Trí thông minh ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền thì còn do nhiều yếu tố khác tác động, chẳng hạn như cách giáo dục của cha mẹ, môi trường sống, các thói quen hàng ngày,... Giáo sư Julie Lythcott-Haims, một nhà giáo dục trẻ em tại Đại học Harvard (Mỹ) từng nhiều lần chia sẻ về chủ đề trí thông minh của trẻ. Theo đó, nữ giáo sư từng chỉ ra 5 thói quen xấu có thể âm thầm khiến trẻ ngày càng kém thông minh.
Cụ thể như sau:
1. Không ăn sáng đầy đủ
Khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng, các cơ quan và mô cơ bắt đầu hoạt động, cần nhiều năng lượng. Lúc này, lượng glycogen dự trữ trong cơ thể đã cạn kiệt, đòi hỏi chúng ta phải bổ sung năng lượng kịp thời cho cơ thể. Bữa sáng là nguồn năng lượng đầu tiên khi chúng ta thức dậy và rất quan trọng.
Sau khi thức dậy, cơ bắp của chúng ta sẽ chuyển từ trạng thái thư giãn sang trạng thái làm việc căng thẳng, còn não bắt đầu xử lý thông tin nhanh chóng. Với trẻ nhỏ, các em phải học tập cả ngày, tập luyện thể dục, thể thao ở trường. Nếu không ăn sáng, cơ thể trẻ sẽ không có đủ năng lượng, gây mất tập trung, uể oải trong giờ học.
2. Thức khuya
Thức khuya là thói quen xấu của cả người lớn và nhiều đứa trẻ. Sau khi con người chìm vào giấc ngủ, bộ não sẽ sắp xếp ký ức trong ngày nên khi thức dậy, chúng ta dễ dàng ghi nhớ những gì đã học hơn.
Nếu trẻ thiếu ngủ lâu ngày, trí nhớ sẽ ngày càng kém và hay quên những gì đã học. Vì sức khỏe và sự phát triển trí tuệ của trẻ, cha mẹ nên khuyến khích trẻ đi ngủ sớm, dậy sớm. Khi trẻ ngủ, không bật đèn nếu không cần thiết.
3. Chỉ trích, coi thường trẻ
Nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm đến kết quả học tập của con. Nhưng nếu con không đạt được thành tích như ý muốn, thay vì cùng con tìm ra giải pháp, khuyến khích con học tốt hơn thì họ lại chí trích, mắng mỏ, coi thường con. Cha mẹ làm như vậy chỉ khiến con bị tổn thương tinh thần, suy giảm lòng tự trọng.
Về lâu dài, những lời chỉ trích của cha mẹ sẽ tác động xấu đến suy nghĩ của con. Trẻ có thể bị ám ảnh, thật sự nghĩ rằng mình ngốc nghếch, vô dụng và mất tự tin trong việc học, khiến kết quả học tập ngày càng sụt giảm.
4. Thiếu không khí học tập
Chỉ số IQ của trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ, không chỉ do di truyền mà còn do môi trường tiếp thu. Khi trẻ đặt câu hỏi, điều quan trọng là cha mẹ trả lời con theo kiểu chiếu lệ hay chủ động.
Cha mẹ thông minh sẽ nắm bắt những khoảnh khắc con tò mò, muốn khám phá kiến thức để khuyến khích con học tập. Với những câu hỏi khó, không biết đáp án, thay vì trả lời qua loa, họ sẽ cùng con tìm câu trả lời.
Có thể nói, sự phát triển trí tuệ của trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường gia đình. Nếu cha mẹ thường xuyên cùng con đọc sách, đi thư viện, đến bảo tàng,... thì con cái cũng sẽ coi việc đọc sách là sở thích riêng của mình. Bằng cách này, việc học trở thành một điều hạnh phúc và trẻ sẽ thông minh hơn.
5. Trẻ phải kìm nén cảm xúc
Trong quá trình trưởng thành, sẽ có những lúc trẻ nghịch ngợm, quấy khóc. Lúc này, nhiều cha mẹ thường dọa trẻ: "Nếu con khóc, mẹ không cần con nữa". Nghe vậy, trẻ liền kìm nén cảm xúc, không dám làm phiền cha mẹ. Khi những cảm xúc tiêu cực tích tụ, trẻ dần trở nên tự ti, thu mình và ít nói.
Trẻ cũng thường nổi cơn thịnh nộ vì không thể diễn đạt cảm xúc bằng lời hoặc vì cha mẹ không hiểu trẻ. Lúc này, điều trẻ cần hơn cả là sự thấu hiểu của cha mẹ, những người có thể hướng dẫn trẻ cách sắp xếp cảm xúc và giải quyết vấn đề.
Mỗi lần dạy trẻ cách xử lý cảm xúc, cha mẹ sẽ thấy trẻ trưởng thành hơn rất nhiều. Khi gặp một vấn đề tương tự, trẻ sẽ biết cách giải quyết ổn thỏa.