Nếu cha mẹ chủ quan không cho trẻ đi khám và điều trị, mà tự chăm con ở nhà, sẽ khiến bệnh hô hấp ở trẻ trở nặng và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh hô hấp là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Trên thực tế, khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời là do các vấn đề về hô hấp. Cảm cúm, ho gà, bạch hầu và viêm phế quản là những bệnh mà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ mắc. Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh trong thời gian này.

Có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp ở trẻ, tuy nhiên có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến như:

Trẻ nhỏ thường dễ bị tấn công bởi các bệnh về đường hô hấp vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và đủ cứng cáp để bảo vệ cơ thể. Giai đoạn này, sức đề kháng của bé còn yếu, chức năng phổi chưa hoàn thiện khiến virus gây bệnh dễ xâm nhập.

Do các tác nhân từ bên ngoài như môi trường, thời tiết, khí hậu, miễn dịch cộng đồng thấp hay các tác nhân xấu từ khói thuốc, ô nhiễm... Hơn nữa trẻ nhỏ có khả năng thích ứng với thời tiết kém, nên khi giao mùa, nóng lạnh thất thường sẽ dễ ốm, mắc bệnh chủ yếu ở đường hô hấp.

Giao mùa, trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp: Phòng ngừa sao cho hiệu quả? - Ảnh 1.

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp cần đưa trẻ tới bác sĩ khám kịp thời.

Những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ

Cảm lạnh: Khi virus gây cảm lạnh xâm nhập cơ thể sẽ có các biểu hiện trên đường hô hấp. Bệnh có các triệu chứng điển hình là sốt, ho, sổ mũi, kém ăn và đau họng, kéo dài khoảng 1 tuần. Virus lây từ người sang người hoặc lây qua đường tiếp xúc với vật bị nhiễm bệnh. Đôi khi cảm lạnh thông thường có thể tăng nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh cúm: triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau nhức cơ bắp. Trẻ nhỏ khi bị cúm dễ quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn, một số trẻ đau bụng, tiêu chảy và thường kèm theo hội chứng viêm long đường hô hấp như hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt mũi, ho. Bệnh cúm có thể lây truyền từ người sang người.

Bạch hầu: là một trong những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Nhiều triệu chứng sẽ xuất hiện trong 2 - 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu trẻ sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng sẽ tăng dần từ nhẹ đến nặng. Chính vì triệu chứng không đặc trưng nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.

Giao mùa, trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp: Phòng ngừa sao cho hiệu quả? - Ảnh 2.

Thời tiết giao mùa, trẻ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp.

Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan bệnh nhi xuất hiện các lớp màng dày màu trắng xám, mọc thành từng mảng lớn, khiến trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan. Nếu bệnh nhi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh...

Viêm tiểu phế quản: là bệnh do virus gây ra. Virus này lây lan qua không khí, qua tiếp xúc với vật bị nhiễm virus, với các triệu chứng gồm sổ mũi, thở khò khè, thở nhanh, khó thở, ho và sốt. Nếu nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV, bệnh thường nặng hơn, dễ bị suy hô hấp, hay kéo dài và hay tái phát.

Virus RSV làm cho niêm mạc của các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, được gọi là tiểu phế quản bị viêm phù nề dẫn đến bị hẹp, tăng tiết dịch khiến cho trẻ có hiện tượng thở khò khè. Những biến chứng của viêm tiểu phế quản do RSV có thể kể đến là khoảng 20% trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa và khoảng 30% trẻ bị hen suyễn sau khi bị viêm tiểu phế quản.

Cách phòng bệnh cho trẻ

Để phòng bệnh hô hấp lúc chuyển mùa cho trẻ, cần quan tâm từ khâu ăn, uống, mặc, lúc chơi và cả khi trẻ ngủ. Không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Trong sinh hoạt hàng ngày mỗi lần trẻ làm ướt quần áo  cần được thay ngay, không cho trẻ nghịch nước. Nên tắm nước ấm cho trẻ, tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người và mặc quần áo thật nhanh. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng trẻ chơi.

Hàng ngày nên tập cho trẻ vệ sinh răng miệng nhất là các trẻ lớn, nên súc họng bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Cần cho trẻ ăn đủ chất, ăn thêm trái cây để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể.

Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Đưa trẻ đi thăm khám kịp thời khi có dấu hiệu mắc bệnh.