Ông Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Alphabet, có tất cả những gì mà một công dân Mỹ giàu có sở hữu: siêu du thuyền, máy bay phản lực riêng Gulfstream và một căn hộ tại Manhattan. Tấm hộ chiếu thứ hai là tài sản mới đây mà ông đầu tư.

Theo trang Recode, ông Schmidt đã chính thức trở thành công dân của Cộng hòa Cyprus sau khi tham gia các chương trình hỗ trợ của chính phủ cho phép công dân nước ngoài được sở hữu tấm hộ chiếu thứ hai. Người phát ngôn phía chính phủ Cộng hòa Cyprus hiện vẫn chưa đưa ra bất kì lời bình luận nào. Đại diện của ông Schmidt, tỷ phú với khối tài sản trị giá 19 tỷ USD nếu tính theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, cũng chưa lên tiếng.

Nhu cầu đối với tấm hộ chiếu thứ hai tăng mạnh

Những năm trước đây, thứ được gọi là "hộ chiếu vàng" này ít được người Mỹ săn đón. Việc mua bán hộ chiếu thường chỉ diễn ra với những người ở những quốc gia bị hạn chế khả năng đi lại như Trung Quốc, Nigeria hay Pakistan. Thời thế thay đổi, công dân của quốc gia giàu nhất thế giới nay lại muốn sở hữu tấm "visa" quyền lực này.

 - Ảnh 1.

Thủ đô Valletta của Malta, một quốc gia EU cung cấp chương trình "hộ chiếu vàng" (Nguồn: SCMP)

Paddy Blewer, giám đốc Công ty tư vấn cư trú và quốc tịch Henley & Partners, cho biết: "Điều này chưa từng có tiền lệ. Số lượng đơn đăng kí nhận quốc tịch như vỡ đê vậy. Nhu cầu đang ngày một tăng lên".

Với tấm "hộ chiếu vàng", công dân sẽ có thể được hưởng mức thuế thấp hơn, tự do đầu tư và di chuyển chỉ với 100.000 USD.

Dịch COVID-19 là một trong những chất xúc tác thúc đẩy sự quan tâm đặc biệt của người Mỹ đối với những tấm "hộ chiếu vàng", khi các lệnh phong tỏa do làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 lần thứ hai khiến họ mưu cầu sự tự do đi lại. Theo Nestor Alfred, giám đốc điều hành của Chương trình Công dân St. Lucia, "người Mỹ muốn di chuyển càng nhanh càng tốt. Họ sợ bị mắc kẹt".

Ngoài ra, việc ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ đánh thuế dựa trên lợi nhuận đầu tư cũng là một trong những yếu tố khiến tấm "visa" này trở nên quyền lực.

Theo công ty tư vấn quyền công dân Apex Capital Partners, nhiều người Mỹ đã tìm cách mua hộ chiếu thứ hai do lo ngại về những bất ổn xã hội.

Nhu cầu sở hữu "hộ chiếu vàng" đã tăng 650% kể từ người Mỹ bắt đầu đi bỏ phiếu trong tháng này. "Người Mỹ đang có cùng một mối quan tâm giống như những khách hàng Trung Quốc, Trung Đông hoặc Nga. Họ nói họ không rời khỏi Mỹ ngay đâu, họ chỉ muốn một thứ để phòng trường hợp bất ổn xảy ra".

 - Ảnh 2.

Chương trình "Đầu tư nhận quốc tịch" của Cộng hòa Cyprus yêu cầu ít nhất 2,6 triệu USD để sở hữu tấm "hộ chiếu vàng" (Nguồn: Business Insider)

Vào đầu những năm 1980, St. Kitts và Nevis là quốc gia đầu tiên giới thiệu chương trình "Đầu tư nhận quốc tịch". Sau đó, rất nhiều những quốc gia khác cũng đã triển khai chương trình này và thu về một khoản lời lớn. Trong đó, Malta đã huy động được gần 1 tỷ USD tính đến tháng 6 năm 2019 sau khi triển khai chương trình.

Ngành công nghiệp này đã tạo ra nhiều sự kinh ngạc khi có thể biến quyền công dân thành thứ có thể mua được. Tuy nhiên, chương trình này cũng có nhiều mặt trái. Một doanh nhân bị chính quyền Malaysia truy bắt, Jho Low, nằm trong số 26 cá nhân bị tước quyền công dân của Cộng hòa Cyprus hồi năm ngoái. Chủ tịch Quốc hội của Cộng hòa Cyprus, ông Demetris Syllouris cũng từ chức hồi tháng 10 sau vụ bê bối mua bán hộ chiếu cho một công dân Trung Quốc có tiền án, gây tiếng xấu cho chính quyền quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này.

"Giá trị của châu Âu không phải để bán"

Một làn sóng kêu gọi "khai tử" chương trình "hộ chiếu vàng" đã đến từ cơ quan điều hành EU, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ quan điểm của mình rằng "giá trị của châu Âu không phải để bán".

 - Ảnh 3.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen: "Giá trị của châu Âu không phải để bán". (Nguồn: Reuters)

Sau bê bối của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Cyprus, quốc gia này tuyên bố dừng chương trình "đầu tư nhận hộ chiếu" vào 1/11 năm nay. EU cũng cho rằng Malta và Cộng hòa Cyprus có thể đã vi phạm luật EU khi triển khai các chương trình mua bán quốc tịch.

Cộng hòa Cyprus trước đó yêu cầu đầu tư ít nhất 2,6 triệu USD để sở hữu một tấm "hộ chiếu vàng" mà không cần phải sống ở đó. Trong vòng 6 tháng, các nhà đầu tư sẽ có hộ chiếu EU, có quyền sống, làm việc tại 27 quốc gia thành viên, đồng thời được miễn thị thực khi nhập cảnh vào hơn 170 quốc gia.

Còn tại Malta, nhà đầu tư có thể nhận hộ chiếu nước này nếu chi 650.000 euro cho quỹ phát triển quốc gia của chính phủ, đầu tư 150.000 euro vào cổ phiếu hoặc trái phiếu được chính phủ chấp nhận, mua bất động sản trị giá ít nhất 350.000 euro và cam kết sống ở đó ít nhất 5 năm.

Hiện vẫn chưa rõ liệu người Mỹ có còn quan tâm đến tấm hộ chiếu thứ hai hay không nếu căng thẳng từ dịch COVID-19 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dịu bớt. Tuy nhiên, theo ông Sherwin Simmons, đại diện của công ty tư vấn thuế Asgard Worldwide, sau các cuộc bầu cử "người Mỹ luôn có biến động tinh thần".