Chúng ta đang sống trong thời đại mà việc tìm hiểu về một ai đó hoàn toàn có thể bắt đầu từ một bước vô cùng đơn giản. Ấy là "soi" các trang mạng xã hội mà người đó sử dụng, từ Facebook cho tới Instagram.
Công nghệ phát triển giúp mọi người kết nối và chia sẻ về cuộc sống với nhau dễ dàng, nhanh chóng hơn. Những cái thả tim hoặc những lời bình luận an ủi dường như ngay lập tức có thể khiến bạn cảm thấy tâm trạng tốt lên. Bởi rõ ràng là bạn đang được quan tâm cơ mà!
Nhưng những cảm xúc ấy sẽ tan biến rất nhanh. Các chuyên gia tâm lý ước tính những cảm xúc tích cực đến từ việc tương tác trên mạng xã hội chỉ duy trì được tối đa trong vòng 3 tiếng. Trong khi đó, những cảm xúc tiêu cực như bị miệt thị, công kích, tấn công bằng lời nói trên mạng xã hội lại có thể kéo dài ít nhất 30 giờ đồng hồ.
Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn nhận được sự chênh lệch này và cũng chẳng khó để nhận ra rằng mạng xã hội, cũng như rất nhiều những điều khác trong cuộc sống này, là một con dao lưỡi.
Chia sẻ về những tác động của mạng xã hội lên đời sống của một người, Stephanie Reeds - Chuyên gia Tâm lý về các mối quan hệ xã hội cho biết: "Bạn càng ít chia sẻ những vấn đề riêng tư trên mạng xã hội, cuộc sống của bạn càng ít bị làm phiền bởi những điều không đáng để bạn phải bận tâm."
Cụ thể, dưới đây là 4 điều mà bạn tuyệt đối không nên trưng chúng lên mạng xã hội, theo quan điểm của Stephanie Reeds:
1. Tình trạng mối quan hệ của bạn
Phụ nữ có xu hướng chia sẻ nhiều hơn về tình yêu của họ trên mạng xã hội. Đôi khi là một bức ảnh tình tứ, đôi khi là một vài dòng nhung nhớ bâng quơ, hoặc cũng có thể là sự hờn giận, bực tức.
Tất cả những điều này có thể khiến bạn ngay lập tức cảm thấy niềm vui nhân lên gấp đôi hoặc nỗi bực dọc giảm đi một nửa. Nhưng về lâu dài, thói quen này sẽ làm việc giải tỏa cảm xúc của bạn bị phụ thuộc vào mạng xã hội.
Theo Stephanie Reeds: "Nếu bạn gặp rắc rối với nửa kia của mình, hãy trực tiếp gặp họ để giải quyết vấn đề. Vấn đề chỉ thực sự được giải quyết từ chính nơi nó bắt đầu. Bạn cũng có thể chia sẻ với một vài người bạn thân thiết nhưng không phải là tống hết chúng lên mạng xã hội. Điều đó hoàn toàn không có tác dụng với vấn đề bạn đang gặp phải."
2. Những vấn đề về tài chính
Tiền nong luôn là chuyện nhạy cảm dù dưới bất kỳ hình thức nào. Khoe khoang về thu nhập cá nhân trên mạng xã hội cũng không phải là một ngoại lệ. Bạn có thể nghĩ rằng việc chụp màn hình tin nhắn báo tiền lương vài chục, hoặc vài trăm triệu sẽ khiến nhiều người phải trầm trồ, ngưỡng mộ mình. Bởi đó hoàn toàn không phải là một con số nhỏ.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu bạn giàu, sẽ luôn có người giàu hơn bạn. Nếu bạn giỏi, sẽ luôn có người giỏi hơn bạn.
Bạn không cần phải cố gắng tỏ ra khiêm tốn hoặc tự đánh giá thấp năng lực của bản thân. Vấn đề ở đây chỉ là đừng công khai khoản thu nhập hoặc số dư trong sổ tiết kiệm. Theo Stephanie Reeds, hành động này sẽ khiến người khác có ác cảm với bạn hơn là thiện cảm đấy!
3. Những dự định bạn đang ấp ủ
"Action speaks louder than words" - Hành động mới là thứ chứng minh sự nỗ lực của bạn, chứ không phải lời nói.
Nhiều người có xu hướng nghĩ rằng khi chia sẻ công khai những dự định đang ấp ủ, họ sẽ có thêm động lực để hoàn thành chúng một cách nhanh và tốt nhất. Tuy nhiên, chẳng có điều gì đảm bảo rằng bạn chắc chắn sẽ đạt được điều đó ngay cả khi đã nỗ lực hết sức.
Chính vì thế, hãy chỉ chia sẻ khi mọi thứ đã được hoàn thành.
4. Những vấn đề chưa được giải quyết trong gia đình của bạn
Tương tự như khi gặp rắc rối với tình yêu, cảm giác muốn được giải tỏa thôi thúc bạn phải chia sẻ ngay những bức bối trong lòng với người khác. Và chẳng có phương thức nào nhanh hơn là biên một vài dòng rồi đăng lên Facebook hoặc Instagram.
"Mọi người không thực sự quan tâm đến vấn đề của bạn như bạn vẫn nghĩ. Bởi cuộc sống của ai cũng có những rắc rối, những mệt mỏi và khúc mắc chưa được giải quyết. Chúng ta đều ưu tiên quan tâm những vấn đề của cá nhân mình trước." - Stephanie Reeds chia sẻ.
Chính vì thế, hãy hạn chế tối đa việc chia sẻ, nói xấu những thành viên trong gia đình trên mạng xã hội. Ngay cả khi bạn hoàn toàn cảm thấy họ không tốt, hoặc họ làm bạn muốn phát điên, mạng xã hội cũng chẳng thể giúp bạn giải quyết triệt để cơn điên ấy.
Hãy nhớ rằng vấn đề bắt nguồn từ đâu, bạn buộc phải giải quyết nó ở đó. Và đừng dại dột rước thêm một mớ vấn đề khác chỉ vì "nghiện chia sẻ" trên mạng xã hội.
"Hầu hết chúng ta đều sử dụng ít nhất một mạng xã hội nào đó. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta biết tiết chế, và dùng nó một cách tích cực với cuộc sống của mình." Stephanie khẳng định.
Và giờ thì, hãy thử xem lại Facebook hoặc Instagram của chính mình, có lẽ, bạn sẽ biết bạn nên sử dụng chúng ra sao, hoặc chí ít là biết điều gì nên chia sẻ, điều gì nên giữ cho riêng mình