Google dẫn đường gây chết người

Ứng dụng dẫn đường có phải chịu trách nhiệm nếu người dùng gặp tai nạn không?

Đó là câu hỏi đặt ra sau khi ba người đàn ông ở Ấn Độ thiệt mạng do rơi xuống sông khi lái xe trên cây cầu bị sập ở bang Uttar Pradesh hôm 23/11. Các báo cáo cho thấy nguyên nhân tai nạn đến từ việc nhóm người này đi theo chỉ dẫn trên Google Maps.

Một phần của cây cầu đã bị sập vào đầu năm nay do lũ lụt. Trong khi người dân địa phương biết rõ tình trạng nên không sử dụng, ba nạn nhân không nắm được thông tin do đến từ nơi xa. Vấn đề ở chỗ, không có rào chắn hoặc biển báo nào cho biết cây cầu chưa được sửa chữa.

Bắt đền Google Maps - Ảnh 1.

Chính quyền đã nêu tên bốn kỹ sư từ cơ quan đường bộ và một viên chức giấu tên của Google Maps trong đơn khiếu nại về tội ngộ sát. Người phát ngôn của Google cho biết họ đang hợp tác với cuộc điều tra.

Vụ tai nạn thương tâm phản ánh tình trạng cơ sở hạ tầng đường bộ yếu kém của Ấn Độ, đồng thời dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu các ứng dụng dẫn đường như Google Maps có phải chịu trách nhiệm cho những sự cố như vậy hay không.

Một số người đổ lỗi cho ứng dụng vì không cung cấp thông tin chính xác trong khi những người khác lại cho rằng đây là vấn đề của cơ quan chức năng vì không phong tỏa nơi này.

Google Maps là ứng dụng dẫn đường phổ biến nhất ở Ấn Độ, thậm chí được nhiều người coi như đồng nghĩa với GPS (Hệ thống định vị toàn cầu), theo BBC.

Công cụ dẫn đường cung cấp dịch vụ cho nhiều nền tảng chia sẻ chuyến đi, thương mại điện tử và giao đồ ăn. Ứng dụng có khoảng 60 triệu người dùng hoạt động và khoảng 50 triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày.

Nhưng công cụ đến từ gã khổng lồ Google thường xuyên bị chỉ trích vì cung cấp chỉ dẫn không chính xác, đôi khi dẫn đến tai nạn chết người.

Vào năm 2021, một người đàn ông ở bang Maharashtra đã chết đuối sau khi lái xe đâm vào một con đập, được cho là do làm theo chỉ dẫn trên ứng dụng.

Bắt đền Google Maps - Ảnh 2.

Năm ngoái, hai bác sĩ trẻ ở bang Kerala đã tử vong sau khi lái xe xuống sông. Cảnh sát cho biết họ đi theo lộ trình do ứng dụng chỉ ra và cảnh báo mọi người không nên quá phụ thuộc vào Google Maps khi đường bị ngập.

Mới đây, một trường hợp dùng Google Maps gặp tai nạn cũng cũng được ghi nhận ở Việt Nam. Người đàn ông ở Đà Nẵng vì đi theo chỉ dẫn của ứng dụng mà lao xe máy xuống kênh thoát nước.

Vì sao Google Maps chỉ đường sai gây tai nạn?

Google Maps dựa vào tín hiệu GPS từ ứng dụng của người dùng để theo dõi sự thay đổi lưu lượng giao thông dọc theo các tuyến đường.

Ví dụ, khi nhận thấy có nhiều tín hiệu GPS đang sử dụng ở cùng một chỗ tăng lên (nhiều người đang lái xe cùng lúc), Google Maps có thể kết luận rằng cung đường này đang tắc, còn nếu giảm xuống thì là đường đang thông thoáng.

Ứng dụng cũng nhận được thông tin cập nhật từ chính quyền và người dùng về tình trạng tắc đường hoặc tuyến đường nào gặp trục trặc, ngừng sử dụng.

Ashish Nair, người sáng lập nền tảng lập bản đồ Potter Maps và là cựu nhân viên của Google Maps, cho biết các khiếu nại liên quan đến lưu lượng giao thông cao hoặc các khiếu nại do chính quyền thông báo sẽ được ưu tiên hơn vì Google không có đủ nhân lực để giải quyết hàng triệu khiếu nại gửi đến mỗi ngày.

"Sau đó, người vận hành bản đồ sẽ sử dụng hình ảnh vệ tinh, Google Street View và dựa theo thông báo của cơ quan chức năng để xác nhận có thay đổi ở cung đường và cập nhật lại bản đồ", Nair nói.

Theo chuyên gia này, các ứng dụng dẫn đường không thể chịu trách nhiệm về sự cố vì các điều khoản dịch vụ của họ nêu rõ người dùng phải tự đưa ra phán đoán khi lái xe trên đường và thông tin do ứng dụng cung cấp có thể khác với điều kiện thực tế.

Bắt đền Google Maps - Ảnh 3.

Ngoài ra, một nền tảng lớn như Google Maps, quản lý bản đồ trên toàn thế giới, rất khó để theo dõi mọi thay đổi xảy ra trên đường.

Không giống như các quốc gia khác, Ấn Độ không có hệ thống báo cáo kịp thời các vấn đề như vậy.

"Dữ liệu vẫn là một thách thức lớn ở Ấn Độ. Không có hệ thống nào ghi lại những thay đổi về cơ sở hạ tầng rồi đưa lên mạng để các ứng dụng như Google Maps có thể sử dụng. Các quốc gia như Singapore có hệ thống như vậy", Nair cho biết.

Ông nói thêm rằng dân số đông đảo và tốc độ phát triển nhanh chóng của Ấn Độ khiến việc có được dữ liệu chính xác, theo thời gian thực trở nên khó khăn hơn. "Nói cách khác, bản đồ sai sẽ tồn tại cho đến khi chính quyền chủ động hơn trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu".

Quay trở lại câu hỏi liệu ứng dụng chỉ đường như Google Maps có bị coi là thủ phạm của các vụ tai nạn giao thông như vậy không, giới luật sư đưa ra những ý kiến trái chiều.

Luật sư Saima Khan cho biết vì Đạo luật Công nghệ thông tin (IT) của Ấn Độ trao cho các nền tảng kỹ thuật số như Google Maps địa vị là một "bên trung gian" (một nền tảng chỉ truyền bá thông tin do bên thứ ba cung cấp) nên nền tảng này được bảo vệ trước trách nhiệm pháp lý.

Nhưng bà nói thêm rằng nếu có thể chứng minh nền tảng này không chỉnh sửa dữ liệu mặc dù đã được cung cấp thông tin chính xác và kịp thời thì Google Maps có thể bị buộc tội về hành vi cẩu thả.