Sau những ngày Hà Nội sũng nước, thật vừa vặn làm sao khi cuối tuần đã có nắng trở về. Không nóng mà cũng chưa lạnh, thời tiết quá hoàn hảo cho những buổi hẹn hò, đi lượn và kiếm một nơi để ăn vặt tán gẫu.
Không muốn quay lại những quán hàng quen thuộc, tôi nảy ra ý định kiếm chỗ nào đó xa hơn một chút, chọn món nào đó hợp với bầu trời mọng nước, gió se se. Ở mảnh đất nghìn năm văn hiến này bao nhiêu lâu, tôi chợt nhận ra mình bị nhiễm cái thú ăn chơi "lạ lùng" của người Hà Nội: ấy là sẵn sàng đi xa lắc xa lơ, chịu cảnh chen chúc nóng nực, dẫu xếp hàng chờ bằng cả vòng hồ Gươm cũng kiên nhẫn bằng được, cốt để thưởng thức một món nào đó nức tiếng ngon lành. Và hôm nay, tôi chọn ra mạn Tây Hồ, vì ở Lạc Long Quân có một địa chỉ bán nộm bò khô gia truyền lâu năm rất hút khách.
Quán ăn chiều mát mẻ ngon bổ rẻ đông khách nhất nhì Lạc Long Quân.
Chiếc xe chở tôi dừng ở đầu dốc ngõ 242 Lạc Long Quân. Mặt trời đã xế bóng, lúc này mới khoảng 3h chiều. Men theo hàng cây trứng cá, hương ngọc lan thơm ngát quấn quanh, như dấu hiệu chỉ đường tự nhiên giúp tôi và những vị khách đói meo tìm đến hàng nộm bò khô trứ danh ngay cổng ngôi miếu thờ chúa bà ngành dệt. Với dân làng Trích Sài, nhịp sống sinh hoạt của họ phần nhiều gắn bó với ngôi miếu ấy, quanh đó có mấy khoảng sân rất rộng, cho các cụ ông cụ bà tập thể dục, lũ trẻ nô đùa vui chơi, người lớn chiều chiều vác ghế ra hóng mát. Và ấn tượng hơn cả, là mấy hàng quán lâu đời tựa vào ngôi miếu để sinh nhai, hàng nộm bò khô là một trong số đó.
Vài chiếc ghế nhựa con xếp vội bên tủ hàng bày đầy những bát nguyên liệu ngon mắt, nào bò khô, thính sợi, gân bò, đu đủ bào… cả chim cút quay màu hạt điều tỏa mùi thơm phức. Chị chủ quán chắc bây giờ mới loay hoay dọn hàng. Những vũng nước mưa vẫn đọng xung quanh, làm tôi và những vị khách ghé quán phải kéo quần nhón chân lựa chỗ. Không gian trong vắt, mát lạnh, thi thoảng rơi xuống một nốt hương hoa lan.
Quán ăn vặt nổi tiếng này tọa lạc ở một nơi khá rộng rãi, rợp bóng ngọc lan.
Chị chủ quán trẻ trung vui tính, khen chị mấy câu kiểu gì cũng được khuyến mại thêm mấy miếng bò nhai mỏi miệng.
Những nguyên liệu tuy giản đơn, không cầu kỳ như nhiều hàng nộm khác, nhưng vẫn quyến rũ vô cùng.
"Em ăn gì chị làm luôn nhé. Ngồi đi em, chim cút quay nóng mới ra, nộm cũng ngon lắm, hôm nay chị pha nước chấm đậm đà, ăn 2 đĩa cho no nhé!". Giọng chị chủ dịu dàng ngọt lịm, đúng là gái gốc Hà thành có khác.
Nhìn menu quán, thấy tên "nộm bò khô gia truyền", tôi tò mò hỏi chuyện. Chị chủ tên Thủy, đã ngoài 40 mà vẫn trẻ trung như gái mới về nhà chồng. Người phụ nữ khéo léo ấy đứng sau quầy hàng, vừa thoăn thoắt xắt thịt vừa kể tôi nghe. "Chị làm dâu ở đây thôi, chứ nhà ngoại chị trên Đội Cấn. Món nộm này chị được học của bà Loan Bờ Hồ, lên đó hỏi ai cũng biết. Cụ bà khởi sinh ra hàng nộm truyền lại cho con cháu mỗi người một ít, đến chị là đời thứ 3 - 4 rồi, chị phụ bán rồi về đây mở hàng, tuy mới 'ra riêng' được hơn 1 năm nhưng đồ ăn thì nổi tiếng lâu rồi, khắp Hà Nội cũng có vài địa chỉ khác cùng con cháu bà Loan mà ra".
Thực đơn ở quán chị Thủy có nhiều món dân dã ngon miệng.
Tất cả đều được chính tay bà chủ tận tâm chuẩn bị ở nhà, sạch sẽ, mang hương vị riêng.
Trước khi khách kéo tới chật quán, chị Thủy nhanh tay cắt cúp, chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu món nộm.
Đồ ăn ở đây không chỉ có nộm, mà còn thập cẩm nhiều món vặt quen thuộc khác nữa, như cút quay lá móc mật, chân gà sả ớt, phomai que... cho hợp với khẩu vị khách hàng bây giờ, toàn là người trẻ ghé ăn cho vui lúc chiều tà. Nhiều thực khách lớn tuổi hơn thì đến ăn như một thói quen khó bỏ, thay vì phải lặn lội lên tận phố cổ thì họ có thể tới ngồi ở quán chị Thủy, hương vị vẫn vẹn nguyên, mà giá cả thì chẳng đắt đỏ tí nào. Chỉ 20 ngàn là được một đĩa nộm bò khô đầy đặn, đúng chuẩn truyền thống với những thành phần cơ bản như bò khô, thính, đu đủ xanh cà rốt bào sợi, rau răm, lạc nhân... rưới thêm chút nước mắm chua ngọt. Vị cay cay ngọt đậm của thịt bò tự làm, sần sật của gân và đu đủ xanh bóp muối, quyện với vị the nồng của rau thơm, bùi bùi của lạc, nước mắm sánh mịn khiến ai cũng phải thốt lên rằng "quá ngon".
Chỉ vậy thôi là đủ thỏa mãn vị giác đói ngấu, ăn hết 1 đĩa vẫn thấy thòm thèm. Tuy không phong phú, ngập miệng như nộm bò khô Gầm Cầu hay nộm Bố Già 13 loại thịt, song món ăn vặt đậm văn hóa ẩm thực Hà thành ở quán chị Thủy vẫn đủ sức vương vấn khó quên.
Nộm ở đây đơn giản, nhưng sức hút đến từ chính sự chân phương, không hoa mỹ.
Ngồi đợi bà chủ cắt từng thứ rau dưa thịt bò xếp lên đĩa, cũng là cái thú hay.
Trong lúc đĩa nộm ngon mắt dần hoàn thiện, tôi ngó thấy một bác gái lui cui ở gần, bê bếp bày đồ ăn giúp chị Thủy, tất tả chạy đi chạy lại từ trong đền ra quán. Thì ra, đó là mẹ chồng chị. Bác cũng đang làm người giữ nhang trong ngôi miếu nhỏ, cứ chiều chiều lại phụ con dâu dọn hàng ra bán. Vừa xuýt xoa với đĩa nộm ngon hợp trời chiều lành lạnh, tôi vừa hỏi chuyện bâng quơ. Thật không ngờ, người phụ nữ già nua lưng còng ấy lại mang trong mình biết bao chuyện cũ xưa thú vị hơn cả lịch sử đĩa nộm tôi đang thưởng thức.
Bác Vũ Thị Hòa – mẹ chồng chị Thủy cũng làm dâu ở làng Trích Sài, Tây Hồ này ngót nghét bốn chục năm có lẻ. Sinh ra lớn lên ở con phố cổ Đường Thành, năm 73 bác theo chồng về khu ven hồ Tây. Trước khi nhận thủ miếu, coi sóc chốn linh thiêng của làng, bác Hòa từng theo nghề bán nem cua bể, truyền từ cụ bà thân sinh, lâu đời không kém những hàng quán nổi tiếng khác ở đất Tràng An.
"Thời con gái, tôi bán nem cua bể ở chợ Đồng Xuân, giờ ra đó hỏi nhiều người vẫn nhớ tôi đấy, khách đông vô cùng. Tất cả bí quyết làm nem đều là độc quyền tôi học của mẹ, bà tên Lục, chuyên bán nem từ thời Pháp thuộc cơ. Tôi là con thứ 4 trong số 7 chị em, đã qua đời gần hết, chỉ còn tôi và người em út. Chúng tôi lớn lên bằng mẹt nem của mẹ, suốt 40 – 50 năm mẹ tôi mới nghỉ bán, giờ cụ mất cũng lâu rồi.
Món ăn hấp dẫn bao thế hệ người Hà Nội, liệu vài chục năm nữa có còn được như bây giờ?...
Cái khác biệt nhất, quan trọng nhất của món nem gia truyền nhà mình là mẹ tôi luôn lấy cua từ tận Nam Định lên, quê gốc bà ở vùng nghèo nhất xứ đó, nên bà biết cách chọn nguyên liệu rất ngon, tươi, chọn lọc kỹ càng. Tôi vẫn nhớ mãi hương vị ngọt ngào quãng 30 năm trước mà giờ gần như chẳng thể tìm lại được, dù nắm giữ hết bí quyết nhưng chẳng thể ngon như hồi xưa.
Tôi cũng định làm nem để con dâu ngồi đây bán, nhưng mà vất vả lắm, chẳng có thời gian, mà cua bể xịn ở Hà Nội hiếm hoi lắm, nên đành thôi. Các con tôi chẳng ai nối nghiệp, tôi cũng chỉ hướng dẫn làm lại công thức thôi, coi như đến đời tôi là món nem cua bể ấy lùi vào dĩ vãng".
Kể xong, bác Hòa tặc lưỡi tất tả chạy lại vào miếu, dọn dẹp lại chính điện để tối đón một gia đình tới làm lễ. Nghe có vẻ chuyện của bác chẳng liên quan đến việc tôi ngồi đây thưởng thức món nộm do con dâu bác làm, nhưng tôi lại thấy sự xót xa trong mắt bác y như việc chị Thủy tiếc nuối chẳng thể truyền lại bí kíp làm nộm cho ai. Những món quà vặt, ẩm thực cổ truyền nổi danh Hà Nội cứ mai một dần đi, chính tôi là đứa hay mần mò đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm lại hương hồn hàng xưa quán cũ, mà giờ kiếm được nơi nào tuổi đời trên 20 năm cũng hiếm hoi đến lạ.
Càng tối trời, quán nộm càng đông khách.
Ngồi ở đây mát mẻ, thoáng đãng, nên nhiều người dù đi xa vẫn thích ghé qua.
Bảo sao, người Hà thành cứ được tiếng sành ăn, lại chịu khó, việc đi xa cả mấy chục cây số rồi yên lặng lấy số xếp hàng ở những tiệm ăn nhỏ xíu xiu, với họ, vốn đã chẳng còn lạ lẫm. Tất cả đều xứng đáng với sự cầu thị, tấm lòng chân thành muốn được ăn đồ ngon danh bất hư truyền. Dù chỉ ăn miếng nộm dăm ba phút rồi đứng dậy nhường chỗ cho khách đến sau, vẫn nhiều người hớn hở vui lòng, còn cúi đầu cảm ơn chị chủ quán. Bởi chị đã kiên tâm theo đuổi nghiệp gia truyền, dù chỉ là phận dâu con. Chị hoàn toàn có thể mở hàng quán kinh doanh to hơn, hoặc nghĩ đến việc làm nghề khác kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng không, hai chữ "gia truyền" có ý nghĩa lớn lao hơn cả việc làm giàu.