Từ đầu tháng 9 tới nay nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động để hút vốn. Thanh khoản căng thẳng tạm thời, nhu cầu vốn để đẩy mạnh cho vay sau khi được nới room và đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn kể từ đầu tháng 10 được cho là những nguyên nhân chính khiến cho các nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm.
Theo dõi trong hệ thống cho thấy, nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, qua các đợt điều chỉnh khác nhau, hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất từ 0,3% cho đến 1%/năm ở nhiều kỳ hạn. Có những nhà băng tăng đồng loạt cả các kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần, đồng thời điều chỉnh cao lãi suất ở các kỳ hạn dài để tăng sức cạnh tranh.
Bên cạnh hình thức hút tiền gửi truyền thống tại quầy, các ngân hàng đặc biệt đẩy tăng mức cộng lãi suất cho khách khi gửi online. Mức chênh lệch giữa tại quầy và online phổ biến là 0,1 – 0,3%/năm, cá biệt có một số nơi mức chênh tới 0,7 – 0,8%.
Chẳng hạn tại Sacombank, đối với các tài khoản tiết kiệm mở trên kênh trực tuyến qua eBanking, Sacombank pay, lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng cao kịch trần 4%/năm. Các kỳ hạn 6 tháng trở lên dao động từ 5,9% cho đến 7%/năm và cao hơn 0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn so với gửi tại quầy.
Tại HDBank, khi gửi tiết kiệm qua Internet Banking và Mobile Banking, chỉ cần từ 1 triệu đồng trở lên đã có thể hưởng lãi 4%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 6,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Các kỳ hạn dài hơn lãi suất dao động từ 5,9% đến 6,4%/năm.
Hay tại Ngân hàng Bản Việt, sau khi tăng đồng loạt 0,3% lãi suất từ hôm 8/9 tới nay, lãi cao nhất khi gửi online ở nhà băng này là 7,3%/năm. Riêng “tháng vàng ưu đãi” từ nay đến 07/10/2022 khi gửi tiền kỳ hạn 6 và 12 tháng, khách hàng còn được hưởng lãi suất cao hơn 0,3%/năm so với thông thường. Ngoài ra, khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại Bản Việt, mức gửi từ 50 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ nhận ngay quà tặng là ba lô học sinh hoặc bình nước Lock&Lock.
VietinBank trong khi đó triển khai chương trình cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay, lãi suất cao nhất tại VietinBank đã lên đến 6,1%/năm.
LienVietPostBank trong khi đó áp dụng đối với tiền gửi tiết kiệm online trên Lienviet24h lãi suất dao động trong khoảng từ 4% đến 6,9%/năm. Các kỳ hạn đều có lãi suất online cao hơn tại quầy, mức chênh dao động từ 0,2 đến trên 1%/năm.
OCB thì áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7%/năm và gửi online cũng cao hơn so với gửi thông thường từ 0,1 - 0,4%/năm. Hiện tại kỳ hạn 6 tháng ở nhà băng này đang trả lãi 6,6% và kỳ hạn dài hơn là 6,8 - 7%/năm. Ngoài lãi suất, OCB còn triển khai các hình thức tiết kiệm online thuận tiện cho khách hàng, ví dụ loại hình tiết kiệm linh hoạt OMNI Flex cho phép khách hàng tùy chọn ngày đến hạn linh hoạt theo nhu cầu, không cần tròn tháng/quý/năm mà vẫn nhận đầy đủ tiền lãi có kỳ hạn cho số ngày gửi thực tế. Còn khi đăng ký loại hình tiết kiệm tích lũy điện tử, khách hàng có thể gửi góp nhiều lần vào sổ tiết kiệm trong suốt kỳ hạn gửi với lãi suất được thả nổi, không giới hạn số lần nộp tiền.
Với các hình thức nhận lãi, tại tất cả các ngân hàng mà chúng tôi khảo sát đều ghi nhận lãi suất cuối kỳ cao hơn so với lãi trước hoặc lãi hàng tháng, hàng quý, mức chênh lệch phổ biến từ 0,3 – 0,8%, thậm chí là hơn 1%/năm.
Và ở nhiều ngân hàng, khi khách hàng gửi số tiền lớn hoặc khách hàng ưu tiên (VIP) còn được hưởng lãi suất cao hơn nữa so với mức công khai trên bảng lãi suất, tùy thuộc số tiền và kỳ hạn gửi, thậm chí là tùy vào mức "đàm phán" của khách với nhân viên ngân hàng. Chẳng hạn ở Techcombank và VPBank, khách VIP sẽ được cộng thêm 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho khách hàng thông thường.