Các nền tảng số hoạt động tại Australia trong đó có những ông lớn công nghệ như Google và Facebook hôm nay đã quyết định tham gia một bộ quy tắc nhằm ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến nhận thức của những người sử dụng các dịch vụ trực tuyến.
Hôm nay (22/2), những gã khổng lồ trên nền tảng số đang hoạt động tại Australia bao gồm Facebook, Google, Microsoft, Redbubble, Twitter và TikTok đã nhất trí tham gia Bộ quy tắc kiểm soát thông tin sai lệch do Tập đoàn Công nghiệp kỹ thuật số (DIGI) của Australia phát triển. Với việc tham gia Bộ quy tắc này, các đại gia công nghệ số sẽ có trách nhiệm kiểm duyệt để ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch trên nền tảng của mình.
Theo bà Sunita Bose, Giám đốc điều hành Tập đoàn DIGI, việc lan truyền thông tin sai lệch trên internet không phải là vấn đề mới, nhưng trong kỷ nguyên số thông tin sai lệch lan truyền nhanh hơn và rộng hơn so trước đây. Bà Bose cho biết các công ty công nghệ tham gia thỏa thuận cam kết sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để ngăn chặn thông tin sai lệch và có hại, nhưng đồng thời cũng đảm bảo sự cân bằng để bảo vệ quyền riêng tư, tự do ngôn luận và giao tiếp chính trị.
Trong một phát biểu vào hôm nay, ông Paul Fletcher, Bộ trưởng Truyền thông Australia nhấn mạnh, thông tin sai lệch trên internet gây nhiều tổn hại đối với người dùng, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương và trong giai đoạn đại dịch hiện nay. Ông Fletcher cũng cho biết, chính phủ Australia sẽ theo dõi chặt chẽ hiệu quả của việc thực hiện Bộ quy tắc kiểm soát thông tin sai lệch để bổ sung các quy định khi cần thiết.
Bộ quy tắc kiểm soát thông tin sai lệch được phát triển dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) sau khi tiến hành cuộc điều tra về các nền tảng số năm 2019. Chính phủ Australia ủng hộ các khuyến nghị, đồng thời cảnh báo nếu các nền tảng trực tuyến không đáp ứng đầy đủ khuyến nghị của Ủy ban người tiêu dùng và cạnh tranh thì sẽ xem xét ban hành các biện pháp kiểm soát.
Bộ quy tắc được xây dựng nhằm mục đích giúp người sử dụng internet đưa ra lựa chọn sáng suốt trước khi sử dụng các nội dung số, ngăn chặn quảng cáo có vấn đề và cải thiện tính minh bạch của các nền tảng trực tuyến. Bộ quy tắc này cũng bao gồm các cam kết của các bên tham gia trong việc giải quyết các thông tin sai lệch, giả mạo, xấu độc và trách nhiệm xử lý các tài khoản rao bán thông tin sai lệch./.