Giáo sư ung bướu tiết lộ 1 "đơn thuốc" có tác dụng ngừa ung thư
Ai cũng sợ ung thư nhưng không phải ai cũng biết cách để phòng ngừa căn bệnh này một cách hiệu quả. Mới đây, giáo sư, bác sĩ Điền Yên Đào (Khoa Phẫu thuật Tụy và Dạ dày, Bệnh viện ung bướu, thuộc Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc) đã tiết lộ "đơn thuốc" ngừa ung thư chỉ có đúng 2 từ, đó chính là: Củ tỏi.
"Xét từ 3 chiều, tỏi thực sự có thể ngăn ngừa ung thư", giáo sư Điền Yên Đào cho hay.
Theo giáo sư Điền Yên Đào, tỏi có khả năng chống ung thư nhờ một số yếu tố sau đây:
1. Tỏi có chứa nhiều allicin
Tỏi có chứa một thành phần gọi là allicin, có thể ức chế quá trình tổng hợp nitrosamine trong cơ thể. Nitrosamine là chất gây ung thư mạnh được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công nhận.
Điều này là do allicin có thể ức chế sự phát triển của nitrat trong dạ dày, một khi nó bị ức chế, nitrit sẽ khó được tổng hợp, từ đó góp phần không nhỏ trong việc chống ung thư.
2. Tỏi có chứa nhiều các hợp chất flavonols và sulfur
Các nhà khoa học đến từ Đại học Buffalo (UB), đứng đầu là ông Gauri Desai đã thực hiện một cuộc nghiên cứu trên 314 phụ nữ có tiền sử bị ung thư vú. Kết quả của nghiên cứu cho thấy những người sử dụng nước sốt chứa nhiều tỏi, dùng nhiều hơn một lần một ngày có dấu hiệu giảm nguy cơ ung thư vú đến 67%.
Lý do là bởi trong tỏi có chứa nhiều hợp chất flavonols và sulfur hữu cơ có tác dụng chống ung thư vú ở người và động vật. Trước nghiên cứu này, tỏi cũng đã được chứng minh là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như ung thư đại trực tràng, dạ dày và tuyến tiền liệt.
3. Cải thiện khả năng miễn dịch
Allicin trong tỏi có thể kích thích hệ thống bạch huyết của cơ thể tạo ra một số lượng lớn tế bào miễn dịch. Thành phần công hiệu chính trong tỏi là hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides. Ngoài ra, trong tỏi còn có hàm lượng cao germanium và selen. Đặc biệt, hàm lượng germanium trong tỏi cao hơn so với các dược liệu như nhân sâm, trà xanh, trà đỏ...
Cách dùng tỏi phổ biến và tốt nhất là dùng tỏi tươi, ăn sống hoặc dùng để chế biến thực phẩm. Tránh nấu hoặc đặt tỏi trong lò vi sóng sẽ giảm hoặc mất hoạt chất allicin.
Tỏi cũng có thể sử dụng để ngâm cùng giấm hoặc ngâm tỏi cùng mật ong. Khi dùng thì lấy 1 thìa hỗn hợp này hòa cùng một cốc nước ấm, sẽ tạo thành thức uống rất tốt cho sức khỏe.
Ngoài ngừa ung thư, tỏi cũng có thể đem lại vô vàn lợi ích khác cho tim mạch, làn da
1. Duy trì tim mạch và mạch máu não
Tỏi có thể làm sạch mạch máu, giúp tốc độ lưu thông máu trơn tru hơn, thúc đẩy quá trình giãn nở mạch máu. Nó thích hợp cho những người bị các bệnh tim mạch, mạch máu não. Ăn tỏi có thể duy trì mạch máu, giảm lượng cholesterol trong cơ thể, ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu.
2. Chống lão hóa
Ăn tỏi mỗi ngày có thể mang lại vitamin C cho cơ thể, giúp cơ thể chống lại quá trình oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do, đảm bảo lưu thông máu tốt hơn. Tác dụng này có thể đóng một vai trò trong việc chăm sóc da và làm chậm tốc độ lão hóa da.
3. Hạ huyết áp
Tỏi có lợi ích chống viêm và giúp máu lưu thông dễ dàng hơn trong cơ thể.
4. Khỏe xương khớp
Một nghiên cứu ở phụ nữ mãn kinh cho thấy, chỉ cần một lượng tỏi khô chiết xuất (bằng 2g tỏi sống) sẽ làm giảm đáng kể dấu hiệu thiếu hụt estrogen. Từ đó có thể khẳng định việc bổ sung này rất có lợi cho sức khỏe xương ở phụ nữ. Ngoài ra, thực phẩm như tỏi và hành tây cũng có thể có tác dụng tốt đối với viêm xương khớp.
Lưu ý khi sử dụng tỏi
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia): Các loại thực phẩm làm gia vị như tỏi, gừng, nghệ, hành, tía tô, thì là, diếp cá… có tác dụng trong bài thuốc cổ truyền. Chúng rất tốt cho sức khỏe do có chứa chất chống oxy hóa, các kháng sinh tự nhiên...
Tuy nhiên, bất cứ loại thực phẩm nào cũng cần sử dụng khoa học, hợp lý thì mới giúp tăng cường sức khỏe.
- Tỏi rất tốt nhưng không nên ăn quá nhiều. Mỗi ngày chúng ta chỉ nên dùng 1-2 tép tỏi.
- Phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em chỉ sử dụng số lượng ít.
- Người bị bệnh gan, người mắc bệnh về mắt, bệnh nhân tiêu chảy, người đang đói bụng... thì nên tránh ăn tỏi vì sẽ khiến tình trạng thêm nguy hiểm.
- Buổi sáng là "thời điểm vàng" để ăn tỏi bởi tỏi sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi bụng còn đói, các đặc tính của tỏi sẽ tác động đến các vi khuẩn tốt bên trong cơ thể, kích thích hoạt động của chúng.