Giáo sư tâm lý học nổi tiếng Trung Quốc Lý Mai Cẩn khuyên các bậc cha mẹ không nên nuông chiều con cái quá mức. Khi trẻ còn nhỏ, trẻ sẽ không đi quá xa và gây rắc rối lớn cho cha mẹ, cùng lắm chỉ khóc lóc giận dỗi nếu có chuyện không vừa ý. Nhưng khi trẻ đến tuổi vị thành niên, cách gây rối với cha mẹ sẽ cực đoan hơn rất nhiều. Con có thể bỏ nhà đi, một số sẽ áp dụng các biện pháp cực đoan hơn như tự tử, khi đó hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Xung quanh chúng ta không hiếm những trường hợp như vậy. Giáo sư Lý chia sẻ, bạn của bà có một cậu con trai tính rất nóng nảy, khi còn nhỏ, hễ có chuyện gì không vừa ý là lớn tiếng la hét, có khi còn ném đồ đạc, chửi bới. Nhưng người bạn của bà đó không để ý đến vấn đề này và cho rằng chuyện không có gì quan trọng, khi lớn hơn con sẽ tự khắc ngoan ngoãn. Khi con trai mất bình tĩnh, cha mẹ không những không kỷ luật mà còn cố gắng hết sức để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của đứa trẻ, bất chấp yêu cầu đó có hợp lý hay không.
Sau này, đứa trẻ lớn lên, những hành vi xấu không cải thiện mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Cậu chàng không chỉ làm trái lời thầy cô mà còn hay ra quán Internet chơi game, không chịu đi học, điểm số cũng rất thấp. Lúc này, cha mẹ cuối cùng cũng hối hận, nhưng thói hư tật xấu của trẻ đã ăn sâu vào suy nghĩ và hành vi, khó thay đổi được.
Vì vậy, việc hướng dẫn trẻ đúng cách ngay từ khi trẻ còn nhỏ là điều vô cùng cần thiết. Nếu trẻ có một số hành vi sai trái, không thể bao dung thì không nên dung túng, phải áp dụng những phương pháp nuôi dạy con đúng đắn để giúp con sửa sai kịp thời. Giáo sư Li Meijin từng chỉ ra 4 hành vi của trẻ cần phải có kỷ luật, cần đánh thì phải đánh.
1. Không tuân theo các quy tắc
Các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Việt Nam hay Trung Quốc thường rất coi trọng lễ nghĩa, phép tắc. Đặc biệt, người Trung Quốc quan niệm một người biết tuân thủ phép tắc từ nhỏ thì khi lớn lên nhất định có thể trở thành một người có văn hoá. Nếu trẻ thường có những hành vi không tuân theo quy tắc, cha mẹ không nên bỏ qua mà phải ngăn chặn kịp thời.
Chẳng hạn, trẻ la hét nơi công cộng, đùa nghịch và hét lớn khi đến thăm nhà người khác là những hành vi rất bất lịch sự, cha mẹ phải có biện pháp xử lý ngay. Nếu không, khi lớn lên trẻ sẽ rất dễ lặp lại những hành vi này ở nhà trường và xã hội. Hậu quả của việc không tuân thủ kỷ luật trường lớp và quy ước xã hội sẽ nghiêm trọng hơn trong gia đình rất nhiều.
2. Không biết cách tôn trọng người khác, có hành vi hỗn hào
Nhiều gia đình nuông chiều nên thường đáp ứng mọi nhu cầu của con cái. Lâu dần, trẻ sẽ coi đó là chuyện đương nhiên. Trẻ không tôn trọng người lớn, dám quát mắng, khi người khác không chiều theo ý mình, có trẻ còn nói những lời rất thô lỗ, nặng hơn nữa là đánh người lớn tuổi. Đây thực sự là điều không cha mẹ nào mong muốn.
Trong trường hợp này, cha mẹ phải giáo dục con cái nghiêm khắc, để trẻ biết kính trên nhường dưới, là người văn minh.
3. Đe dọa cha mẹ nếu không được đáp ứng những gì trẻ muốn
Khi trẻ đưa ra một yêu cầu vô lý, nếu cha mẹ không đồng ý, trẻ có khả năng sẽ dọa cha mẹ bằng cách khóc lóc để đạt được điều mình muốn. Ví dụ, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh như vậy ở các trung tâm thương mại, một số trẻ sẽ cầm đồ chơi không chịu buông ra, nếu mẹ không mua thì sẽ nằm lăn ra đất, quấy khóc, không chịu đứng dậy và la hét.
Lúc này, nhiều bậc cha mẹ sẽ đáp ứng yêu cầu của con cái vì cảm thấy xấu hổ trước đám đông. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ sẽ nắm lấy “điểm yếu” của cha mẹ và thường dùng cách này để yêu cầu cha mẹ làm một số việc. Cho nên, đối mặt với những đòi hỏi và đe dọa vô lý của trẻ, phụ huynh phải giữ vững lập trường, tuân thủ các nguyên tắc của mình và không thể dễ dàng thỏa hiệp hay lùi bước.
4. Nổi cơn thịnh nộ, la hét
Khi còn nhỏ, trẻ dễ mất bình tĩnh, khả năng kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi còn kém. Ví dụ trẻ muốn ra ngoài chơi, nhưng bạn không đồng ý, trẻ sẽ chưa hiểu rõ lý do tại sao bạn không đồng ý. Từ đó, trẻ tức giận và trút bỏ sự bất mãn trong lòng bằng cách khóc nháo, la hét. Lúc này, cha mẹ hãy giải thích với trẻ rằng trẻ làm vậy là sai. Đồng thời, phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ cách thể hiện cảm xúc và suy nghĩ bên trong bằng lời nói. Nếu trẻ vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại hành vi đó, lúc này, cha mẹ bắt buộc phải kỷ luật nghiêm khắc.
Trong nhiều trường hợp, hành vi xấu của trẻ là do không được uốn nắn kịp thời. Nếu con bạn cũng mắc phải những vấn đề trên thì không được bỏ qua, bạn phải giúp trẻ sửa sai kịp thời. Hãy để trẻ nhận ra lỗi lầm của mình và sửa sai càng sớm càng tốt. Nếu không, khi con trẻ lớn lên, vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn, và lúc đó không chỉ khó sửa mà còn có thể dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn được!