Công cụ theo dõi sức khỏe mẹ và bé
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em những năm qua đạt nhiều thành tích. Các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ số này cần được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Những năm gần đây, dù đã có công cụ can thiệp để giảm chỉ số này, nhưng vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa có khoảng cách rất xa, tỉ lệ này cao gấp 2-3 lần so với thành thị và nông thôn. Đó là khó khăn thách thức rất lớn trong thời gian qua. Thẳng thắn nhìn nhận, so với các nước trong khu vực, chúng ta chưa đứng đầu mà chỉ ở thứ 3,4. So với các nước phát triển như Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan… thì khoảng cách này còn khá xa.
Để cải thiện các chỉ số này, cần phải làm nhiều việc khác nhau, trong đó có việc xây dựng công cụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Một trong những giải pháp được Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em thực hiện là xây dựng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Công cụ này được thực hiện theo mô hình của Nhật Bản, được triển khai từ năm 1998 (tại Bến Tre) nhưng đến năm 2015 mới được hiện thực hóa tại 4 tỉnh với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA - Nhật Bản). Đến nay, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai trên toàn quốc và đã phủ sóng hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 140 ngày 20/1/2020 về ban hành mẫu sổ theo dõi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cuốn sổ này được thiết kế khoa học theo diễn tiến quá trình mang thai và chăm sóc trẻ đến 6 tuổi. Hiện đã có trên 40 nước sử dụng loại sổ này, nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ, tai biến có thể gặp phải trong quá trình mang thai cũng như các dấu hiệu bất thường về bệnh tật của trẻ. Đây là công cụ góp phần giảm tử vong mẹ và trẻ em.
Sổ giống như một cuốn nhật ký sức khỏe thể hiện quan tâm của gia đình với đứa trẻ từ lúc chào đời đến khi trưởng thành. Sổ cũng chứa nhiều thông tin tư vấn hữu ích cho cha mẹ, nhằm xử trí và theo dõi các vấn đề bệnh thông thường ở trẻ.
Ngoài cuốn sổ này, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cũng đã phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam xây dựng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ năm 2018. Phần mềm này áp dụng cho bà mẹ mang thai, nuôi con bú và trẻ em từ 7 đến 60 tháng tuổi. Phần mềm được xây dựng công phu, khoa học, sử dụng ngân hàng thực đơn phù hợp với thức ăn, nguồn thực phẩm từng vùng miền, đã được thử nghiệm, được hội đồng khoa học của Viện Dinh dưỡng tính toán, cân đối, được Bộ Y tế có quyết định ban hành số 4976 ngày 20/11/2020. Đến nay phần mềm đã được triển khai ở một số tỉnh, song do dịch Covid-19 tác động nên việc triển khai đến nay chưa được nhiều.
Hiện nay, Báo Sức khỏe và Đời sống đã phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cùng xây dựng nội dung cho chuyên trang tại địa chỉ somevabe.suckhoedoisong.vn. Nội dung cập nhật các thông tin, kiến thức, tư vấn chỉ dẫn… từ các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nội dung này sẽ được cập nhật liên tục lên ứng dụng "sổ mẹ và bé" phục vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được tốt hơn, kịp thời, chính xác hơn.
Hiện phần mềm theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em đã có sẵn trên các kho ứng dụng với tên gọi "somevabe", người dùng có thể truy cập và tải về điện thoại hoặc máy tính để theo dõi sức khỏe thai kỳ cũng như chăm con khỏe mạnh.
Phụ huynh quan tâm, muốn có công cụ để xây dựng thực đơn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ có thể truy cập vào phần mềm tại địa chỉ dinhduongmevabe.com.vn.
Nhiều thách thức trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em
Ông Trần Đăng Khoa chia sẻ thông tin về hiện trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em. Theo dó, tỉ lệ phụ nữ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt 80%. Tỉ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì từ 95-97%, chỉ một số ít trường hợp đẻ rơi. Tỉ lệ chăm sóc sau sinh 7 ngày đầu sau đẻ đạt gần 80%. Tỉ lệ này năm 2020-2021 giảm một chút do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cán bộ y tế không thể đến từng nhà chăm sóc. Hiện nay tỷ suất tử vong sơ sinh là 1/1000 trẻ đẻ sống tại Việt Nam, tương ứng số trẻ sơ sinh tử vong trong 1 ngày là 39 trẻ. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng khoảng thứ 3-4 trong giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh.
Về chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhiều quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và trẻ em do Bộ Y tế đề xuất đã được đưa vào Luật trẻ em, chương trình giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi được ban hành, hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi, chăm sóc và tư vấn sức khoẻ, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em. Triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe trẻ em, tăng cường các hoạt động như lập ngân hàng sữa mẹ...
Dù đạt nhiều thành tựu song công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em còn tồn tại và thách thức. Tình trạng tử vong mẹ ở vùng 3 (vùng sâu vùng xa, miền núi khó khăn) cao gấp 3,5 lần so với vùng 1 (thành phố). Vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ là 210/100.000, cao gấp 7-8 lần so với thành thị. Tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở nông thôn cao hơn gấp 2 lần so với thành thị. Khoảng cách này ở dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ ở vùng dân tộc thiểu số vẫn gấp 2 lần, tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cao gấp 2,5 lần so với người kinh. Ông Khoa cho rằng thời gian tới sẽ phải can thiệp hiệu quả vào vùng này để giảm tỉ lệ chung trên toàn quốc.
Ông Khoa cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ xây dựng bộ thông điệp truyền thông chủ chốt trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản và nhiều loại hình sản phẩm truyền thông như tờ gấp, áp phích, sách lật, video clip khoa giáo. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tin bài, phóng sự về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản. Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng về những vấn đề nóng như tai biến sản khoa, tai biến sơ sinh, "sinh con thuận theo tự nhiên" (không đến cơ sở y tế)...