Học sinh có thành tích học tập tốt thường không phải là những em thông minh nhất mà biết tự kỷ luật và chăm chỉ. Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh không hiểu nổi là: Tại sao một số em rõ ràng rất siêng năng, mỗi ngày đều học đến khuya, hầu như cả năm không có ngày nghỉ ngơi nhưng thành tích học tập không thể cải thiện?

Một học sinh ở Liêu Ninh (Trung Quốc) cũng lâm vào hoàn cảnh như vậy. Tiểu Khải học lớp 12, mỗi ngày đi học sớm và về nhà muộn, còn ngồi bàn học đến 23h, cuối tuần tham gia các lớp học thêm. 

Giáo viên chủ nhiệm phát hiện ra quy luật: Hơn 1 nửa học sinh lớn lên không có tiền đồ, khi đi học đều có cùng một đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Với sự tập trung như vậy, cha mẹ Tiểu Khải đinh ninh rằng con mình nhất định sẽ đậu vào trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, điểm thi của Tiểu Khải lại thấp đến mức đáng kinh ngạc. 

Trên thực tế, nhiều em trông có vẻ rất chăm chỉ nhưng không mang lại kết quả. Nguyên nhân của tình trạng này, theo một giáo viên đã đảm nhận công tác chủ nhiệm hơn hai mươi năm, là do học sinh rơi vào trạng thái "siêng năng giả". Người này cho biết: 

"Điều buồn nhất đối với giáo viên không phải là học sinh nghịch ngợm, mà là những học sinh dường như học hành rất chăm chỉ nhưng thật ra là luôn tự lừa dối mình. Ví dụ, giáo viên cho cùng một khối lượng bài tập về nhà, một số học sinh có thể mất khoảng 20 phút để hoàn thành. Thời gian còn lại đi ra ngoài để tập thể dục hoặc xem một bộ phim ngắn tiếng Anh. 

Một số học sinh phải mất 3 giờ để làm xong nhưng chất lượng bài làm thì không hề vượt trội. Điều này ngoài khả năng thì còn khác biệt ở cách tập trung và tận dụng thời gian. Nhiều em nhìn qua thì tưởng siêng năng nhưng hiệu quả học tập thì không được bao nhiêu".

Với kiểu học sinh này, ngay cả khi giáo viên có cố gắng như thế nào, phụ huynh có đầu tư đến đâu nhưng bản thân các em không có sự thay đổi thì cũng rất khó để đạt được thành tựu. 

Làm thế nào để biết liệu có hiện tượng "giả siêng năng" hay không? 

Thiên tài luôn bao gồm 1% tài năng và 99% chăm chỉ. Một số học sinh thực sự siêng năng, một số em lại "nhìn vậy mà không phải vậy".

Học sinh thực sự siêng năng thường trông rất thoải mái, không chỉ có thành tích học tập tốt, mà còn phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Ngược lại, nhiều em "giả siêng", trông chăm chỉ nhưng rất có thể là giết thời gian, giả vờ cho cha mẹ xem. Kỳ thực là đang "cưỡi ngựa xem hoa", nửa ngày ngay cả một dòng chữ cũng không nhớ kỹ. 

Nếu phụ huynh quan sát cẩn thận sẽ thấy dù ngồi học bao lâu, bài học của con cũng chỉ dừng lại trên một trang sách/vở nhất định hoặc thỉnh thoảng lật qua lại "đánh trống lảng" nhưng não trống rỗng hoặc âm thầm làm những động tác nhỏ vô nghĩa. Nhiều cha mẹ thấy con ngồi tĩnh tâm ở bàn học, nhầm lẫn rằng con làm việc chăm chỉ. Nhưng giả sử khi bạn hỏi một câu bất ngờ, con có thể không trả lời được dù trong vở có ghi lại và còn đánh dấu bằng bút đỏ. Điều này cho thấy, trẻ ghi chép một cách máy móc chứ không hề nhập tâm lắng nghe. 

Khi xuất hiện tình huống "giả siêng năng", sự đồng hành của cha mẹ đóng vai trò quan trọng. Chìa khóa để vượt qua chính là tạo động lực để con điều chỉnh thái độ học tập. Cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao con không tập trung học. Nếu trẻ mất căn bản, cần kịp thời bổ sung kiến thức. Nếu con phát sinh các vấn đề về thầy cô, bạn bè trên lớp, cha mẹ cũng cần tâm sự để con mở lòng và cùng nhau tìm hướng giải quyết.

Khi con đạt được kết quả học tập tốt, phụ huynh phải khen ngợi, động viên kịp thời. Khi được công nhận trong thời gian dài, tự nhiên trẻ sẽ sinh ra động lực học tập mạnh mẽ. Bố mẹ cần theo sát tình hình học tập của con, trao đổi với giáo viên để biết sức học con đến đâu, ưu nhược điểm thế nào chứ không chỉ nhìn thành tích qua điểm số.

Môi trường thích hợp cũng là yếu tố rất quan trọng. Một số trẻ chỉ có thể tập trung ý tưởng trong những phòng tuyệt đối yên tĩnh nhưng những đứa khác thì lại thích ngồi học ở sân chơi náo nhiệt. Nếu con trai bạn nói rằng nó không muốn ngồi học một mình trong phòng riêng thì hãy dọn dẹp cho bé ngồi học trong phòng khách. 

Đặc biệt là đối với những đứa trẻ học tiểu học, cha mẹ ngay từ đầu phải giúp con phát triển thói quen học tập tốt. Hãy chấp nhận lực học của con bạn, mỗi bé đều có một tốc độ phát triển khác nhau, việc bố mẹ thường xuyên so sánh khả năng của con với những em khác, đặt mục tiêu con phải là người đứng đầu sẽ khiến con rơi vào trạng thái căng thẳng và sợ hãi vì không đáp ứng được sự mong mỏi của bố mẹ.

Trách nhiệm của ba mẹ bao gồm: Cung cấp cho con một môi trường và một góc học tập thích hợp; đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi ý khi con có câu hỏi hoặc cần giúp đỡ; tuyệt đối không làm hộ, không ngồi sát cạnh, chỉ nên ngồi gần và đọc sách, hoặc làm việc; sau khi con đã hoàn thành bài tập, cha mẹ kiểm tra lại xem đã chính xác hay chưa.