Bao sái bàn thờ là nghi lễ lau dọn, vệ sinh bát hương và bàn thờ tổ tiên. Đây là việc quan trọng cần làm trước khi năm cũ khép lại, đón năm mới về. Các gia đình thường sắp xếp thời gian thực hiện bao sái bàn thờ sau 23 tháng Chạp, khi Ông Công Ông Táo đã lên chầu trời. 

Giao việc bao sái bàn thờ cho người giúp việc có được không? 6 cấm kỵ tuyệt đối tránh kẻo mất lộc- Ảnh 1.

Bao sái bàn thờ là một nghi lễ quan trọng, thiêng liêng dịp Tết đến xuân về

Ai là người được phép bao sái bàn thờ?

Bao sái bàn thờ không chỉ là việc lau dọn vật chất mà còn là một nghi thức tâm linh quan trọng của người Việt, thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với tổ tiên. Với một số gia đình, theo đúng nếp cổ truyền, việc bao sái bàn thờ sẽ do những người đàn ông và các cháu trai đảm nhiệm. 

Người con trai trưởng trong gia đình là người có nhiệm vụ nối truyền hương lửa, thông thạo việc thờ cúng, biết xếp đặt đồ lễ, biết đọc văn khấn, thuộc tên và ngày giỗ của các cụ. Còn con trai thứ sẽ được chỉ bảo những việc "hậu cần" như chọn hoa, cắm hoa lễ, bao sái bàn thờ…

Cũng có một số gia đình "thoáng" hơn, chỉ cần là con cháu trong nhà, ai thu xếp được thời gian, khéo léo trong việc lau dọn, xếp đặt thì có thể bao sái bàn thờ, không câu nệ là nam hay nữ. Thậm chí, nhiều gia đình bận rộn còn phó thác cả việc này cho người giúp việc chăm chút.

Giao việc bao sái bàn thờ cho người giúp việc có được không? 6 cấm kỵ tuyệt đối tránh kẻo mất lộc- Ảnh 2.

Các chuyên gia phong thủy khuyên gia chủ nên tự bao sái bàn thờ nhà mình

Có nên để người giúp việc lau dọn, bao sái bàn thờ tổ tiên hay không?

Chuyên gia phong thủy Phùng Hoài Phương (Phong thủy Phùng Gia) cho rằng, phong tục bao sái bàn thờ ngày Tết của người Việt là một cách để con cháu thể hiện lòng kính trọng và biết ơn đối với gia tiên tiền tổ. Việc lau dọn, bao sái bàn thờ còn mang ý nghĩa cầu chúc cho một năm mới an lành và thịnh vượng. 

Vì thế, công việc quan trọng này nhất định nên để gia chủ trực tiếp làm, để thể hiện sự nhất tâm, chỉn chu với tổ tiên. Bao sái bàn thờ cũng là khoảnh khắc lắng đọng, kết nối với quá khứ dòng tộc, không nên giao phó cho người ngoài.

6 cấm kỵ tuyệt đối tránh khi tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ cuối năm

Có 6 điều cấm kỵ mà các chuyên gia phong thủy cảnh báo gia chủ khi bao sái bàn thờ, tránh thất thoát tài lộc năm mới:

1. Tránh trang phục trễ nải, không sạch sẽ

Chuyên gia phong thủy Linh Quang (Phong thủy đào tạo thực hành) lưu ý, đã là việc lễ bái, cần phải sạch sẽ không chỉ bàn thờ mà cả người làm thao tác bao sái bàn thờ. Người làm việc bao sái bàn thờ cũng phải sửa soạn bản thân cho sạch sẽ, gọn gàng, tập trung, thành kính. Khi bao sái bàn thờ, gia chủ cần mặc trang phục nghiêm túc, lịch sự, tránh đồ quá ngắn, trễ nải hoặc không sạch sẽ. 

2. Tránh để phụ nữ "đến kỳ", đang có thai bao sái bàn thờ

Các chuyên gia cổ phong cho rằng, dù ngày nay nhiều phụ nữ đã tham gia vào việc bao sái bàn thờ, chăm chút hương hỏa, nhưng phụ nữ có kinh nguyệt hoặc đang có thai cũng không nên làm việc bao sái bàn thờ.

3. Tránh xê dịch tượng thờ, bát hương, bài vị

Quá trình lau dọn bàn thờ cần bắt đầu từ trên xuống dưới, tỉa gọn chân nhang, lau sạch bát hương và sắp xếp lại đồ thờ cúng. Trong quá trình này, cần tránh việc xê dịch tượng, bát hương. Xê dịch đồ thờ hoặc sắp xếp sai vị trí có thể ảnh hưởng xấu đến vận thế và tài lộc của gia chủ.

Giao việc bao sái bàn thờ cho người giúp việc có được không? 6 cấm kỵ tuyệt đối tránh kẻo mất lộc- Ảnh 3.

Bàn thờ là khu vực thiêng liêng, lau dọn cũng cần tuân thủ các quy tắc riêng

4. Tránh các dung dịch tẩy rửa mạnh

Khi bao sái bàn thờ, không nên chọn các dung dịch tẩy rửa hóa học mạnh như xà phòng, nước rửa bát, nước lau kính... vì chúng có thể làm hại đến bề mặt bàn thờ và ảnh hưởng đến không khí tâm linh.

Tùy từng phong tục của gia đình, địa phương mà gia chủ có thể sử dụng nước lạnh hoặc rượu gừng, nước ngũ vị thảo dược để lau dọn.

5. Tránh dùng chung đồ lau dọn thường ngày để bao sái bàn thờ

Để đảm bảo tính tôn nghiêm và sạch sẽ, nên sử dụng bộ dụng cụ riêng (chậu rửa, chổi quét, khăn lau...) khi bao sái ban thờ.

6. Tránh bỏ hết chân nhang

Không nên rút toàn bộ chân nhang trên bát hương, mà nên để lại chân hương cũ (chú ý số lẻ như 3 - 5 - 7 - 9...) để mang ý nghĩa lưu truyền. Chân hương và tàn nhang sau khi bao sái cần được bọc trong giấy sạch và hóa cùng vàng mã, không nên vứt thùng rác hoặc những nơi ô uế.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo*