nào bước vào hôn nhân cũng dặn cô gái mình yêu "hãy đối xử tốt với mẹ vì đó là mẹ anh". Nhưng có ai nhớ mà nói với mẹ mình rằng: "Mẹ hãy yêu thương cô ấy như cách mẹ yêu con vì cô ấy là người sống cùng con suốt phần đời còn lại"?
Thế nên, điều đàn ông nên ghi nhớ là hãy đối xử tốt với vợ mình bởi chọn bạn là cô ấy đã phải hi sinh rất nhiều thứ rồi. Trong trường hợp không thể dung hòa mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thì yêu thương vợ nhiều hơn cũng là cách để bù đắp.