Thai phụ ở Lai Châu mang thai 22 tuần, nhập viện cấp cứu trong tình trạng cổ tử cung đã mở 3cm, ối phồng căng, nguy cơ vỡ ối và tiên lượng mất con rất cao. Chị từng ba lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại và ba lần mổ tách dính buồng tử cung.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê - Bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội cho biết: “Để tránh việc vỡ ối và nhiễm trùng màng ối do tiếp xúc với môi trường âm đạo, chúng tôi đã tiến hành khép cổ tử cung bằng phương pháp khâu vòng. Tuy nhiên, khó khăn là cổ tử cung đã mở và ối nằm ngoài cổ tử cung nên xác suất thành công rất thấp, chỉ cần một cử động không đúng, một mũi kim bị chệch thì màng ối sẽ bị xuyên thủng. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý của toàn bộ ekip, ối đã được đẩy vào trong, cổ tử cung được khâu lại.”

Tuy nhiên, hai ngày sau, thai phụ lại xuất hiện cơn gò. Cổ tử cung lại xóa mỏng, ối phồng ra ngoài, nếu không can thiệp kịp thời, chỉ cần thêm vài cơn gò, ối bị vỡ và thai sẽ sảy ra ngoài. Lần khâu vòng thứ hai được thực hiện, cũng giống như lần đầu, kỹ thuật khâu lần này được thực hiện hoàn hảo. Cả ekip bác sĩ và người mẹ thở phào nhẹ nhõm. Thời gian 1 tuần, 2 tuần,... 4 tuần trôi qua, hy vọng đã được thắp sáng dần.

Đến tuần thứ 26, thai phụ bất ngờ bị vỡ ối, chân thai nhi sa ra ngoài âm đạo. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sau khi hội chuẩn và thảo luận kỹ càng, ekip bác sĩ nỗ lực giữ bé trong bụng mẹ thêm vài ngày nữa nhằm tăng cơ hội sống cho bé. Với sự tập trung cao độ, cả ekip đã đưa được đôi bàn chân xinh đẹp của thai nhi nằm yên ngoan ngoãn trong bụng mẹ.

Trong suốt quá trình đó, nguy cơ nhiễm trùng của mẹ, chức năng sinh tồn của thai nhi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giám sát vô cùng chặt chẽ. Sau 7 ngày, thai phụ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu nhiễm khuẩn nên bác sĩ chỉ định mổ lấy thai lúc 27 tuần 3 ngày.

Giữ thai an toàn trong 5 tuần cho thai phụ bị mở cổ tử cung, nguy cơ vỡ ối sớm - Ảnh 1.

Bác sĩ quyết định mổ lấy thai ở tuần 27 để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn

“Nhờ phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng khoa Sơ sinh đón bé ngay trong phòng sinh và chăm sóc đặc biệt, bé có thể tự thở, không có dấu hiệu nhiễm trùng, sức khỏe tiến triển tốt, hạn chế nguy cơ biến chứng thần kinh so với trẻ khác”, Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Tố Như - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bé sinh non dưới 32 tuần sẽ được chăm sóc đặc biệt nhằm ngăn những biến chứng lên hệ thần kinh, kết hợp cùng gói chăm sóc điều dưỡng dự phòng xuất huyết não trong 72h đầu. Đặc biệt trẻ được sử dụng phương pháp kangaroo sớm từ 30 tuần để tăng sự gắn bó mẹ con. Đồng thời, trẻ sẽ được tiêm phòng đúng lịch. Đây là điểm khác biệt so với nhiều trẻ sinh non khác, vì Bệnh viện Tâm Anh có trung tâm tiêm chủng riêng nên các mũi vắc xin dành cho trẻ sơ sinh được tiêm cho bé đầy đủ.

Giữ thai an toàn trong 5 tuần cho thai phụ bị mở cổ tử cung, nguy cơ vỡ ối sớm - Ảnh 2.

Trẻ sinh non cần chế độ chăm sóc đặc biệt ngay khi rời bụng mẹ

Với trẻ sinh non, các chương trình sàng lọc, tầm soát bất thường của mắt, phổi… được thực hiện kỹ càng hơn để không bỏ qua những dấu hiệu, nguy cơ bệnh lý. Sau khi ra viện, gia đình được hướng dẫn theo dõi những vấn đề như vàng da sơ sinh, tình trạng bú, hướng dẫn massage, hướng dẫn mẹ cho bé bú đúng - bú đủ, hướng dẫn cho mẹ có đủ nguồn sữa...

Bên cạnh đó, tại Bệnh viện Tâm Anh, trẻ sơ sinh sẽ được làm một số xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt là sàng lọc dị tật bẩm sinh, sàng lọc bệnh lý để loại trừ suy giáp bẩm sinh, tăng sản bẩm sinh, G6PD thấp, sàng lọc thính lực... Em bé cũng được sàng lọc tim bẩm sinh, trường hợp mắc tim bẩm sinh mức độ nặng có thể can thiệp từ rất sớm, giảm tối đa nguy cơ tử vong, tăng cơ hội được sống khỏe mạnh cho trẻ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong sơ sinh, trong đó sinh non cùng các bất thường bẩm sinh chiếm tỷ lệ 34%. Mỗi năm thế giới có khoảng 15 triệu ca sinh non, khoảng 1 triệu trong số đó không may mắn vượt qua lưỡi hái tử thần.

Do đó, Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê nhấn mạnh, ngay từ khi có dấu hiệu mang thai, hoặc thai kỳ nguy cơ cao, thai phụ cần được quản lý thai kỳ thật tốt. Cụ thể là, có chế độ dinh dưỡng khoa học, thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, thường xuyên kiểm tra, khám thai định kỳ và lựa chọn sinh nở tại những cơ sở y tế uy tín, đầy đủ trang thiết bị. Đây được xem là những việc làm quan trọng không chỉ giúp thai phụ phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sinh non, mà còn can thiệp kịp thời tránh những rủi ro cho sức khỏe của mẹ và bé.