Chúng tôi kết hôn vào giáp Tết năm 2012. Tuy là dâu mới nhưng tôi hầu như không phải lo lắng mua sắm Tết cho nhà chồng bởi mẹ chồng tôi nói để bà lo. Biết ý tứ nên tôi gửi bà 7 triệu bà thích sắm gì thì sắm. Vì vợ chồng tôi ở riêng nên tôi chỉ phải sắm vài thứ cần thiết, sau đó 28 Tết thì đóng cửa về quê chồng. Mấy năm qua đều như vậy.

Chồng tôi là một người rất lãng mạn và có chút chi tiêu không biết kìm chế, nói cách khác thì anh khá hoang phí. Anh thường mua rất nhiều đồ “vô bổ”, đặc biệt vào dịp Tết. Nhà chồng ở quê chật chội nhưng Tết nào anh cũng mua một cây quất, một cây bưởi và thuê một cây đào thế to để chơi cho sang, mát mặt với hàng xóm láng giềng và khách khứa tới chúc Tết.

Mùa hè năm nay, vợ chồng tôi chuyển từ căn hộ tập thể cũ sang một căn chung cư mới xây nên tình hình kinh tế chật vật hơn. Tổng nợ nần cũng gần 600 triệu. Tôi nói với anh chịu khó tiết kiệm, tích cóp, trả tiền nhà xong thì sinh con. Anh cũng gật gật gù gù, bớt đi chè chén với bạn bè nhưng thỉnh thoảng vẫn bị “mồi chài” mua vài thứ không dùng đến.

Giật mình với kế hoạch đón Tết của chồng 1

Thế là kế hoạch Tết của hai vợ chồng tôi vẫn chưa thống nhất (Ảnh minh họa)

Chúng tôi có kế hoạch sang năm sẽ sinh em bé, vì thế chồng tôi cho dịp Tết này là lúc đi chơi tốt nhất. Khi nghe anh “trình bày” sẽ đi xuyên Việt đón Tết 3 miền trong một tuần được nghỉ Tết, tôi giật mình hoảng sợ. Đây là lúc chúng tôi nợ nần ngập đầu, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy, vậy mà chồng tôi còn định bỏ ra mấy chục triệu để đi du xuân.

Anh nói rất hợp tình hợp lý là hiện giờ còn chưa vướng bận con cái, đi cho biết đây biết đó. Sau này suốt ngày con con cái cái, có muốn đi cũng không được. Tôi thuyết phục anh, để sau này có điều kiện thì đi, cùng lắm là vài năm nữa, con cái lớn rồi thì gửi bà nội rồi đi cũng thoải mái. Song anh không chịu. Anh nói thời trai trẻ không đi còn chờ đến bao giờ? Nợ nần thì trả cả đời chẳng hết.

Thế là kế hoạch Tết của hai vợ chồng tôi vẫn chưa thống nhất. Tôi chỉ muốn ở nhà để tiết kiệm tiền, chờ vài năm nữa trả hết nợ nần và con cái lớn lên thì hai vợ chồng thích đi đâu thì đi. Hiện giờ còn đang bận rộn làm kinh tế, hạn chế chi tiêu, sao có thể bỏ một số tiền lớn để đi chơi vô bổ như vậy được. 

Huống chi, chắc gì mẹ chồng tôi đã đồng ý. Mặc dù bà cũng rất thông cảm cho con dâu nhưng nếu cứ được đằng chân lân đằng đầu thì cũng không phải là điều hay. Cho nên tôi phản đối ý định này của chồng.

Giật mình với kế hoạch đón Tết của chồng 2

Tôi muốn được đoàn viên bên gia đình mỗi dịp Tết đến (Ảnh minh họa)

Nhưng chồng tôi cũng không chịu thua kém. Sau khi lý luận cho tôi một bài về việc muốn “một chuyến du xuân hâm nóng tình cảm vợ chồng”, anh liền lên mạng tìm kiếm địa điểm rồi viết lịch trình. Anh nói sẽ liên lạc với công ty du lịch để đặt tour và khách sạn sớm nhất. Theo đó chúng tôi sẽ xuất phát vào ngay trưa mùng 2 Tết, đến một nơi xa lạ trong khi mọi người náo nức đi chúc Tết người thân. 

Tôi không thích như vậy, tôi muốn được đoàn viên bên gia đình mỗi dịp Tết đến. Ngày mùng 1 ở nhà chồng, mùng 2 đi chúc Tết bố mẹ đẻ, mùng 3 đi thăm các bác các cô... Chồng tôi lại mắng tôi cứ loanh quanh ở nhà, anh bảo tôi phải đi ra ngoài cho thêm hiểu biết. Anh còn nói sẽ đưa tôi đi thăm các bản làng xa xôi của Tổ Quốc.

Mặc dù đi du lịch thì ai cũng thích đi thật, nhưng nếu đi trong khi lòng không thoải mái thì cũng chẳng vui vẻ gì. Tôi chỉ muốn được nhẹ bớt gánh nặng mới tính đến chuyện hưởng thụ. Còn chồng lại sống gấp, sống nhanh khiến tôi không thể cùng quan điểm. Hai chúng tôi vẫn biết nhường nhịn nhau nên 3 năm qua không gặp phải mâu thuẫn nào lớn.

Tôi nên làm thế nào để thuyết phục chồng ở lại quê nhà ăn Tết thay vì tốn kém đi xa? Chẳng những thế, tôi còn phải làm sao để nhắc nhở anh năm nay đừng mua thêm gì về nhà nữa, tránh lãng phí?