Giao mùa - cẩn trọng với bệnh hô hấp và bệnh truyền nhiễm ở trẻ - Ảnh 1.

Trẻ mắc cúm A nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Phòng khám Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) những ngày qua tiếp nhận thăm khám cho khoảng 50 bệnh nhi/ngày, trong đó có khoảng 20% bệnh nhi mắc cúm A, 70% bệnh nhi mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi họng cấp, viêm phổi… Đa số trẻ nhập viện dưới 5 tuổi có các triệu chứng như sốt cao, ho, khàn tiếng, chảy nước mũi…

BSCKII. Nguyễn Thị Huyền - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Cúm A thường sinh sôi mạnh vào mùa đông xuân khi trời chuyển lạnh, nồm ẩm. Bệnh nhi mắc bệnh cúm A chủ yếu viêm long đường hô hấp kèm sốt cao, mệt mỏi, nôn, đau mỏi toàn thân, ăn uống kém… Một số bệnh nhi có biến chứng nặng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa thì cần phải nhập viện điều trị.

Đây cũng là thời điểm dịch sốt xuất huyết gia tăng phức tạp nên trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ mắc bệnh. Khi không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, Sốt xuất huyết có thể biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau khi trẻ có triệu chứng đầu tiên. Ở giai đoạn này trẻ có thể bị sốc do mất máu, có thể có xuất huyết nhiều cơ quan, suy tim, suy thận, tụt huyết áp, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng tránh và kịp thời nhận diện các dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh lý đường hô hấp ở trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu bệnh lý để đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa kịp thời. Đồng thời trang bị những kiến thức phòng bệnh cơ bản cho trẻ, các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo:

Để phòng tránh cúm A, phụ huynh nên tiêm vaccine phòng cúm hằng năm cho trước hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra vào mùa Đông Xuân (tháng 3,4,9,10 trong năm). Khi trẻ có dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn thì cần phải nhập viện điều trị. Cùng với đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung đông người khi đang có dịch cúm. Đeo khẩu trang cho trẻ, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Trẻ bị sốt xuất huyết thường biểu hiện triệu chứng như: sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, có thể hiện xung huyết, xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau (chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam). Những dấu hiệu bệnh chuyển nặng ở trẻ như nôn nhiều, quấy khóc, đau bụng, bứt rứt, vật vã, li bì, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi nhiều, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn máu, đi tiểu ra máu… Đáng chú ý đó là sốt xuất huyết khi mới khởi phát có biểu hiện tương đối giống các bệnh sốt virus khác, nên nhiều phụ huynh dễ nhầm, chủ quan không đưa trẻ đến khám bệnh, tự điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt có thành phần Inbuprofen hoặc truyền dịch không đúng phác đồ có thể khiến bệnh diễn biến nặng lên. Điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Giai đoạn chuyển mùa khiến trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển, sức khỏe yếu, dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Khi trẻ có triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để đánh giá được mức độ bệnh. Nếu bệnh ở mức nhẹ và trung bình, cha mẹ sẽ được hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà. Hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp cấp có thể tự khỏi nếu được chăm sóc tốt. Quá trình chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp cấp, cha mẹ cần lưu ý:

Thông thường với những trẻ sốt dưới 38,5 độ C, nếu không có bệnh lý gì đặc biệt thì chúng ta chỉ sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như mặc quần áo thoáng mát, nằm phòng đủ ấm hoặc chườm ấm cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, chúng ta có thể sử dụng một số loại thuốc hạ sốt hay sử dụng như paracetamol, liều lượng thì tính theo cân nặng của đứa trẻ, thông thường là 10-15mg/kg cân nặng và cứ khoảng 4- 6 tiếng có thể lặp lại liều 1 lần.

Khi cơn co giật do sốt xảy ra, mẹ cần nhanh chóng để trẻ nằm ở tư thế thoải mái, nghiêng một bên, không bế ngửa hay ghì chặt trẻ và dùng thuốc hạ sốt cho trẻ bằng cách nhét thuốc dạng viên đạn vào hậu môn trẻ( nếu có sẵn) với liều tương đương liều uống. Thường những cơn co giật do sốt lành tính chỉ kéo dài trong 20 giây và dưới 2 phút đứa trẻ sẽ trở lại không còn hiện tượng co giật nữa tuy nhiên vẫn phải đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Nếu xảy ra những cơn co giật phức hợp, là những cơn co giật kéo dài trên 2 phút, đưa trẻ đến ngay bệnh viện để các bác sĩ có thể xử lý được.

Đối với việc phòng ngừa viêm đường hô hấp cho trẻ, cha mẹ nên chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ; cho trẻ bú sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể; tiêm phòng đầy đủ; cho trẻ uống vitamin A và D3 theo hướng dẫn; vệ sinh mũi họng cho trẻ hằng ngày; giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh và thoáng mát khi trời nóng; tránh nơi ô nhiễm môi trường, khói bụi, khói thuốc lá; tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiện ho, sốt và vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ôm hoặc bế trẻ…