Giáo viên quỳ để xin lỗi phụ huynh: Cô giáo đã sai, phụ huynh cũng không vừa - Ảnh 1.

PGS-TS Bùi Thị An. Ảnh: Việt Hưng

Tối 4.3, thông tin về việc một nhóm phụ huynh gây áp lực khiến giáo viên phải quỳ gối xin lỗi nhận được sự quan tâm và tranh cãi trên mạng xã hội.

Theo đó, một giáo viên của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối. Sau hình phạt này, một số em sợ không đi học.

Rồi 4 phụ huynh có con bị phạt đã kéo tới trường lớn tiếng phản ánh, cho rằng cách giáo dục của cô giáo vượt quá chuẩn mực sư phạm.

Cô giáo đã nhận sai và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh, hứa khắc phục sai sót. Tuy nhiên phụ huynh vẫn không đồng tình, gây áp lực, khiến giáo viên phải quỳ xuống để xin lỗi.

Sau sự việc này, dư luận có những luồng ý kiến khác nhau, thậm chí bày tỏ sự chua xót cho nghề giáo. Có ý kiến cho rằng đây là "chuyện ngược đời".

Giáo viên quỳ để xin lỗi phụ huynh: Cô giáo đã sai, phụ huynh cũng không vừa - Ảnh 2.

Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Người Lao Động.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII – cho rằng, hành xử của cả giáo viên và phụ huynh đều rất sai. Người chịu tổn thương trong trường hợp này sẽ là con trẻ.

"Các hành vi của trẻ có thể đúng hoặc sai, đưa ra hình phạt là cần thiết. Nhưng phạt thế nào để đủ răn đe, không ảnh hưởng đến việc học tập, tâm lý của trẻ, mà vẫn phù hợp với môi trường giáo dục thì nhà trường, giáo viên phải cân nhắc.

Nếu hình phạt mình đưa ra khiến học sinh sợ đến mức không dám đi học thì hình phạt đó là chưa phù hợp. Để không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, có rất nhiều phương pháp để kéo học sinh hứng thú hơn với học tập, chứ không phải là phạt thật nặng để các em sợ hãi" – PGS-TS Bùi Thị An chia sẻ.

Dù đánh giá hình phạt bắt học sinh quỳ là không nên, nhưng bà cũng cho rằng việc phụ huynh có hành xử như kéo đến trường làm ầm ỹ, bắt cô giáo xin lỗi, hay quỳ xuống là không nên, phản cảm, không phù hợp với môi trường giáo dục. Ai cũng có lúc làm sai, đáng lẽ phụ huynh nên bình tĩnh, tìm hiểu rõ sự việc và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con mình, thì lại có hành xử có thể khiến đứa trẻ trở nên ngạo mạn.

"Tại sao cô giáo đã xin lỗi rồi mà phụ huynh vẫn không chấp nhận để tình hình căng thẳng đến mức cô giáo phải quỳ xuống để xin lỗi. Học sinh biết được sự việc này chúng sẽ nghĩ thế nào, có dành sự tôn trọng cho cô giáo nữa không?"- PGS An chia sẻ thêm.

Bà cũng cho rằng, việc giáo dục nhân cách của trẻ cần phải được quan tâm đặc biệt, phải được thực hiện ngay từ khi còn bé. Vì vậy rất cần sự phối hợp của nhà trường và gia đình, nếu không trẻ sẽ rất dễ đi chệch hướng.