Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư buồng trứng. Vì vậy, để phòng bệnh này, chị em nên nắm được các yếu tố nguy cơ để có thể phòng bệnh tốt nhất.
Dưới đây là các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư buồng trứng:
Tuổi tác
Phần lớn các bệnh ung thư buồng trứng được tìm thấy ngay sau khi phụ nữ vào thời kỳ mãn kinh. Khoảng một nửa trường hợp bị bệnh ung thư buồng trứng thường gặp ở những phụ nữ trên 63 tuổi.
Ở giai đoạn mãn kinh, chị em cũng phải trải qua những biến đổi về thể trạng và tâm lý phức tạp. Hoạt động tiết chế của buồng trứng bắt đầu bị rối loạn và có thể ngưng hoạt động hẳn. Điều này gây ra sự suy giảm lượng estrogen trong máu, nhất là estradiol. Do đó, nguy cơ bị ung thư buồng trứng ở giai đoạn này cũng cao hơn.
Béo phì
Phụ nữ béo phì hoặc thừa cân có nguy cơ bị bệnh ung thư buồng trứng cao hơn những người khác. Những người béo phì thường có lượng mô mỡ nhiều hơn người khác. Những mô mỡ này tạo thành lớp mỡ bao quanh dạ dày, sản sinh ra oestrogen, kích thích sự phát triển của các tế bào trứng và tạo cơ hội cho các tế bào ác tính phát triển.
Ngoài ra, tình trạng béo phì còn có liên quan tới ung thư thận và ung thư tử cung.
Có sự liên kết giữa hoạt động của buồng trứng và nguy cơ ung thư buồng trứng. Ảnh minh họa
Không sinh con và không nuôi con bằng sữa mẹ
Những phụ nữ không sinh con cũng là đối tượng có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao hơn những chị em khác. Bởi, cho con bú có thể làm giảm khả năng phát triển bệnh ung thư này.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition, các nhà khoa học Úc đã theo dõi 493 phụ nữ bị ung thư buồng trứng và 472 phụ nữ khỏe mạnh cùng tuổi. Kết quả những phụ nữ cho trẻ bú ít nhất 13 tháng giảm hơn 60% rủi ro phát triển khối u ở buồng trứng so với những người cho trẻ bú ít hơn 7 tháng. Những phụ nữ có 3 con và cho con bú tổng cộng hơn 31 tháng giảm rủi ro ung thư buồng trứng đến 91% so với những người cho con bú tổng cộng dưới 10 tháng.
Các nhà nghiên cứu tin rằng việc cho con bú mẹ giúp trì hoãn thời gian rụng trứng và giảm mức độ oestrogen trong buồng trứng. Thời kỳ rụng trứng càng nhiều thì rủi ro hình thành các tế bào đột biến gây bệnh càng cao. Chính vì vậy, những phụ nữ không sinh con, sinh ít con hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ cũng có nhiều nguy cơ bị ung thư buồng trứng hơn.
Liệu pháp hormone
Sử dụng liệu pháp hormone (uống thuốc, tiêm estrogen...) sau thời kỳ mãn kinh là phương pháp được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân của ung thư buồng trứng. Những tác hại khi điều trị estrogen là làm quá sản nội mạc tử cung và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng.
Việc điều trị hormone phải được thực hiện trong thời gian dài, vì vậy mà những chị em áp dụng liệu pháp chỉ tăng cường estrogen càng có nhiều khả năng xuất hiện những dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Chính vì vậy mà liệu pháp bổ sung estrogen thường được kèm theo cả progestrogen.
Các nguyên nhân khác của bệnh ung thư buồng trứng có thể bao gồm: lịch sử gia đình, những thay đổi di truyền, ung thư vú, chế độ ăn uống, hút thuốc và uống rượu...
Nhận biết các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư vú