Nguy hiểm với trẻ nhỏ vô cùng

GS Nguyễn Thị Dụ, nguyên Chủ tịch Hội Chống độc Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết nhiễm chì rất nguy hiểm và thực sự lo ngại đối với trẻ nhỏ vì nhiễm chì ở trẻ gây ra những tổn thất rất lớn.

Nhiễm chì ở mức thấp cũng ảnh hưởng tới cả thế hệ tương lai của đất nước.

Nhiễm chì nhẹ thì không có triệu chứng, nhưng dù có nhẹ thì theo các chuyên gia cũng đã làm suy giảm trí nhớ, chỉ số IQ giảm, làm ảnh hưởng tới cả 1 thế hệ.

GS Dụ cho biết, Mỹ quy định chỉ số chì là trên 5 mcg/dL được coi là nhiễm độc chì. Họ đã điều tra thấy rằng nếu nhiễm chì từ 5 mcg/dL - 10 mcg/dL thì chỉ số IQ thấp, trong khi chỉ số IQ của những đứa trẻ nhiễm chì dưới 5 mcg/dL thì rất cao.

Chính vì thế các nước rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn nguồn nước và an toàn không khí làm thế nào để người dân của họ không bị nhiễm chì nhất là ở trẻ nhỏ.

Ở Việt Nam, GS Dụ cho biết điểm bất cập là chỉ khi nào trẻ bị ngộ độc chì nặng do thuốc cam hay trẻ ở làng tái chế pin thì người ta mới đưa đi xét nghiệm chì.

GS Nguyễn Thị Dụ: Nhiễm chì nhẹ cũng rất nguy hiểm với trẻ em - Ảnh 1.
Hậu quả của việc nhiễm độc chì.

Trong khi đó, trên thực phẩm cũng có rất nhiều nguy cơ, cần phải xét nghiệm trên người, đặc biệt là trẻ em thì mới xác định cụ thể được việc có nhiễm chì hay không.

GS Dụ cho rằng nước ta nên có quy chế kiểm tra mức độ nhiễm chì cho trẻ em. Chì liên quan trực tiếp đến IQ, để cho các cháu thông minh, chỉ số IQ cao lên thì phải kiểm soát chì trong máu của các bé.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, cái khó ở nước ta là hiện nay mức độ chì trong nguồn nước, thực phẩm và không khí chưa kiểm soát được.

Thế nên, việc xét nghiệm tuy có thể xác định độ chì nhưng do môi trường sống thiếu an toàn thì nguy cơ thải chì rồi lại nhiễm lại vẫn rất cao.

"Khi trẻ uống nước giải khát bị nhiễm chì thì rất nguy hiểm bởi ở ngưỡng 10 mcg/dL – 20 mcg/dL không có triệu chứng gì cả mà chỉ là suy giảm trí nhớ.

Nhưng cái khó là khi trẻ bị suy giảm trí nhớ thì không ai biết mà họ lại đổ lỗi là do trẻ kém thông minh. Chúng ta không hiểu cái dễ quên, cái ngu ấy nó từ từ, dần dần từ các loại có thực phẩm, đồ uống nhiễm chì"! - GS Dụ nhấn mạnh.

GS Nguyễn Thị Dụ: Nhiễm chì nhẹ cũng rất nguy hiểm với trẻ em - Ảnh 2.
GS.TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Dụ được biết đến là Chuyên gia hàng đầu về Nội khoa, Hồi sức cấp cứu và Lâm sàng độc học.

Làm thế nào để xét nghiệm mức độ chì trong cơ thể?

Để xét nghiệm chì trong cơ thể, xét nghiệm máu thông thường chưa đủ mà phải làm xét nghiệm phức tạp rất đắt tiền. Nếu cần thiết có thể làm xét nghiệm này ở Viện Hóa học.

Nếu làm xét nghiệm cho 1 trường hợp sẽ tốn kém nhưng nếu 10 người hay 100 người thì chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều.

GS Dụ cho biết trước kia ở Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai nếu có trẻ nghi ngờ nhiễm chì đều lấy mẫu gửi lên viện Hoá học Việt Nam để làm xét nghiệm. Nếu xác định độ chì trong máu cao quá ngưỡng cho phép thì có thể làm thải độc chì.

Trên thế giới có các thuốc thải chì tốt, chỉ cần uống là được nhưng ở Việt Nam không nhập thuốc đó vì nó rất đắt.

Thực tế ở nước ta hiện nay khi nào bị ngộ độc chì nặng mới sử dụng thải chì, nhưng sau khi thải chì thì người bệnh vẫn gặp nhiều tác dụng không mong muốn do chì để lại trong cơ thể.

Để kiểm soát chì trong máu phải kiểm soát được an toàn thực phẩm. GS Dụ cho rằng không chỉ kiểm nghiệm riêng C2, Rồng đỏ mà cần phải kiểm nghiệm chặt chẽ thực phẩm để người Việt Nam không còn nỗi lo nhiễm độc chì và thế hệ trẻ không còn gánh nặng chỉ số IQ thấp do nhiễm chì.

PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết nếu hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05 mg/l (tương đương 0,5 mcg/dL. Đây cũng là ngưỡng chì công bố trong sản phẩm C2, Rồng đỏ) có nghĩa uống nước này, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì do lượng chì thấp, được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi.

Tuy nhiên, nếu hàm lượng chì cao hơn sẽ tích tụ lại dần trong cơ thể mà không đào thải ra được.

Khả năng tích tụ chì cũng tuỳ từng cơ thể. Chì thẩm thấu vào xương tuỷ nơi sinh ra máu. Có trường hợp tuỷ chuyển thành màu vàng vì chì làm mất chức năng sản sinh hồng cầu của tuỷ gây ngộ độc nặng.

Ngưỡng chì cho phép trong cơ thể con người là 10 mcg/dL theo tiêu chuẩn của thế giới, vượt quá ngưỡng này là gây ngộ độc chì từ nhẹ tới nặng.

Chương trình Phòng ngừa nhiễm độc chì của Mỹ thì quy định từ 10 đến 19 mcg/dL là trẻ bị xác định phơi nhiễm chì vừa phải và cần có sự quan tâm của y tế để thải chì.

Và trên ngưỡng 20 – 44 mcg/dL trẻ đã được theo dõi y tế về mức độ nhiễm chì, trên 70 mcg/dL trẻ phải nhập viện ngay lập tức vì ngộ độc chì quá cao nguy hiểm tới tính mạng.