Không có gì ngạc nhiên khi phụ huynh biết rằng, kiên nhẫn không hề dễ dàng đối với trẻ em. Đặc biệt, trẻ ngày càng đối mặt với nhiều thách thức để phát triển kỹ năng này trong thế giới hiện đại. Bởi, trẻ có thể tiếp cận với rất nhiều thứ khiến chúng mong đợi sự hài lòng ngay lập tức.
Trẻ có quyền truy cập Internet liên tục và các dịch vụ truyền hình theo yêu cầu. Trẻ không cần phải chờ xem bức ảnh sẽ trông như thế nào sau khi được rửa. Thay vào đó, trẻ có thể nhìn thấy ảnh của mình ngay trên máy ảnh kỹ thuật số hoặc điện thoại di động. Trẻ có thể liên lạc với cha mẹ mình mọi lúc mọi nơi nhờ nhắn tin.
Bà Michele Borba - nhà tâm lý học giáo dục có trụ sở tại Palm Springs, California (Mỹ), tác giả cuốn sách “Những lý do đáng ngạc nhiên tại sao một số trẻ em đấu tranh và những trẻ khác tỏa sáng”, chia sẻ: “Thực tế mới này lại khiến trẻ phải trả giá bằng việc phát triển khả năng chịu đựng sự chờ đợi, hoặc sự chậm trễ mà không cảm thấy khó chịu”.
Trẻ em sinh ra không có tính kiên nhẫn. Đó là một phẩm chất mà trẻ phát triển theo thời gian. Chuyên gia Borba giải thích, hầu hết trẻ thường được cho là có tính ích kỷ cao vì cả thế giới đều xoay quanh chúng.
Điều này một phần là do cha mẹ và người chăm sóc luôn chú ý đến nhu cầu cũng như sự an toàn của trẻ. Một phần khác là bởi cách não bộ của trẻ hoạt động. Mục đích hướng dẫn trẻ kiên nhẫn là dần giúp bé xây dựng khả năng tự chủ, khi bộ não trưởng thành và phát triển.
Trong khi đó, theo bà Pamela Cole - Giáo sư Tâm lý học và phát triển con người tại Trường Đại học bang Pennsylvania (Mỹ): “Chúng ta sống trong một thế giới xã hội. Trong khi đó, chúng ta không thể có mọi thứ mình cần ngay lập tức. Đó là lúc chúng ta cần có sự kiên nhẫn và tự chủ. Những năm từ khi mới biết đi đến lúc học mẫu giáo là thời điểm rất quan trọng để phát triển tính kiên nhẫn ở trẻ”.
Bà Pamela Davis-Kean, Giáo sư Tâm lý học tại Trường Đại học Michigan (Mỹ) cho rằng, khi lên 6 hoặc 7 tuổi, trẻ có thể bắt đầu suy nghĩ về hành vi của chính mình, cũng như hậu quả của hành vi đó. Đồng thời, trẻ cũng sẽ hiểu rõ hơn về khái niệm kiên nhẫn.
Theo chuyên gia này, kiên nhẫn là tên gọi khác của sự tự điều chỉnh, cả về hành vi và cảm xúc.
Trường học được coi là nơi chính để trẻ học tính kiên nhẫn. Lý do thông thường là vì trẻ phải xếp hàng chờ đợi và thay phiên nhau. Tuy nhiên, thực tế, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn.
Các chuyên gia cho rằng, điều đó đáng để nỗ lực vì một đứa trẻ kiên nhẫn là một đứa trẻ hạnh phúc hơn. Khi đó, trẻ cũng sẽ bớt căng thẳng, tự chủ tốt hơn và ít đưa ra những quyết định hấp tấp.
Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy, khi mọi người tăng khả năng kiên nhẫn, họ sẽ ít có nguy cơ trầm cảm hơn. Thay vào đó, những người kiên nhẫn sẽ có tâm trạng tích cực hơn.
Các chuyên gia đã gợi ý những biện pháp để cha mẹ giúp con rèn luyện tính kiên nhẫn:
Chơi các trò đòi hỏi sự kiên nhẫn
Theo chuyên gia Borba, các trò chơi ngoài trời như Red Light, Green Light hoặc Mother, May I? giúp trẻ học khi nào nên hành động và lúc nào nên chờ đợi.
Trong khi đó, các trò chơi như Go Fish hoặc board game bao gồm Candy Land hay Chutes and Ladders là những cách tuyệt vời để giúp trẻ học cách chờ đến lượt và xử lý sự thất vọng.
Chuyển hướng sự chú ý của trẻ
Ví dụ, để giúp trẻ kiên nhẫn khi xếp hàng chờ đợi, cha mẹ hãy tạo sự xao lãng bằng việc cùng con tham gia trò chơi dùng tay hoặc hát một bài.
Sohaib Hasan - người sáng lập nền tảng giáo dục OhMyClassroom.com chia sẻ, con gái gần 3 tuổi của ông thường tỏ ra bực bội khi chờ đến lượt ở sân chơi.
Hiện là cha của ba cô con gái ở Karachi (Pakistan), ông Hasan cho biết: “Trong những tình huống như vậy, chúng tôi sẽ tham gia vào một hoạt động thú vị như đếm chim hoặc tìm hình dạng của đám mây. Điều đó khiến thời gian chờ đợi trở nên thú vị hơn và giúp trẻ đối phó với sự thiếu kiên nhẫn”.
Các nghiên cứu phát hiện, việc sử dụng kỹ thuật rèn luyện sự chú ý sẽ cải thiện khả năng trì hoãn sự hài lòng của trẻ. Trong đó, bao gồm tập trung sự chú ý vào các âm thanh khác nhau trong không gian để chuyển hướng sự chú ý khỏi cảm xúc.
Hãy làm gương kiên nhẫn khi thất vọng
Đôi khi, người lớn cũng phải đấu tranh với sự kiên nhẫn. Bà Kimberly Cuevas - Phó Giáo sư Khoa học tâm lý tại Trường Đại học Connecticut (Mỹ), cho biết: “Sự khác biệt là khi trưởng thành, chúng ta có một bộ công cụ giúp mình kiên nhẫn. Với tư cách là cha mẹ, bạn có thể làm mẫu cách sử dụng những công cụ này. Hãy hít một hơi thật sâu trước khi hành động trong lúc chán nản. Hoặc, hãy tận dụng thời gian tham gia giao thông để nghe nhạc êm dịu, hay suy nghĩ về kỳ nghỉ tiếp theo của mình”.
Các chuyên gia cho biết, hành vi này có thể truyền cảm hứng cho trẻ làm theo sự dẫn dắt của cha mẹ trong những tình huống tương tự.
Tạo ra các khoảng nghỉ
Chuyên gia Borba gợi ý, khi đưa ra câu hỏi cần trẻ trả lời nhiều hơn “Có” hoặc “Không”, phụ huynh hãy khuyến khích con đợi ít nhất ba giây trước khi nói đáp án. Cách làm này cho phép trẻ có cơ hội nghĩ ra câu trả lời thích hợp. Đồng thời, việc tạm dừng này còn giúp trẻ kiềm chế sự thôi thúc thốt ra điều đầu tiên xuất hiện trong đầu.
Theo bà Borba, cùng với sự kiên nhẫn, đây là những khía cạnh quan trọng của khả năng tự điều chỉnh.
Dựa vào các phương tiện trực quan
Ví dụ, đưa ra những cách cụ thể để đếm ngược thời gian chờ đợi, chẳng hạn như sử dụng đồng hồ hẹn giờ trong lò nướng hoặc đồng hồ cát, trong khi trẻ đang chờ đồ ăn nhẹ hoặc sự chú ý của cha mẹ. Điều này đặc biệt hữu ích đối với trẻ nhỏ. Bởi, những trẻ ở lứa tuổi này có thể cảm thấy khó hiểu khi phải chờ trong một khoảng thời gian cụ thể.
Yaeli Vogel – nữ phụ huynh tại Long Island (Mỹ) chia sẻ, khi cậu con trai 4 tuổi bắt đầu đòi một món đồ chơi mới, cô đã gợi ý rằng, đó sẽ là một món quà tuyệt vời nhân dịp sinh nhật lần thứ 5 của bé.
Con trai Vogel đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi biết rằng, còn vài tháng nữa mới đến sinh nhật mình. Vì cậu bé liên tục đòi đồ chơi nên Vogel quyết định tạo cho con một biểu đồ mô tả hằng ngày cho đến lúc sinh nhật.
Vogel chia sẻ: “Biểu đồ có những ngày tháng thú vị khác nên cậu bé có động lực để vượt qua, chứ không chỉ đoán trước kết thúc”. Cô cho biết, bên cạnh việc giúp con nhận ra ngày trọng đại đang đến gần, cách làm này còn giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn.
Xác thực cảm xúc của con
Theo chuyên gia Pamela Cole, có thể đôi khi, cha mẹ cần phải thông cảm và nói: “Điều này thực sự khó khăn với con và mẹ xin lỗi”. Đây là một hình thức “huấn luyện cảm xúc”. Cách làm này có thể hiệu quả trong việc giúp trẻ phát triển tính kiên nhẫn, cùng các kỹ năng tự điều chỉnh khác.
Các nghiên cứu phát hiện, việc đưa huấn luyện cảm xúc vào chương trình nuôi dạy con giúp giảm hành vi gây rối của trẻ. Đồng thời, giúp cải thiện mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ.
Thảo luận về kết quả của các quyết định
Tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng diễn đạt cảm xúc của trẻ bằng lời nói, phụ huynh có thể nói về việc liệu con có hài lòng với một lựa chọn cụ thể mà chúng đã đưa ra không. Đồng thời, hỏi trẻ rằng, con có ước mình đã đưa ra một lựa chọn khác hay không.
Một nghiên cứu được công bố năm 2019 trên Tạp chí Tâm lý Trẻ em Thực nghiệm cho thấy, việc cảm thấy hối tiếc về một lựa chọn sẽ giúp trẻ 6 và 7 tuổi học cách trì hoãn sự hài lòng khi chúng phải đối mặt với một lựa chọn tương tự trong tương lai.
Ví dụ, để bắt đầu cuộc trò chuyện, phụ huynh có thể nhận xét xem con cảm thấy thế nào sau khi quyết định tiêu tiền sinh nhật ngay lập tức. Sau đó, hỏi xem trẻ cảm thấy thế nào về quyết định của mình hoặc những gì chúng đã học được. Theo bà Borba, bằng cách khuyến khích kiểu tự suy ngẫm này, cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển khả năng trì hoãn sự hài lòng trong tương lai.
Sử dụng sự củng cố tích cực
Theo các chuyên gia, phụ huynh hãy nhận biết khi nào con kiên nhẫn. Sau đó, nói với trẻ rằng, cha mẹ đánh giá cao điều đó. Cách làm này sẽ giúp thúc đẩy trẻ thực hiện điều đó một lần nữa.
Phụ huynh cũng có thể làm điều này bằng cách nói với bạn bè hoặc một người quen rằng, con mình đã kiên nhẫn như thế nào. Qua đó, giúp trẻ tự hào về hành vi đó. Điều này sẽ khuyến khích trẻ lặp lại hành vi đó trong tương lai.
“Cha mẹ có thể giáo dục con về lòng kiên nhẫn, miễn là bản thân người dạy cũng kiên nhẫn. Phụ huynh sẽ không bao giờ nhận được kết quả ngay lập tức. Cần phải có sự kiên nhẫn và thời gian”, bà Borba nói.
Theo Washington Post