Liên quan tới 2 vụ việc học sinh tử vong khi đi dã ngoại, giám đốc một công ty du lịch cho biết, đơn vị lữ hành không dễ dàng để vào được các trường đưa học sinh đi dã ngoại trải nghiệm và học tập thực tế nếu không được nhà trường "bật đèn xanh".
Theo tiết lộ của vị lãnh đạo trên, trong một số trường hợp công ty du lịch còn phải tiếp cận cá nhân của trường hoặc phòng giáo dục, chấp nhận trả % hoa hồng hợp đồng du lịch hoặc tài trợ các chương trình khác để được chấp thuận tổ chức đưa học sinh đi dã ngoại.
Với nhiều năm làm trong nghề lữ hành, vị giám đốc này cho hay, trong trường hợp không may xảy ra tai nạn như 2 trường hợp mới đây ở Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch Đại Nam thì công ty du lịch "chỉ đen thôi" chứ họ không quyết định điểm đi ngoại khóa của học sinh nhà trường. Bởi vì thông thường, người quyết định địa điểm là hiệu trưởng.
Ở vụ việc tại Đảo Ngọc Xanh, vị giám đốc này cho rằng trách nhiệm chính thuộc về đơn vị quản lý khu du lịch vì mắc lỗi sai sót trong công tác bảo dưỡng, bảo trì hệ thống tàu lượn.
“Có thể sau thời gian dài dịch Covid- 19 không có hoặc ít khách, gần đây một số trường mới bắt đầu triển khai hoạt động ngoại khoá sau khi kết thúc học kỳ một, do đó, chỉ một chút lơ là trong công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống là có thể xảy ra sự cố”, vị giám đốc này nói.
Vị này nhấn mạnh: “Tôi cho rằng lỗi chính không phải do công ty du lịch, không phải do hiệu trưởng, cũng không phải do Sở hay Phòng giáo dục mà lỗi chính ở đây là đơn vị quản lý Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh. Công ty lữ hành, hiệu trưởng nhà trường, hội phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm và hướng dẫn viên du lịch sẽ là những đơn vị, cá nhân có trách nhiệm liên đới”.
Ngoài ra, vị giám đốc còn cho biết thông tin, nhiều khu du lịch hiện nay lắp đặt thiết bị vui chơi giá rẻ nên kém an toàn hơn thiết bị nhập khẩu từ châu Âu.
Nỗi đau trùm lên ông nội của em L.T.A. (17 tuổi, học sinh tử vong trong vụ tai nạn tàu lượn ở Thú Thọ) chỉ trong 7 tháng, ông đã mất con trai rồi đến cháu nội.
Hoạt động dã ngoại có thực sự vì học sinh?
Chị Nguyễn Hà Phương (phụ huynh có con học lớp 12 ở Cầu Giấy, Hà Nội) cảm giác bất an kèm bức xúc khi đọc tin về vụ việc học sinh tử vong khi đi dã ngoại. Chị cho biết, như thành thông lệ, cứ sau thi học kỳ, gần Tết và kết thúc năm học… là học sinh sẽ được tổ chức đi tham quan dã ngoại.
“Hoạt động này có thực sự ý nghĩa không, có thực sự vì học sinh không hay chỉ nhằm mục đích “tăng thu” cho nhà trường và các công ty du lịch? Phụ huynh không được quyền lựa chọn góp ý điểm đi mà hoàn toàn do nhà trường thông báo và gần như bắt buộc các con phải tham gia”, chị Hà Phương bức xúc nói.
Theo chia sẻ của chị Hà Phương, có năm mùa đông, trời giá rét nhưng nhà trường lại tổ chức cho con chị đi một khu vui chơi lớn nổi tiếng ở Quảng Ninh. Khi chị thắc mắc trời lạnh sao đi ra biển thì được Ban phụ huynh giải thích "có khu vui chơi rồi".
Thậm chí hồi đầu năm học này, học sinh lớp con chị còn đùng đùng đòi tổ chức đi một khu du lịch tận Miền Trung để... chụp ảnh kỷ yếu.
“Tôi kiến nghị với ban phụ huynh là có thể tổ chức cho các con lên Ba Vì hoặc quanh Hà Nội cũng có rất nhiều nơi chụp hình đẹp thì các bác ấy nói đi Ba Vì "không có chỗ cho các con chơi".
Rất lạ là ban phụ huynh đều gợi ý cho lớp đến những khu du lịch vui chơi, giải trí chứ không phải khu nghỉ dưỡng”, chị Hà Phương chia sẻ.
Lo sợ rủi ro khi cả lớp các con cuối cấp đi xa, đến khu vui chơi mạo hiểm, vị phụ huynh này buộc phải "rắn mặt" cả với ban phụ huynh khi nêu câu hỏi "Ai dám đảm bảo an toàn cho các con khi đi chơi xa, tham gia các trò chơi mạo hiểm mà không có bố mẹ đi cùng?".
“Tôi nói với các bác, các con năm nay lớp 12, nghỉ chơi một lần cũng không chết, nhưng xảy ra chuyện các con lỡ cả một đời, thậm chí có thể mất con vĩnh viễn… Lúc ấy chuyến đi mới được huỷ bỏ. Nhưng từ đó, giáo viên chủ nhiệm cũng không còn cập nhật tình hình học tập của con bé cho tôi nữa”, chị Hà Phương cho hay.