CEO Grab Anthony Tan chia sẻ virus corona gây ra những tác động sâu rộng tới các doanh nghiệp và nền kinh tế. Chính vì vậy, Grab đang phải thực hiện các bước điều chỉnh để đối phó với những thách thức.
Ngoài việc cắt giảm nhân sự, công ty có trụ sở tại Singapore cũng có kế hoạch loại bỏ một số dự án không cốt lõi, củng cố chức năng và phân bổ lại nhân sự cho các mảng hoạt động mới hơn, chẳng hạn như giao hàng.
"Có thể thấy đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến suy thoái kéo dài và chúng ta phải chuẩn bị cho những gì có thể là một sự phục hồi trong dài hạn. Trong vài tháng qua, chúng tôi đã xem xét tất cả chi phí, cắt giảm chi tiêu không cần thiết và thực hiện giảm lương các quản lý cấp cao. Bất chấp tất cả những điều này, chúng tôi vẫn nhận ra rằng mình phải trở nên gọn gàng hơn trong khâu tổ chức để đối phó với những thách thức của nền kinh tế thời hậu dịch bệnh", CEO Anthony Tan cho biết trong một tuyên bố.
Việc cắt giảm nhân sự ở Grab là rắc rối mới nhất trong số những doanh nghiệp mà SoftBank đầu tư. Masayoshi Son, nhà sáng lập SoftBank, có lẽ là người ủng hộ nhiệt tình nhất cho các công ty xe công nghệ. Son đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào Grab và hàng tỷ USD khác vào Uber và Didi Chuxing.
Grab hiện đang là công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất Đông Nam Á. Doanh nghiệp này đang chuyển sang giao thực phẩm và các dịch vụ khách. SoftBank định giá Grab rất cao với kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, khi tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chịu thiệt hại nặng nề.
SoftBank vừa báo lỗ kỷ lục 12,7 tỷ USD cho năm tài khóa gần nhất. Uber và WeWork là những cái tên đóng góp lớn nhất vào mất mát của SoftBank.
CEO Anthony Tan nói về việc sa thải trong một cuộc họp trực tuyến vào sáng 16/6. Ban đầu, Grab yêu cầu nhân viên nghỉ phép tự nguyện không lương để tránh việc sa thải hàng loạt. Hiện tại, Grab không có kế hoạch đóng cửa bất cứ văn phòng nào.
Hồi tháng 4, Tan từng nói rằng Covid-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Grab phải đối mặt kể từ khi thành lập 8 năm trước. Thời điểm đó, Tan cảnh báo rằng công ty sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc cải thiện chi phí và quản lý vốn. Grab có hơn 7.000 nhân viên trước khi bị sa thải.
Khi nhu cầu gọi xe giảm ở Đông Nam Á, Grab đã cố gắng thay thế bằng một số hoạt động kinh doanh khác như giao thực phẩm, vốn có nhu cầu lớn khi người dân phải ở nhà để giãn cách xã hội. Vào tháng 2, Grab đã huy động được 850 triệu USD nhằm tài trợ cho việc đẩy mạnh các dịch vụ tài chính trong khu vực.
Trong thông báo của mình, Tan cho biết nhân viên Grab sẽ được nhận thư điện tử trước 1 giờ chiều theo giờ Singapore nếu họ nằm trong số những người bị cắt giảm. Tan cũng chia sẻ chi tiết về các gói hỗ trợ thôi việc cũng như bảo hiểm.
"Tôi đảm bảo với các bạn rằng, đây sẽ là lần sa thải diện rộng cuối cùng trong năm nay. Tôi tự tin khi chúng ta thực hiện được các kế hoạch mới và đạt mục tiêu, chúng ta sẽ vượt qua được những thử nghiệm đau đớn này trong tương lai gần", Tan chia sẻ.