Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard cho rằng 80% thành công của một người là trí tuệ cảm xúc (EQ) và 20% còn lại là IQ. Chính vì vậy, yếu tố quyết định phần lớn thành tích của con người không phải tài năng thiên bẩm mà là EQ.

Giáo sư Kai-Fu Lee từng nói: "Trong bất kỳ lĩnh vực nào, EQ quan trọng gấp đôi IQ". Một đứa trẻ có chỉ số IQ cao chưa chắc đã thành công. Nhưng một đứa trẻ có chỉ số EQ cao nhất định sẽ làm được những việc phi thường.

Về vấn đề này, thầy Lưu Hồng Khương (Trung Quốc), có 30 năm giảng dạy học sinh cấp 1 đã chia sẻ rằng: EQ là thuật ngữ nói về chỉ số cảm xúc của mỗi cá nhân, mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng (trong mô hình tính cách về trí tuệ xúc cảm) hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của mỗi người, của người khác và của các nhóm cảm xúc khác nhau.

Với kinh nghiệm quan sát của mình, thầy giáo cho rằng nếu bố mẹ quan sát thấy con cái bộc lộ 5 đặc điểm dưới đây thì xin chúc mừng. Trẻ sở hữu trí tuệ cảm xúc cao, bố mẹ đừng vội bỏ qua.

Giáo viên 30 năm trong nghề nói thẳng: Trẻ có EQ cao thường sở hữu 5 đặc điểm này, con bạn trúng mấy cái?- Ảnh 1.


Biết lắng nghe, hiểu cảm xúc đối phương

Để ý trong 1 nhóm bạn, nếu con bạn luôn là người phân xử các mâu thuẫn, chắc chắn bé có EQ cao. Bởi một người có trí tuệ cảm xúc cao thường biết lắng nghe ý kiến từ nhiều góc độ, biết cách xử lý tình huống để hài hoà được đôi bên.

Ngoài ra, việc bé có thể phân xử đúng sai còn thể hiện khả năng giao tiếp. Nói gì vào lúc tranh luận gay gắt như vậy, khuyên nhủ ra sao để mọi người cảm thấy thuyết phục là 1 loại năng lực. Những em bé giỏi giao tiếp như vậy tương lai sẽ trở thành người có EQ cao, có thể xử lý các mối quan hệ và các đối tượng một cách dễ dàng.

Biết kiềm chế sự tức giận

Ai cũng có lúc nóng giận, kể cả trẻ em. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ có xu hướng “dừng” lại để tự suy nghĩ trước khi phản ứng, đó là dấu hiệu rõ rệt của trí thông minh cảm xúc. Những em bé như vậy sẽ tự xử lý cảm xúc riêng trước khi biểu đạt nó ra ngoài và có khả năng tự chủ mạnh mẽ. Chúng sẽ biết rõ ràng những gì mình muốn làm sẽ không làm điều đó một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ.

Có tinh thần trách nhiệm

Thay vì ăn xong chỉ biết lau miệng rồi rời đi, những đứa trẻ có tinh thần trách nhiệm sẽ biết dọn dẹp lại bàn ghế, để bát đĩa dơ vào nơi quy định. Tương tự, ở trường mẫu giáo, sau giờ học có trẻ chạy vội ra sân chơi, có trẻ nán lại giúp cô giáo thu dọn đồ chơi, dụng cụ học tập. Đây là 1 trong những biểu hiện cho thấy một em bé có trí tuệ cảm xúc cao, sẽ có tương lai rộng mở.

Giáo viên 30 năm trong nghề nói thẳng: Trẻ có EQ cao thường sở hữu 5 đặc điểm này, con bạn trúng mấy cái?- Ảnh 2.


Biết sử dụng vốn từ để biểu đạt cảm xúc

Trẻ sở hữu EQ cao sẽ rất giỏi trong việc nhận biết và biểu đạt cảm xúc cá nhân thông qua ngôn từ ngoài các tính từ phổ biến như: tốt, không tốt. Các em cũng có thể nắm bắt được nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc của mình.

Ví dụ, trẻ sở hữu EQ cao thường nói: “Con thấy buồn vì không thể đi chơi với các bạn”, “Con thấy rất phấn khích khi có quần áo mới”, “Có thực sự rất giận mẹ”, “Con cảm thấy sợ hãi khi hôm qua bị té ngã”.

Sẵn sàng giúp đỡ người xung quanh

EQ cao khiến trẻ quan tâm đến mọi người xung quanh nhiều hơn và tìm cách giúp đỡ khi thấy người khác gặp khó khăn. Đó có thể là giúp bố mẹ làm việc nhà, chủ động làm quen với bạn mới trong lớp hoặc tham gia hoạt động tình nguyện. Các em tập trung nhiều hơn vào "chúng tôi" thay vì "tôi".

Việc giúp đỡ mọi người nên được làm một cách tự nhiên, thay vì vì mục đích cá nhân. Ngoài giúp đỡ người khác, trẻ có EQ cao thường thích trở thành một phần của nhóm thay vì làm việc cá nhân.

EQ là chỉ số có thể cải thiện được. Vì thế, cha mẹ cũng không cần quá nóng vội nếu con không nói những dấu hiệu trên. Nhiều chuyên gia về tâm lý vị thành niên cho biết để nâng cao chỉ số EQ cho trẻ, trước hết cha mẹ cần dạy con cách đối phó với những cảm xúc của mình. Khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc đó và hướng dẫn trẻ cách xử lý. Ví dụ, khi trẻ đang khóc hãy đồng cảm xúc buồn bã của chúng: "Bố mẹ biết con buồn, bố mẹ có thể giúp gì cho con?" Khi trẻ tức giận, hãy tìm hiểu ngọn nguồn cơn giận của con, nói chuyện để trẻ biết bố mẹ hiểu cảm xúc của chúng. Nên sử dụng "Ừ", "Ồ" và "xin lỗi" khi giao tiếp để xoa dịu trái tim và giải phóng cảm xúc tiêu cực của trẻ.

Lạc quan là chìa khóa quan trọng nhất đối với một đứa trẻ có EQ cao. Chỉ có lạc quan mới giúp trẻ đối mặt với mọi vấn đề một cách chủ động, không dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường và có tinh thần tự khuyến khích bản thân.

Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên để trau dồi thái độ lạc quan của trẻ bao gồm óc hài hước và trí tưởng tượng. Ví dụ, để trẻ dọn đồ chơi, bố mẹ có thể nói: “Chiếc xe của con đang rất nhớ nhà đó”; “Các khối lego đều đang buồn ngủ đã đến giờ về nhà ngủ rồi”; “Bút và nắp là những người bạn tốt, hãy để chúng ôm nhau nào”... Ngoài ra bố mẹ cũng có thể cùng con đọc “câu thần chú”: “Không sao đâu” để con tự tin đối mặt với khó khăn.

Việc rèn luyện và nâng cao chỉ số EQ cho trẻ là một hành trình dài. Chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn trẻ cẩn thận chắc chắn trẻ sẽ có những bước tiến.