Hai con đều khuyết tật
Xã A Túc mấy ngày nay nhuốm màu tang thương. Ở nơi có đến 95% dân số là người đồng bào, cả ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" gần như nghỉ việc nương rẫy vì sự ra đi bất ngờ của người giáo viên cả đời hết lòng với con em dân bản.
Người dân ở đây không quen nói lời tình cảm, sự tiếc thương của họ in hằn hết nơi khóe mắt khi khóc thương người bạc mệnh, khi nhìn đứa trẻ 7 tuổi không cảm xúc ngây ngô bên di ảnh của mẹ.
Hai đứa trẻ ngây thơ trước di ảnh mẹ
Anh Hương, đồng nghiệp và là hàng xóm của cô Thúy chỉ biết thốt lên những lời chân chất: "Chị Thúy là người tuyệt vời. Chị ấy hiền, yêu thương đồng nghiệp bằng tình thương cuộc sống và công việc. Chị ấy là tổ trưởng của em".
Thầy Phạm Xuân Thảo – Hiệu trưởng Trường THPT A Túc, chia sẻ: "Cô Thúy là người hiền lành, nhiệt tình, rất có tâm với học trò và có hoàn cảnh khó khăn. Tôi gặp cô Thúy từ khi cô mới ra trường lên dạy học ở xã A Túc. Khi nhiều giáo viên trẻ công tác vài năm là xin chuyển về trường mới có điều kiện sống tốt hơn thì cô Thúy tình nguyện xin ở lại gắn bó với đồng bào rồi lập gia đình với một giáo viên dạy tiểu học cũng người bản địa. Cô có hai người con thì đều bị tật nguyền bẩm sinh nên cuộc sống rất khó khăn. Cháu đầu bị nhẹ, đi học được nhưng cháu thứ hai bị nặng phải có người trông nom, chăm sóc".
Bạn bè nữ giáo viên bạc mệnh cho biết, vợ chồng chị Thúy có hai con gái nhưng cả hai đều bị tật nguyền. Bé Hoài Anh (con gái lớn của Thúy) năm nay 12 tuổi song không được nhanh nhẹn như các bạn cùng trang lứa. Nơi gia đình Thúy sống là xã vùng sâu, hầu hết là người đồng bào, hàng xóm cũng cách xa nhà nhau, vì thế mà trẻ em ở đây ít khi được gặp gỡ, trò chuyện cùng bạn bè.
Bởi thế, từ năm con 8 tuổi, chị đã gửi con về sống cùng ông bà ngoại. Thúy hy vọng, ở nhà ông bà, con gái sẽ được giao tiếp nhiều với bạn bè hơn, môi trường học tốt hơn, Hoài Anh sẽ nhanh nhẹn, hoạt bát như mọi người.
Người con thứ 2 bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Bé không nói được, không có cảm xúc, và không thể tự chủ trong tất cả các sinh hoạt dù đã lên 7 tuổi nên mẹ đi đâu cũng phải mang con theo.
"Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của cô Thúy, nhà trường luôn tạo điều kiện giúp đỡ. Tôi nói với cô Thúy, nếu không có ai ở nhà thì cô đem theo con vào trường cho yên tâm. Lúc cô ấy vào tiết dạy còn có giáo viên khác trông chừng chứ để cháu ở nhà lỡ xảy ra chuyện gì lại ân hận", thầy Thảo cho biết.
Không có thu nhập thêm, lương hai vợ chồng giáo viên dành gần hết cho việc chữa bệnh và thuốc thang cho hai con nên kinh tế gia đình cô giáo Thúy gặp nhiều khó khăn.
Tâm nguyện của người mẹ chưa kịp hoàn thành
Cũng theo bạn bè của nữ giáo viên, những năm gần đây, vợ chồng chị Thúy mới có điều kiện đưa con đi tới các bệnh viện lớn khám bệnh. Khi nghe bác sĩ nói con bị ngắn lưỡi, nếu kéo dài lưỡi ra và chữa trị đúng cách, con có thể nói được, chị Thúy rất mừng.
"Mấy tháng trước, Thúy tâm sự, khó khăn thì khó khăn mãi rồi, nhưng bệnh tình của con thì không thể kéo dài được nữa. Sau kỳ THPT này bạn ấy sẽ đón cháu Hoài Anh về nhà, vì cháu đã lớn, tâm sinh lý thay đổi cần có bố mẹ kề cận và đưa con gái út vào Huế chữa bệnh. Mấy lần đi khám bác sĩ đều nói, nếu được chữa trị thì cháu nhỏ có thể nói được. Tâm nguyện lớn nhất của bạn ấy là nghe tiếng con gọi "mẹ ơi" nhưng đã không kịp hoàn thành", anh Hải, đồng nghiệp của chị Thúy chia sẻ.
Ngày 27/6, trao đổi với phóng viên, thầy Phạm Xuân Thảo cho biết, sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cùng nhà trường đã hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho cô Thúy. Hiện nay có người hứa sẽ bảo trợ cho bé thứ hai nhưng cụ thể thế nào thì chưa biết. Phía nhà trường cũng đang kết nối với các "Mạnh Thường Quân" để giúp người mẹ đã khuất hoàn thành tâm nguyện.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông
Như đã đưa tin, chiều 24/6, sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm thủ tục cho các thí sinh dự thi Kỳ thi THPT Quốc gia, cô Trần Thị Thúy xin phép về thăm gia đình ở cách điểm thi khoảng 35 km. Khi đang chạy xe máy trên quốc lộ 1A thuộc xã Gio Quang (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) thì va chạm với xe đầu kéo biển Bình Thuận chạy cùng chiều khiến cô tử vong tại chỗ.