Giáo viên lớp 8 tên Thần Thụy trường trung học cơ sở ở Hành Thủy, Hà Bắc, Trung Quốc đã bàn bạc với phụ huynh để mua những đôi giày thể thao giống nhau cho cả lớp. Cô giáo chủ nhiệm giải thích: "Gần đây, trẻ em trở nên ganh đua hơn. Chúng so sánh quần áo và giày dép. Tôi muốn giảm bớt sự so sánh theo cách này."
Các bậc phụ huynh rất đồng tình với ý kiến này, mỗi người chịu khoảng 200 tệ (hơn 700 nghìn đồng) tiền giày thể thao. Cô giáo cho rằng đây là mẫu giày đã được sự thống nhất của các em, vừa tiện lợi vừa nhẹ nhàng, và thông qua việc "đồng phục hóa" cả quần áo lẫn giày dép, cô mong các em sẽ trở nên bớt nhìn ngoại hình để đánh giá lẫn nhau.
Hành động của cô giáo cũng nhận được sự ủng hộ từ cư dân mạng. Trên thực tế ở nhiều trường học hiện nay, thay vì tập trung học tập, nhiều học sinh nhìn trang phục của nhau để so sánh giàu nghèo hơn thua. Hầu hết ý kiến cho rằng trẻ em kết bạn với nhau rất nhanh, chúng vô tư và không để ý đến khoảng cách đó. Nhưng thực tế, chúng mới là đối tượng nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Khi nhìn thấy những món đồ đẹp hơn, lộng lẫy hơn, những đứa bé sẽ không thể tránh khỏi cảm giác ghen tỵ hay buồn bã.
Nhiều người cho rằng không chỉ đồng phục mà để vực dậy tính hòa đồng, yêu thương ở học trò thời nay thì giáo viên cần phải lồng ghép nhiều hơn những câu chuyện mang tính giáo dục về sự hòa đồng, san sẻ. Cần cho học trò thấy giá trị của mỗi con người không chỉ ở sự giàu có mà còn nằm ở một nhân cách tốt, tâm hồn cao thượng.
Làm sao để con không so sánh và ghen tỵ?
Chen Zhilin, một chuyên gia về giáo dục thanh thiếu niên và một nhà tâm lý học từ Hiệp hội Tâm lý Anh, cho rằng khả năng so sánh là bản năng của con người và trẻ em cũng không ngoại lệ. Sự so sánh phù hợp thực sự có thể trở thành động lực thúc đẩy sự tiến bộ, nhưng nếu sự so sánh biến thành phân biệt, tị nạnh, nhất là về khía cạnh vật chất, nó có thể làm sai lệch tâm lý của trẻ.
Nếu như trước đây sự chênh lệnh giàu nghèo không quá nặng nề và ảnh hưởng thì ngày nay, giá trị vật chất đã hằn sâu vào tâm hồn non nớt của trẻ thơ mà nếu không kịp thời nắn chỉnh, sẽ gây ra những hệ lụy khó lường về mặt nhân cách.
1. Cha mẹ là tấm gương soi cho con, trước mặt trẻ đừng tỏ ra phân biệt và so sánh. Ví dụ, thảo luận về túi của ai đắt hơn, xe của ai tốt hơn...
2. Thiết lập quan điểm đúng đắn về tiền bạc cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, chẳng hạn như để trẻ tự kiếm một phần tiền tiêu vặt thông qua việc tham gia lao động, để trẻ hiểu rằng đồng tiền khó có thể kiếm được. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể dẫn con đi trải nghiệm cảnh làm việc của bố mẹ trong một ngày để con biết rằng việc kiếm tiền của bố mẹ không hề dễ dàng chút nào.
3. Khi trẻ đòi mua đồ chơi mới hoặc quần áo mới, hãy tìm đồ chơi và quần áo cũ của trẻ đồng thời cùng trẻ nhớ lại thời điểm mua, để trẻ nhận ra rằng mình không hề thiếu những thứ này.
4. Bạn có thể thông qua các buổi họp phụ huynh để trao đổi với giáo viên và cha mẹ của những đứa trẻ khác, cùng nhau tạo ra một môi trường hài hòa, bình đẳng và có ích cho bọn trẻ.