- Chồng ơi, hôm nay cuối năm vợ chồng mình dọn nhà nhé? Anh quét mạng nhện còn em dọn bếp.
- Ơ, em không nói sớm. Hôm nay anh đi ăn tất niên với cơ quan rồi. Khổ thân vợ, vậy vợ dọn trước đi rồi còn bao nhiêu chồng về làm nốt nhé!
Khoan đã, đoạn hội thoại kinh điển của ngày chị em có thấy quen không? Vốn tôi cũng qua thời sinh viên ở ký túc xá với các thánh lười, giờ mới thấy kinh nghiệm không bằng trải nghiệm xương máu. Chồng đại lười cũng phải quy hàng trước mánh lới của tôi, tôi kể các chị nghe:
1. Chồng lắm đồ ư? Dọn, dọn sạch bằng hết!
Càng nhiều đồ thì càng giỏi bày. Hồi mới cưới chồng tôi có 10 cái áo sơ mi, mỗi ngày mặc một cái. Đi kèm với sơ mi là 6 đôi tất và 6 chiếc quần âu, chưa kể áo phông, quần sooc để trà dư tửu hậu cuối tuần. Nguyên việc sắp tủ quần áo cũng mệt chứ chưa nói đến giặt giũ, phơi phóng. Tôi quyết định dẹp hết.
Ít đồ thì sáng ra anh xã quơ bừa cũng được một bộ, khỏi phải nhăn nhó tìm đồ cùng tông làm gì cho mệt! Những đồ không liên quan tôi thanh lý sạch sẽ, nhẹ đồ - nhẹ người!
2. Tiện ích là trên hết
Tiến trình của chồng tôi khi bước vào cửa là thế này: cởi giày, lột tất và vứt ngay tại chỗ; thoát y và cho chiếc áo nhẹ nhàng hạ cánh trên ghế sofa; lao vào tủ lạnh lấy một lon nước lạnh rồi ngồi an vị trên ghế xem đá bóng. Dọn nhà là cái gì cơ? Anh nghe không hiểu!
Người ta đã đại lười thì các chị càng lớn tiếng càng vô ích!
Tôi bắt đầu đặt tủ giày ở ngay cạnh cửa ra vào, sau đó là cây treo áo đi đường rồi đến các giỏ đựng đồ bẩn được bố trí trong tầm với: cuối giường, cạnh ghế sofa, cạnh bàn ăn, trước cửa nhà tắm… làm thế nào để chồng cảm thấy vứt vào giỏ cũng ngang ngừa vứt ra nhà, thôi thì vứt vào giỏ vậy. Phải tạm hài lòng với những tiến bộ nhỏ nhoi trước đã!
3. Chỉ nhờ vả khi đã no nê mất cảnh giác
“Hôm nay em rửa bát thì anh phải nấu cơm, em giặt đồ thì anh hãy phơi quần áo, em đón con thì anh lau nhà…” Không, các chị đừng dại mà độc tài như vậy. Muốn chồng hết lười thì phải nhờ từ việc nhỏ đến việc lớn, mưa dầm thấm lâu chứ đừng bộp một cái đã chia việc thì hỏng hết.
Các ông chồng rất tỉnh trước những lời ngọt nhạt nhờ vả của chị em nên phải đổi cách, không qua tai thì ta qua bụng! Nấu cho chồng ăn uống phủ phê nằm hưởng thụ rồi thủ thỉ “dọn giúp mình cái tủ lạnh” hoặc “lau giúp mình mấy cái đĩa”. Lần một chưa được thì lần năm lần bảy, đã xác định lạt mềm buộc chặt thì phải thực sự kiên nhẫn.
Cứ nhè những lúc ăn uống no say, sướng cái bụng là mất cảnh giác, rồi thì hắn sẽ thấy lau đĩa cũng không sao lắm, dần dà chị em nâng độ khó lên rửa bát, dọn bếp cho quen dần. Đây không chỉ là chữa bệnh lười, đây là thiết lập thói quen!
4. Tuyệt đối không ngứa mắt làm hộ
Có hôm chồng tôi vào bếp quần thảo vài tiếng mà số bát đũa nồi niêu bày ra phải bằng tôi nấu hai mâm cỗ. Cuối cùng hai vợ chồng ngồi ăn thịt luộc chấm tương! Biết là bày bừa nhưng tôi vẫn không nhúc nhích, kiên định ngồi quan sát.
Bệnh ngứa mắt là căn bệnh trầm kha của các chị em nhà mình. Vừa dọn vừa phàn nàn, tai liền miệng, tự nói tự nghe. Một là kiên định ngồi thiền huấn luyện như trên, nếu không, đồ chưa giặt thì dứt khoát đi mua đồ mới, nhà chưa quét thì đi mua máy hút bụi, bát chưa rửa thì mua đồ thật ngon về ăn chứ đừng xuống nước đi rửa bát. Làm nhiều quen tay, lười nhiều ví lép, dễ hiểu mà chồng nhỉ?
5. Lời nói dối vô hại
Sau những bài huấn luyện trầy da tróc vảy thì tiếc gì mà không tặng cho anh xã vài lời khen? Thời gian đầu nhờ chồng bóc tỏi thì lão bóc hành, đến khi lão biết xào rau muống với tỏi đã là kỳ tích tuyệt đỉnh rồi ấy chứ. Khen chồng học nhanh, tiến bộ, làm khéo… hơn cả vợ cũng được luôn. Hãy nhớ quy tắc bánh kẹp: khen-chê-khen, cứ đan xen mềm rắn kết hợp thì chồng nào nỡ trơ như gỗ đá các chị nhỉ?
Trị chồng lười thì các chị em phải xác định là trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi. Còn chần chừ gì nữa? Hãy bắt tay huấn luyện chồng ngay đi thôi!