Anh H.A, cựu giáo viên một trường quốc tế ở quận 7, TP. HCM đang khiến dư luận xôn xao vì câu chuyện phân biệt chủng tộc ngay chính nơi anh làm việc - một ngôi trường mà anh rất yêu quý và đánh giá cao sự đầu tư dành cho học sinh.
Công việc của anh tại trường cũ là phụ trách bộ môn Công nghệ của hệ song ngữ, quản lý các phòng thực hành. Ngoài công tác lên lớp với học sinh thì công việc của anh còn bao gồm việc quản lý một nhóm giáo viên (cùng bộ môn) và xây dựng chỉnh sửa chương trình cho 12 khối.
Hiện sau khi nghỉ việc, anh đã về Hà Nội và làm một công việc mới tại một công ty phần mềm – hoàn toàn không liên quan đến nghề sư phạm. Tuy nhiên, anh cho rằng, mình lên tiếng để "mong rằng những trường học trong hệ thống giáo dục Việt Nam nếu còn duy trì những sự phân biệt chủng tộc như vậy, mong các vị liệu mà bỏ đi cho".
Xin giới thiệu bài viết đang thu hút nhiều chú ý của anh:
Những kỳ nghỉ phân biệt chủng tộc
Nếu các bạn là thầy cô hay học sinh học tại các môi trường song ngữ thì có thể các bạn sẽ chẳng xa lạ gì với chuyện này. Đó là trong trường thường có những kỳ nghỉ được gọi là nghỉ đông, nghỉ thu, Lieu day (kỳ nghỉ bù), một số nơi có cả nghỉ xuân nữa. Vào những ngày này thì giáo viên nước ngoài sẽ được nghỉ, như trong trường hợp của trường nơi tôi đã từng làm việc thì giáo viên nước ngoài bao gồm toàn bộ Ban giám hiệu người nước ngoài, giáo viên nước ngoài, nhân viên tư vấn học đường, nhân viên thư viện.
Và dĩ nhiên điều kiện để bạn được nghỉ là bạn phải có quốc tịch không phải Việt Nam. Tôi đã chứng kiến một trường hợp khi nhân viên tư vấn học đường (cũ) vì có quốc tịch nước ngoài nên được nghỉ và nhân viên tư vấn học đường (mới) vì mang quốc tịch Việt Nam nên vẫn làm việc.
Vậy hậu quả của những kỳ nghỉ này là gì? Toàn bộ học sinh vẫn đi học và tất cả các giáo viên có quốc tịch nước ngoài được nghỉ, còn giáo viên Việt Nam vẫn làm việc. Tức là số lượng học sinh vẫn như cũ còn tổng số giáo viên giảm khoảng một nửa. Ở một số trường văn minh hơn thì họ trả lương thừa giờ cho các giáo viên có số tiết thừa giờ, tuy nhiên đó không phải trường hợp mà tôi đang kể đến. Chỗ tôi từng làm thì không thế.
Anh H.A, cựu giáo viên trường quốc tế
Hậu quả của những kỳ nghỉ là toàn bộ học sinh vẫn đi học và tất cả các giáo viên có quốc tịch Việt Nam vẫn làm việc. Tức là số lượng học sinh vẫn như cũ còn tổng số giáo viên giảm khoảng một nửa.
Trong các kỳ nghỉ đó, do sự thiếu hụt nhân lực, các giáo viên Việt Nam (đúng hơn là có quốc tịch Việt Nam) thường sẽ phải nhận số tiết gấp đôi hoặc gần như gấp đôi. Một giáo viên trung bình dạy 4 đến 5 tiết/ ngày thì vào ngày học bình thường sẽ có 8 đến 10 tiết một ngày (một ngày học có tối đa 9 tiết). Tức là ngoài việc nói liên tục cả ngày thì có nhiều trường hợp giáo viên phải nhận 2 lớp vào một phòng học.
Trong những ngày tôi còn làm việc ở trường cũ, có lúc 1 giáo viên sẽ nhận lớp thuộc 2 khối khác nhau cùng một lúc tại phòng học của mình, và thường thì, giáo viên đó không còn khả năng để nhận thức mình nên dạy nội dung khối nào.
Trong những ngày thi học kỳ, thông thường sẽ có 2 giám thị cho một phòng thi, nhưng nếu những kỳ thi rơi trúng vào những kỳ nghỉ trên thì chỉ còn 1 giám thị cho các phòng thi. Chẳng may giám thị một cần đi vệ sinh thì gọi giám thị hành lang vào ngó hộ. Cơ bản là như vậy! Thêm một điều nữa, nếu sự lộn xộn này bị phụ huynh phản ánh thì BGH và giáo viên người Việt là người chịu trách nhiệm, còn giáo viên nước ngoài thì chẳng can dự gì cả (họ nghỉ mà).
Trong những kỳ nghỉ này, tôi và nhóm giáo viên của tôi là những người chủ trì các hoạt động trường học (giải thể thao). Tôi cũng nhìn thấy sự nỗ lực của Ban giám hiệu người Việt trong việc cố gắng tìm kiếm các hoạt động (ngoài lên lớp) để giảm căng thẳng cho cả giáo viên Việt Nam và học sinh trong những thời điểm trường học thiếu tổ chức như vậy.
Dĩ nhiên, không thể giải quyết triệt để sự vô tổ chức trong trường học vào những ngày này. Bởi lẽ, giải pháp cho việc thiếu nhân sự là thêm nhân sự chứ chẳng phải là làm đủ thứ hoạt động (không hề có trong kế hoạch đầu năm) để bù lấp vào những vị trí tiết học mà giáo viên nước ngoài đã bỏ lại. Nên cho dù có thế nào thì tôi và các giáo viên Việt Nam sát cánh cùng chúng tôi trong những điểm đó ít nhất đều có thể nói rằng: “Chúng ta đã làm hết sức”.
Hai lựa chọn...
Đó là tuần nghỉ đông. 3 ngày đầu diễn ra đơn giản và tương đối trong kế hoạch. Tuy nhiên, kết thúc ngày làm việc của hôm thứ Tư (Wednesday), các giáo viên chưa nhận được thời khóa biểu của Thứ Năm (Thurday). Thời điểm tôi nhận được thời khóa biểu của thứ Năm là gần 7h00 tối (sau một ngày làm việc rất mệt do trường học thiếu người).
Vì mệt nên tôi đã nhờ một giáo viên khác trong team mình quản lý soạn thời khóa biểu phân bố giáo viên và phòng học cho riêng bộ môn mình.
Sau một lúc thì giáo viên mà tôi nhờ gửi lại thời khóa biểu bộ môn với dòng tiêu đề "THỜI KHÓA BIỂU PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TỪ NGÀY …. ĐẾN NGÀY...".
Anh H.A, cựu giáo viên trường quốc tế
Tôi có 2 lựa chọn: Một là, đứng về phía nhà trường và phải nói một cách nào đó để giáo viên kia thấy mình sai và nhận khiển trách. Hai là, nhìn thẳng vào sự thật rằng sự phân biệt chủng tộc này ảnh hưởng xấu tới trường học và cùng chủ trường ngồi lại để điều chỉnh chính sách nhân sự này.
Ngay sau đó thì Ban giám hiệu người Việt đã liên hệ với tôi, dĩ nhiên là khiển trách vì sự thiếu chuyên nghiệp (dĩ nhiên cũng chẳng có thể dùng từ gì khác). Tôi với tư cách lãnh đạo team sẽ có 2 lựa chọn vào ngày hôm sau:
Một là, đứng về phía nhà trường và phải nói một cách nào đó để giáo viên kia thấy mình sai và nhận khiển trách. Hai là, nhìn thẳng vào sự thật rằng sự phân biệt chủng tộc này ảnh hưởng xấu tới trường học và cùng chủ trường ngồi lại để điều chỉnh chính sách nhân sự này.
Sau cùng, tôi đã lựa chọn phương án 2!
Ngày hôm sau, tôi đã lựa chọn phương án 2. Tôi viết mail cho chủ trường (là người Việt) để xin gặp và hy vọng có thể điều tiết lại kế hoạch nhân sự và kế hoạch nhà trường.
Trong thư, tôi có nhắc tới "kỳ nghỉ phân biệt chủng tộc". Và rất nhanh sau đó, các thủ tục để đuổi việc tôi diễn ra. Trước đây, tôi cũng đã từng nhìn thấy một giáo viên người Việt khác nói về chuyện này với chủ trường. Và dĩ nhiên, cô ấy cũng ra đi rất nhanh, nên dù gì, trước khi gửi mail, tôi cũng đã chuẩn bị cho điều đó.
Tôi hoàn toàn không được gặp chủ trường vào những ngày cuối cùng. Tôi chỉ nghe kể họ đã rất tức giận. Ngày cuối cùng, giám đốc nhân sự (người nước ngoài), có gặp tôi và dĩ nhiên cũng cố gắng bằng một cách nào đó bắt tôi nhận sai. Tôi nhớ lý lẽ cuối cùng bà ấy đưa ra là "Tất cả các trường quốc tế đều như vậy nên những kỳ nghỉ đó không phải là phân biệt chủng tộc".
Tôi cũng nhớ rằng, câu cuối cùng tôi nói với bà ta trước khi ký vào thủ tục thanh lý hợp đồng là: "Nếu trường nào cũng phân biệt chủng tộc thì nghiễm nhiên nó là đúng à?".
Khi bạn được ăn học đầy đủ để biết chân lý "Mọi dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng" thì ắt hẳn bạn sẽ chẳng muốn bảo vệ cho sự phân biệt đối xử đối với quốc tịch như thế này.