Vào ba tháng cuối thai kỳ, do thay đổi nội tiết và khoang tử cung mở rộng nên mẹ bầu sẽ phải đối mặt với những khó chịu nhất định. Đa số những triệu chứng đó không quá nghiêm trọng, sau khi sinh con, các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất. Tuy nhiên, chúng lại gây ra nhiều cảm giác khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của thai phụ.

1. Chảy máu chân răng

Triệu chứng: Cuối thai kỳ, thậm chí ở tam cá nguyệt thứ hai, thai phụ có dấu hiệu chảy máu chân răng, đặc biệt là sau khi đánh răng xong.

Xử lý: Chú ý vệ sinh răng miệng để bảo vệ khoang miệng, giúp khoang miệng luôn được khỏe mạnh. Sau khi ăn nên làm sạch răng bằng bàn chải đánh răng. Ngoài ra, ăn uống đầy đủ chất cũng giúp mẹ bầu có răng chắc khỏe.

2. Ợ nóng

Triệu chứng: Phụ nữ có thai rất dễ bị ợ nóng. Nguyên nhân là do một số hormone tăng cao trong thai kỳ làm chậm quá trình tiêu hóa, dịch vị axit được tiết ra trong dạ dày nhiều hơn. Ngoài ra, vào giai đoạn cuối thai kỳ, tử cung chứa em bé ngày càng to nên chèn ép vào dạ dày, làm tăng khả năng axit bị đẩy lên thực quản. Triệu chứng này sẽ càng nặng hơn vào những tháng cuối thai kỳ. Mẹ bầu sẽ có cảm giác nôn nao, nóng rát ở lồng ngực và chua trong miệng, khi xảy ra vào ban đêm chứng ợ nóng có thể khiến cho thai phụ mất ngủ.

Xử lý: Thai phụ nên tránh ăn những thực phẩm có độ béo cao, chiên dầu mỡ, món mặn hay những đồ uống có nhiều axit, đồng thời lựa chọn thức ăn dễ tiêu. Ăn ít và chia nhỏ bữa ăn cũng giúp làm giảm áp lực lên dạ dày và hệ tiêu hóa, từ đó giảm bớt ợ nóng.  

Nếu bạn bị ợ nóng quấy rầy vào ban đêm thì việc sử dụng một chiếc gối kê cao đầu, uống 1 ly sữa ấm trước khi đi ngủ sẽ rất hiệu quả. Tuyệt đối, không được ăn quá no trước khi đi ngủ. 

Giúp mẹ bầu tiêu diệt 9 khó chịu nảy sinh cuối thai kỳ 1

3. Táo bón

Triệu chứng: Chất thải khi đi tiêu bị khô cứng, khó đi, đồng thời số lần đi tiêu ít hơn bình thường.

Xử lý: Ăn các loại thực phẩm nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Bất cứ khi nào bạn có “nhu cầu” thì nên đi vào nhà vệ sinh ngay chứ không cố gắng “nhịn” để làm cho xong việc. Khi bổ sung viên sắt, nên dùng sau bữa ăn và uống nhiều nước.

Ngoài ra ngồi nhiều cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón, vì thế bạn nên cố gắng di chuyển nhiều hơn. Nếu bị táo bón lâu ngày không khỏi thì bạn cần phải gặp bác sỹ để có lời khuyên tốt nhất.

4. Chuột rút

Triệu chứng: Chuột rút thường xảy ra vào ban đêm, và đặc biệt với thai phụ ít vận động. Thai phụ trong 3 tháng cuối thai kỳ có nguy cơ bị chuột rút thường xuyên hơn do áp lực của tử cung mở rộng chèn lên các mạch máu dẫn xuống chân, chặn các dây thần kinh dẫn từ thân đến chân, khiến chân bị chuột rút. Một nguyên nhân nữa là do cơ bắp của đôi chân mệt mỏi khi phải mang theo một trọng lượng lớn trên cơ thể.

Xử lý: Xoa bóp bắp chân hoặc chân khi bị co cơ đau đớn. Để cải thiện lưu thông máu, bạn nên chịu khó đi bộ thường xuyên hơn. Tập nhẹ nhàng các bài thể dục như co duỗi chân, tay, xoa bóp hai bên mắt cá chân theo chiều kim đồng hồ. Những bài tập này sẽ giúp các bà bầu có được giấc ngủ sâu và ngon hơn, đề phòng chuột rút vào ban đêm. Ngoài ra, nên bổ sung thêm canxi và vitamin D.

5. Đi tiểu thường xuyên

Triệu chứng: Thường xuyên đi tiểu.

Xử lý: Để tránh hiện tượng đi tiểu nhiều vào đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ thì mẹ bầu nên hạn chế uống nước vào buổi tối, đặc biệt không nên uống nước sau 22h. Tuy nhiên, ban ngày bạn cần phải thường xuyên uống nước để cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể và thai nhi.

Nếu thấy buồn tiểu, bạn cần đi ngay và không nên nhịn quá lâu, không những gây tác động lên thận mà còn có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một mẹo nhỏ khác là: khi đi tiểu, bạn hãy ngả người về phía trước một chút để giúp làm trống bàng quang hoàn toàn. Nếu bạn cảm thấy đau khi đi tiểu, có thể bạn bị nhiễm trùng và cần đến bác sỹ để điều trị.

6. Són tiểu

Triệu chứng: Nhiều thai phụ bị rò rỉ nước tiểu ngay cả khi cười, ho, hắt hơi hay thậm chí là cúi xuống nhấc đồ vật.

Xử lý: Duy trì các bài tập đáy xương chậu trong quá trình mang thai. Luyện tập cũng là cách giúp bạn nhanh khôi phục vóc dáng sau khi sinh. Không nên để bàng quang đầy nước, khi thấy tưng tức bụng, bạn nên đi vệ sinh. Nói như vậy không có nghĩa là bạn hạn chế uống nước vì thiếu nước sẽ gây hại cho sức khoẻ của mẹ và bé.  

Nếu bị són tiểu thường xuyên, mẹ bầu nên chọn quần lót có độ thấm hút cao và thay quần lót thường xuyên. Tránh dùng băng vệ sinh liên tục vì nó sẽ khiến vùng kín bị bí hơi, gây viêm nhiễm. Nên trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng són tiểu nằm ngoài tầm kiểm soát.


7. Mất ngủ

Triệu chứng: Ngủ không sâu, khó ngủ trở lại sau khi bị thức dậy. Một số thai phụ còn bị ảnh hưởng tâm lý bởi những giấc mơ xung quanh thai nhi.

Xử lý: Đọc sách, vận động nhẹ nhàng hoặc tắm nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn có giấc ngủ tốt hơn. Cố gắng đặt chiếc gối kê ở phần bụng khi nằm nghiêng và đặt gối giữa hai đùi để tư thế ngủ được dễ chịu và thoải mái.

Giúp mẹ bầu tiêu diệt 9 khó chịu nảy sinh cuối thai kỳ 2

8. Tăng tiết dịch âm đạo

Triệu chứng: dịch âm đạo xuất hiện nhiều hơn bình thường.

Xử lý: Bạn có thể vệ sinh vùng kín mỗi ngày 2-3 lần với nước sạch. Tránh sử dụng xà phòng hoặc nước hoa để khử mùi âm đạo. Không thụt rửa và cũng tránh vệ sinh quá nhiều vì làm thế nghĩa là bạn đang rửa đi hết những vi khuẩn khỏe mạnh (lớp bôi trơn bảo vệ bề mặt thành âm đạo) đẩy môi trường âm đạo vào thế mất cân bằng. Khi đó, mẹ bầu dễ bị nhiễm khuẩn âm đạo.

Nếu bạn cảm thấy ngứa, đau hoặc dịch tiết có mùi thì cần phải thăm khám bác sỹ để điều trị đúng hướng.

9. Đổ mồ hôi

Triệu chứng: Đổ mồ hôi nhiều khi những việc không cần gắng sức, hoặc thức giấc nửa đêm vì cảm giác nóng bức và mồ hôi vã ra như tắm.

Xử lý: Bạn nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để bổ sung chất điện giải và nước đã bị mất đi do mồ hôi. Tránh hoạt động thể lực quá nhiều, đề phòng ra nhiều mồ hôi hơn nữa. Mẹ bầu nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu cotton dễ thấm, hút mồ hôi.

Thai phụ khi ra nhiều mồ hôi không được thổi thẳng quạt điện hoặc mở điều hoà trong thời gian dài, có thể sẽ dẫn đến cảm lạnh hoặc cơ thể mệt mỏi. 



Lông mu dày hơn, âm hộ tối màu... và rất nhiều thay đổi ở vùng kín mẹ bầu khó mà lường trước được khi mang thai.
Giúp mẹ bầu tiêu diệt 9 khó chịu nảy sinh cuối thai kỳ 3