Mới đây, theo Jimu News, một người đàn ông sống tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã đem theo hơn 20 quyển sổ đỏ tới trung tâm mai mối để giúp con trai 24 tuổi của mình tìm vợ. Được biết, toàn bộ những bất động sản trên đều nằm trong nội thành và thuộc sở hữu của người đàn ông này.
Một nhân viên của trung tâm mai mối thành phố Thạch Gia Trang chia sẻ: "Hôm 5/5, ông ấy mang theo rất nhiều sổ đỏ. Ông ấy giới thiệu con trai mình sinh năm 1998, tốt bụng, công việc ổn định nên muốn người phù hợp và sau đó là tiến đến lập gia đình."
Người này cũng nói thêm: "Ông ấy không muốn khoe của, mà là muốn cho thấy gia đình thực sự chân thành và muốn tìm người con dâu ‘môn đăng hậu đối’."
Tìm được bạn đời ưng ý cho con không phải là điều dễ dàng. Do đó, dịch vụ mai mối ở Trung Quốc cũng phát triển nở rộ. Trung tâm mai mối là một nơi các bậc phụ huynh Trung Quốc thường tìm đến để tìm cho con mình bạn đời ưng ý. Những "ông tơ bà nguyệt" chuyên nghiệp cũng tham dự nhằm kết nối các bậc cha mẹ với nhau. Đây là hoạt động diễn ra khá sôi nổi ở nhiều thành phố lớn cũng như thị trấn nhỏ trên khắp Trung Quốc.
Vào một buổi sáng Chủ nhật ở Tây An, nhân viên mai mối Wang đã sẵn sàng "lên đồ" để bắt tay vào công việc của mình. Dù không nghĩ rằng có nhiều khách hàng, nhưng Wang đã rất ngạc nhiên khi có rất nhiều phụ huynh tìm đến dịch vụ mai mối của cô. Những người này khoảng 50, 60 tuổi, họ liên tục trò chuyện và phàn nàn rằng con cái mình không muốn kết hôn.
"Khu mai mối" ở Revolution Park rất nổi tiếng với người dân địa phương nơi này. Sự kiện được tổ chức vào thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần, có một trang web dành cho những người chưa kết hôn. Hầu hết các bậc phụ huynh đều thừa nhận rằng họ không thực sự tin vào việc mai mối và tỷ lệ thành công cũng cực kỳ thấp.
Song, họ đến công viên vì coi đây là… cách để hoàn thành nghĩa vụ của những người làm cha làm mẹ. Hơn nữa, họ cũng cơ hội để chia sẻ về những điều không hài lòng với việc con cái mình chưa lập gia đình.
Đối với thế hệ trước đây, hôn nhân được coi là nền tảng của xã hội Trung Quốc. Dẫu vậy, ngày càng nhiều người trẻ tuổi trì hoãn việc kết hôn và nhiều người kết thúc quãng thời gian chung sống bằng cách ly hôn. Đây là một xu hướng đáng lo ngại và khó hiểu đối với nhiều người thuộc thế hệ lớn tuổi ở quốc gia tỷ dân.
Khu mai mối ở Revolution Park luôn ồn ào với những câu hỏi "con trai hay con gái", "sinh năm bao nhiêu" và "cao bao nhiêu". Điểm nổi bật của khu vực này là hàng nghìn tấm áp phích được chăng giữa các thân cây, bụi cây và cành cây. Những tấm ảnh này được người mai mối hoặc phụ huynh viết, nội dung bao gồm các chi tiết về mỗi cá nhân chưa lập gia đình.
Song, nhiều người lại có thái độ khá tiêu cực khi liên tục bình luận về những cá nhân xuất hiện trên tấm áp phích. Họ đưa ra những yêu cầu phi lý trong khi cố gắng tìm bạn đời cho con mình. Thậm chí, nhiều phụ huynh lại "quảng cáo" con mình bằng cách ghi "đã kết hôn trong thời gian ngắn" thay vì "đã ly hôn".
Thông tin về người đàn ông mang 20 cuốn sổ đỏ để tìm vợ cho con nhanh chóng trở thành chủ đề được cư dân mạng bàn tán xôn xao. Họ đều nói rằng để có thể kết hôn ở quốc gia tỷ dân, gia đình nào cũng phải có của ăn của để.
Nhiều người cũng đùa rằng họ sẽ tự ứng cử mình thành vợ tương lai của anh chàng, trong khi một số khác cho biết việc này chỉ cho thấy những bậc phụ huynh bị ám ảnh với việc phải chứng kiến con cái mình yên bề gia thất.
Một trường hợp thương tâm khác đã xảy ra ở Thượng Hải hồi đầu năm nay. Khi đó, một người đàn ông 55 tuổi đưa mảnh giấy cho bảo vệ tại ga tàu và nói rằng ông vừa dùng thuốc quá liều. Sau đó, người này ngất xỉu ngay tại chỗ. Được biết, ông viết trong bức thư gửi con trai rằng "quá hổ thẹn với cuộc đời" vì anh này vẫn chưa lập gia đình khi đã 29 tuổi. Tuy nhiên, may mắn là người đàn ông đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Ở Trung Quốc, độ tuổi được cho là phù hợp nhất để lập gia đình là trước 30. Bởi vậy, không có gì lạ khi các bậc phụ huynh thường thúc ép con cái mình đi theo "lối mòn" đó. Nếu phụ nữ trẻ không kết hôn sau tuổi 27, họ sẽ bị coi là "bà cô già".
Đối với thế hệ millennials, áp lực phải kết hôn thực sự là gánh nặng với họ khi ngày càng nhiều người muốn né tránh "việc trọng đại". Theo số liệu thống kê chính thức, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm 8 năm liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 36 năm.
Nhiều phụ nữ ở Trung Quốc chia sẻ rằng họ không hứng thú với việc kết hôn nữa. Họ coi hôn nhân như một rào cản với mục tiêu độc lập về kinh tế. Trong một cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc với 2.905 thanh niên chưa kết hôn vào năm ngoái, 44% phụ nữ sống ở thành thị từ 18-26 tuổi cho biết họ không có kế hoạch kết hôn, 25% nam giới đưa ra câu trả lời tương tự.
Tình trạng trên, cùng với sự mất cân bằng về giới tính và áp lực nuôi dạy con trong thời kỳ hiện đại, đã khiến quốc gia tỷ dân bước vào một kỷ nguyên khác, nơi mà thế hệ millennials theo đuổi mục tiêu tự do tài chính, cuộc sống độc thân bất chấp những áp lực từ xã hội.
Chen Yu – một phụ nữ độc thân 35 tuổi đến từ Quảng Đông, đã quen với việc bạn bè lo ngại rằng cô chưa có gia đình. Cô nói: "Bố mẹ và người thân của tôi đang lo lắng. Họ đều nghĩ rằng tôi cần yên bề gia thất ở tuổi này và rất nhiều người Trung Quốc cũng có quan điểm như vậy."
Chen đang làm bác sĩ tại một bệnh viện và cô chia sẻ rằng mình rất hạnh phúc. Cô sở hữu một căn hộ hơn 90m2 ở thành phố Trạm Giang. Tuy nhiên, dù sở hữu một căn hộ riêng ở thành phố, nhưng Chen nói rằng việc tìm bạn đời không nằm trong mục tiêu sống của cô. Chen nói rằng cô không muốn bó buộc mình vào quy chuẩn là phụ nữ phải ở nhà chăm sóc gia đình, chờ chồng đi làm rồi gửi tiền về.
Sở hữu bất động sản chính là một yếu tố quan trọng với thế hệ Y Trung Quốc khi cân nhắc lập gia đình. Ở một số trường hợp, các cặp vợ chồng sắp cưới thậm chí còn hủy hôn nếu phía nhà trai không sở hữu bất động sản.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của trang web tuyển dụng Zhaopin Recruiting, 43,5% phụ nữ Trung Quốc chưa kết hôn vì lo ngại chất lượng cuộc sống của họ sẽ sụt giảm. Còn 53,6% nam giới nói rằng họ sống độc thân là vì chưa đủ khả năng tài chính để nuôi gia đình.
Stuart Gietel-Basten – giáo sư đang giảng dạy tại Khoa khoa học xã hội và chính sách công thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho biết, tỷ lệ người không kết hôn cao không hẳn là yếu tố đáng báo động nhưng lại là một trong những vấn đề gây ra bất ổn xã hội cho Trung Quốc.
Một xã hội có tỷ lệ già hóa cao đang trở thành vấn đề cấp bách với Trung Quốc, vì lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp, ít chuyên gia có trình độ hơn và hàng triệu người lớn tuổi đang cần được chăm sóc. Song, khi các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang nỗ lực để giải quyết vấn đề tương tự, Trung Quốc phải đến năm 2021 mới đưa ra giải pháp khắc phục.
Quốc gia này gặp nhiều khó khăn trong việc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Năm 2021, Trung Quốc nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế, cho phép các gia đình sinh tối đa 3 con, chính phủ cũng hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con mới sinh. Song, dữ liệu công bố hồi tháng 1 cho thấy tỷ lệ sinh vẫn ở mức thấp kỷ lục vào năm 2021.
Giáo sư Gietel-Basten nhận định, về cơ bản, vấn đề hôn nhân ở Trung Quốc không khác nhiều so với nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải đối mặt, đặc biệt là ở những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ông cho hay: "Độ tuổi kết hôn đang tăng lên. Tình trạng này xảy ra ở khắp thế giới. Độ tuổi mà cha mẹ bạn kết hôn, khi cha mẹ bạn nên kết hôn, có lẽ sớm hơn nhiều so với thế hệ hiện tại."
Tổng hợp