Đa dạng hóa nội dung và phương thức sử dụng tiếng Anh

Trải qua 3 lần thi IELTS và trở thành người thứ 6 của Việt Nam đạt IELTS 9.0 , Thạc sĩ Nguyễn Hương Ngọc Quỳnh (hiện là CEO của trung tâm ngoại ngữ IELTS Masters) thông tin, việc dạy và luyện thi IELTS của trung tâm không có thay đổi nhiều sau thanh tra của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cô đã có thay đổi nhỏ và củng cố phương pháp dạy ngoại ngữ của mình trong việc đa dạng hóa nội dung, phương thức tiếp cận , sử dụng ngoại ngữ cho học viên.

"Với tôi, tiếng Anh hoặc bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, cần được sử dụng thường xuyên, chủ động, và đa dạng để tiến bộ một cách toàn diện.

Học viên phải hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc mở ra hàng trăm, hàng ngàn cánh cửa kiến thức và cơ hội để vươn ra thế giới. Từ đó sẽ chủ động và hăng say học tiếng Anh một cách thực chất nhất, chứ đừng coi IELTS là một chứng chỉ, chỉ cần đạt được nó, nhưng rồi lại chẳng sử dụng được ngôn ngữ tiếng Anh trong công việc.

Theo nữ Thạc sĩ, một người đạt điểm cao trong IELTS chưa hẳn có thể sử dụng ngôn ngữ Anh linh hoạt trong cuộc sống thường ngày và trong công việc. Nếu chỉ cần điểm cao thôi, bạn có thể luyện thi say mê để đạt điểm. Nhưng nếu bạn thật sự trân trọng và đam mê tiếng Anh, muốn học, làm việc và tư duy trong môi trường Anh ngữ, học viên luôn phải đa dạng hoá các nội dung và phương thức dùng tiếng Anh của mình.

Và cũng như bao kỳ thi khác, để được điểm cao IELTS cũng đòi hỏi các bạn phải biết cách làm bài đúng và đủ khéo léo để đáp ứng được các tiêu chí chấm điểm.

"Điều quan trọng, học viên phải hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc mở ra hàng trăm, hàng ngàn cánh cửa kiến thức và cơ hội để vươn ra thế giới. Từ đó sẽ chủ động và hăng say học tiếng Anh một cách thực chất nhất.

Riêng tôi, tôi không thật sự học IELTS nhưng đã sử dụng tiếng Anh liên tục trong cuộc sống suốt 12 năm qua. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục dùng tiếng Anh trong công việc làm tư vấn cho dự án phát triển của chính phủ Úc, giảng dạy IELTS, và trong cuộc sống hàng ngày", chị Quỳnh chia sẻ.

Giáo viên, trung tâm ngoại ngữ luyện thi IELTS thế nào sau thanh tra của Bộ GD&ĐT - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Châu Linh

"Dạy thật, học thật"

Không mở trung tâm luyện thi , không quảng cáo... nhưng cô H. Phạm (Thạc sĩ Ngoại ngữ, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn luôn có một nhóm học viên nhất định theo học các chứng chỉ như IELTS, VSTEP... do các bạn tự truyền miệng, giới thiệu cho nhau.

Theo cô H.Phạm, việc dừng rồi cấp phép trở lại thi chứng chỉ IELTS của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng gì đến việc dạy và luyện thi ngoại ngữ của cá nhân cô bởi phương châm "dạy thật, thi thật".

Nói đến trường hợp học tủ, học chỉ để đỗ hay lấy X chấm IELTS, cô H.Phạm cho rằng, nó sẽ dẫn đến 3 hệ quả chính như sau: Thứ nhất, học viên, phụ huynh tốn nhiều tiền, thời gian để chi tiền cho các khóa học IELTS. Thứ hai, học viên dễ bị ảnh hưởng cả về sức khỏe thể chất (học với cường độ cao và kiến thức vô biên) lẫn sức khỏe tinh thần (học mãi không nâng được band thì dễ bị căng thẳng, mệt mỏi). Cuối cùng, là dễ bị dẫn dụ bởi các đối tượng rao bán bộ đề dự đoán, nhưng trúng hay không thì không ai cam kết, đảm bảo.

Giáo viên, trung tâm ngoại ngữ luyện thi IELTS thế nào sau thanh tra của Bộ GD&ĐT - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: internet

Thầy Long Lê (IELTS 8.0; Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân và có 8 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ cho rằng, học viên cần xác định tư tưởng rõ ràng, IELTS chỉ là một kỳ thi, nếu các bạn có kiến thức tốt thì có thể đi thi bất kể chứng chỉ nào.

Anh chỉ ra, lý do muôn thuở khiến các bạn học viên học mà không tiến bộ (bên cạnh việc lười) là do chọn thời điểm đăng ký học chưa phù hợp. Đa phần các bạn đăng kí học IELTS với thầy Long đều rơi vào một trong hai trường hợp, hoặc cả hai: Thứ nhất, không phải học sinh chuyên Anh (mà giỏi sẵn, chỉ cần học một khóa IELTS là đi thi 7.5 8.0+); Thứ hai, học viên muốn học cấp tốc trong một khoảng thời gian ngắn nhất định (3-6-9-12 tháng) để kịp thi chứng chỉ.

"Vậy để đạt/vượt đầu ra, các bạn cần xác định đầu tư nhiều thời gian học nghiêm túc trong giai đoạn này - tức là chí ít phải hoàn thành đúng/đủ các yêu cầu được giao (chứ chưa nói đến làm/đọc thêm tài liệu bổ trợ).

Nhưng, nhiều bạn lựa chọn sai thời điểm để đăng kí học. Các em đi học giữa lúc ôm đồm quá nhiều việc: đi làm thêm, đi làm chính, đi học trên trường, đi học phụ đạo, học thêm tiếng Trung, nhảy qua tiếng Hàn, rồi là thi cuộc thi này, tham gia dự án nọ, chưa kể bận tâm với các mối quan hệ khác dẫn đến kết cục bị ngợp, stress", Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân cho biết.

Đối với những bạn học sinh cấp 2-3, nam giảng viên khuyên, nếu đã xác định cần tiếng Anh thì nên nghiêm túc học từ sớm. Mỗi ngày học một chút, mưa dầm thấm lâu (nhưng phải học đúng cái cần học và đúng phương pháp). Khi vững kiến thức/kĩ năng cơ bản rồi (ngữ pháp, từ vựng, nghe, nói, đọc, viết...) thì việc luyện thi sẽ đơn giản/nhàn hơn rất nhiều.