Mới đây, trên một hội nhóm khá nổi trên mạng xã hội, một topic của quý cô 23 tuổi có nội dung tự thú: "23 tuổi chưa phân biệt được đâu là cá chép, cá trắm, cá trôi. Các chị đẹp hãy nói rằng em không cô đơn đi" đã hút sự chú ý đông đảo của rất nhiều chị em.
Theo đó, rất nhiều bà nội trợ trẻ đã đồng tình với lời thú nhận trên. Họ cho rằng dù đã để ý kỹ nhưng vẫn chưa biết cách phân biệt được 2 loại cá chép, cá trắm, cá trôi khi đi chợ. Ngược lại, họ giao phó hết cho người bán hàng chọn hộ để rồi nhiều lúc ngậm ngùi nhận lại nhiều cú lừa ngoạn mục và tinh vi tráo đổi cá của người bán.
Chính bởi thế, nếu đang nằm trong danh sách những bà nội trợ chưa biết cách phân biệt rõ 3 loại cá phổ biến trên, các chị em hãy nắm rõ những mẹo đi chợ sau sẽ giúp cho kỹ năng chọn cá chép, cá trắm, cá trôi thêm sành sỏi để không bao giờ bị lừa gạt hay chặt chém.
Là một người thích ăn cá nên bà nội trợ Nguyễn Thảo Nguyên, 35 tuổi ở Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội thường xuyên đi chợ mua các loại cá sông tươi về chế biến cho gia đình ăn. Theo chị Nguyên cho biết, cả nhà chị thích ăn cá sông tươi hơn hẳn cá biển hay cá nước lợ. Bởi thế tuần ít nhất 3 lần nhà chị Nguyên ăn cá.
"Khi mua cá, mình thích chọn cá chép, cá trắm, cá trôi. Nhiều khi mình chọn cả cá mè, cá rô đồng hoặc rô phi về ăn rất ngon. Cá có thể chế biến rất nhiều món ngon. Chẳng hạn như nấu canh chua cá, chả cá, cá rán, cá nướng, cá om dưa đều rất đưa miệng và bổ dưỡng", chị Nguyên khẳng định.
Theo bà nội trợ 35 tuổi này tiết lộ, khi mua các loại cá trôi, cá trắm, cá chép, người không thông thạo dễ bị lầm tưởng là một. Song thực tế, những loại cá này rất khác biệt nhau về hình thức. Bởi thế chỉ cần chú ý những đặc điểm sau là sẽ chọn đúng được loại cá như ý muốn:
Cách chọn cá chép
Cá chép thường cỡ trung bình, thân dày, miệng khá rộng. Có 2 đôi râu lớn. Mõm tù, khá dài. Trên mõm có nhiều u thịt nhỏ nhô lên làm cho môi trở nên ráp.
Mắt lớn, khoảng cách 2 mắt khá rộng. Vây lưng có khởi điểm trước khởi điểm vây bụng.
Cá có vảy lớn. đường bên hoàn toàn, phần trước hơi lõm xuống, phần sau đi vào giữa cán đuôi. Lưng có màu sẫm, bụng trắng nhạt.
Để mua được đúng cá chép sông, chị Nguyên lúc nào cũng chọn những con cá chép mình dài, đầu nhỏ. Tuyệt đối không chọn những chú cá chép tròn ủng vì đó là cá chép nuôi.
"Lúc mua, bạn nên nhớ chọn cá chép cái. Những con cá chép cái dài hơn, dày hơn, đảm bảo sẽ ngọt thơm hơn. Không ham chọn con cá chép nặng ký. Bởi lẽ cá nuôi rất nhanh lớn, ruột to, nhiều mỡ nên bụng tròn, nhưng thịt lại không ngọt, không chắc do ăn nhiều thức ăn công nghiệp và thời gian sinh trưởng chưa lâu. Cũng không nên chọn cá chép có trứng vì cá có trứng thường rất gầy, ít thịt", chị Nguyên nhận định.
Ngoài ra, theo bà nội trợ này, những chú cá chép thường có vảy to, thân có màu hơi vàng, đầu có râu. Một chú cá chép thường nặng từ 4 lạng đến 1,5kg. Cá chép được bán trên thị trường với giá từ 55-75 ngàn đồng/kg.
Cách chọn cá trôi
Cá trôi có thân cân đối, dẹp bên, thuôn dần về phía đuôi. Đầu múp, dài vừa phải. Mõm tù, hơi nhô ra, không có đường gấp nếp. Miệng ở phía trước và kế dưới, hình vòng cung. Rạch miệng nông, chỉ tối đường thẳng giữa mõm và mũi.
Viền môi trên và dưới phủ lớp thịt có tua khía hoặc gai thịt xếp thành hàng. Hàm dưới phủ chất sừng. Môi dưới và hàm dưới có rãnh ngăn cách. Rãnh sau môi hoàn toàn và liên tục. Có hai đôi râu, một đôi râu nhỏ ở góc hàm và một đôi râu mõm rất nhỏ.
Mắt vừa phải, nằm ở hai bên và phần trước của đầu. Khoảng cách mắt rộng, khum. Đỉnh đầu nhẵn.Lỗ mũi ở gần mắt hơn mút mõm. Màng mang hẹp, liền với eo.Cá trôi có hình dáng bề ngoài giống cá trắm nhưng cá trôi mình bé hơn và thân màu đen. Cá trôi cũng có giá rẻ hơn cá trắm, khoảng từ 40-65 ngàn đồng/kg. Cá trôi thường có cân nặng từ 8 lạng đến 2kg.
"Người mua có thể quan sát vẻ ngoài của cá để kiểm tra xem cá còn tươi hay không. Thông thường, những chú cá trôi tươi thì mắt cá còn sáng và rất linh hoạt. Phần vảy của cá trôi được xếp chặt khít, không bong tróc và vảy còn sáng bóng", chị Nguyên tiết lộ.
Cách chọn cá trắm
Cá trắm nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy có 2 loại cá trắm là cá trắm đen và cá trắm cỏ. Cá trắm cỏ thường nặng từ 1-3kg. Còn cá trắm đen thường nặng từ 3-5kg. Để phân biệt được rõ là cá trắm hay không và là trắm cỏ hay trắm đen, theo bà nội trợ này có thể dựa vào những dấu hiệu sau:
Thân cá trắm cỏ thon dài và có dạng hình trụ, bụng tròn, thót lại ở gần đuôi; chiều dài lớn gấp 3,6-4,3 lần chiều cao của thân và gấp 3,8-4,4 lần của chiều dài đầu; chiều dài của đuôi lớn hơn chiều rộng của nó; đầu trung bình; miệng rộng và có dạng hình cung; hàm trên dài rộng hơn hàm dưới, phần cuối của nó có thể sát xuống phía dưới mắt.
"Cá trắm nói chung có thân đen hay màu vàng trà, mồm nhọn hoặc tròn. Hình dáng bề ngoài của cá trắm to hơn hẳn cá trôi gấp đôi. Ngoài ra, giá của cá trắm đen hay trắm cỏ đều cao hơn cá trôi. Hiện nay, cá trắm đen đang có giá từ 180.000-300.000đ/kg; trắm cỏ có giá từ 80.000-110.000đ/kg. Nói chung chỉ cần phân biệt cá trắm đen và trắm cỏ chủ yếu dựa vào màu cơ thể và hình dạng mồm là phân biệt được", chị Thảo Nguyên chia sẻ.
Riêng với cá trắm đen thường có thân cá dài, có dạng ống tròn, môi nhọn, không râu. Lưng của cá có màu đen, bụng cá có màu trắng sữa. Khi mổ cá, thịt của cá trắng và chắc, xương dăm to nhưng ít.
Ngược lại, cá trắm cỏ thân cá dài, có dạng ống tròn, mồm tròn, không râu, lưng có màu thẫm. Toàn thân của trắm cỏ có màu vàng bìa, bụng có màu trắng tro, thịt mềm, xương ít.
Ngoài cách chọn cá trên, bà nội trợ 35 tuổi trên cũng lưu ý bà nội trợ cách để chọn cá ngon: "Dù là mua cá chép, trôi, hay trắm, bạn nên chọn những chú cá tươi, còn tung tăng bơi lội trong chậu. Tuy nhiên cá bơi không được lật bụng, mang cá đỏ, mắt trong, vảy không trầy xước là cá ngon".
Nếu mua cá cắt khúc bán sẵn, chị Nguyên cũng khuyên bà nội trợ nên thật trọng để không mua phải cá đã chết trước đó: "Bạn nên đòi người bán cắt khúc một con cá lớn khác, đang bơi trong chậu để bán cho mình. Hoặc chỉ ăn khúc của những con cá mà phần thân vẫn gắn với phần đầu và miệng cá, mang cá vẫn đang thở. Những khúc cá như vậy mới là cá tươi sống".