Vụ 2 bé trong một gia đình tử vong do bệnh whitmore – Nhiều người lo sợ căn bệnh có tính lây nhiễm từ người sang người
Mới đây, mạng xã hội được một phen rúng động khi hay tin Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn có báo cáo điều tra ca bệnh của bệnh nhi Trần Công V (sinh tháng 10-2014, ở xã Bắc Sơn, Sóc Sơn) tử vong hôm 31-10, sau 3 ngày có các biểu hiện sốt, đau bụng, dương tính với bệnh whitmore.
Theo Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn, gia đình cháu có 7 người. Tháng 4-2019, chị của cháu (học lớp 1) đã qua đời do nhiễm khuẩn huyết vào tháng 4. Em trai của V nghi mắc Whitmore. Thời điểm cơ quan y tế điều tra dịch tễ, cháu này đang điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi trung ương và cháu mất vào ngày 16-11. Báo cáo của Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cũng cho biết, các gia đình xung quanh gia đình bệnh nhân không có ca bệnh tương tự.
Trước thông tin này, nhiều người không khỏi hoang mang sợ hãi. Nhiều người lo lắng đây là một dịch bệnh có thể lây truyền từ người sang người và rất có khả năng dịch bệnh whitmore sẽ bùng phát ngay tại Sóc Sơn. Thực tế thì đây chỉ là những suy đoán hoang đường, không có tính chất chuyên môn. Nguyên nhân một phần là do Sở Y tế chưa có cảnh báo chính thức, đúng đắn đến người dân.
Vậy, whitmore thực chất là căn bệnh nguy hiểm như thế nào? Có thể lây từ người sang người hay không?
Theo TS Trịnh Thành Trung (Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN), trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Việt Nam được biết đến là điểm nóng về dịch bệnh whitmore. Tuy nhiên, số lượng ca bệnh phát hiện ở nước ta còn quá ít so với số dự đoán của các chuyên gia quốc tế. Đặc biệt, bệnh còn bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh truyền nhiễm khác hoặc nhầm thành các bệnh như lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tủy xương, ung thư máu, u tuyền liệt tuyến, quai bị (ở trẻ em)...
Tuy nhiên, đến nay, xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện bắt đầu được quan tâm, chú ý, các bác sĩ cũng được cảnh báo về căn bệnh whitmore này nên số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh được chẩn đoán đúng tăng lên trong thời gian vừa qua, chứ không phải bệnh đột ngột quay trở lại và bùng phát thành dịch.
Vị chuyên gia nhận định, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh whitmore là 60%. "Whitmore là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể diễn tiến tối cấp và gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện đúng bệnh và thực hiện điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn", TS Trịnh Thành Trung phát biểu. Ông cũng bày tỏ mong muốn mọi người từ người dân đến bác sĩ hãy nâng cao ý thức cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.
Một trong những điều cần nhấn mạnh đến người dân là bệnh whitmore không lây truyền từ người sang người. Bệnh cũng không có khả năng bùng phát thành dịch. Nhiều người thấy các ca bệnh whitmore dạo gần đây được phát hiện nhiều thì lo lắng có dịch bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của bệnh nhưng các báo cáo về bệnh whitmore còn hạn chế nên mới dẫn đến tình trạng này.
Người mắc bệnh whitmore tăng nhiều vào mùa mưa, chủ yếu do tiếp xúc vết xước với đất hoặc nước nhiễm khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh whitmore có thể sống ở tất cả mọi nơi, đặc biệt trong đất ẩm, đất canh tác nông nghiệp như đất trồng lúa nên cần hết sức cẩn trọng. Đó mới là điểm quan trọng nhất mà mọi người cần biết về con vi khuẩn này.
Đây cũng không phải là căn bệnh hiếm gặp như nhiều người vẫn nghĩ. Thực chất, whitmore là căn bệnh đang bị lãng quên ở Việt Nam trong khi có khả năng gây tử vong cao khi không phát hiện kịp thời. BS Trịnh Thị Vinh (trưởng phòng xét nghiệm vi sinh, Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) nhận định: "So sánh với các căn nguyên gây bệnh khác, whitmore không phải là một loại bệnh hiếm gặp như nhiều người đang suy nghĩ. Thực tế, đây là căn bệnh đang bị lãng quên tại Việt Nam".
BSCK I Nguyễn Xuân Bảo (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) thì cho rằng, bệnh whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như truyền nhiễm, hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa… do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
TS Quế Anh Trâm (trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) cho biết thêm, bệnh whitmore có nhiều biến chứng nguy hiểm. "Đôi khi chỉ là vết xước tay, xước chân ban đầu bị nhiễm trùng trên da, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi... Nếu không có cách phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày".
"Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore thường là sốt, viêm phổi, xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu… Những dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất như nông dân. Đối tượng người già rất dễ mắc vì thường có hệ miễn dịch yếu", giới chuyên gia cảnh báo.
Do đó, khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên sau khi tiếp xúc đất cát, bạn cần hết sức cảnh giác, phải đến ngay những bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. Đối với bệnh nhân đã từng bị whitmore phải thường xuyên tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, phải có sự kiên trì điều trị vì điều trị khỏi bệnh cần đến 6 tháng giống như bệnh nhân bị lao.
Xem đầy đủ thông tin về BỆNH WHITMORE "ĂN THỊT NGƯỜI" tại đây.