Đáng lẽ ra em sẽ không nói những lời này ra bởi lẽ trong mắt anh, lời của chị ấy luôn là trên hết. Nhưng em hy vọng nếu anh đọc được bài viết này của em, anh sẽ nhìn lại để thấy bố mẹ chúng ta đã khổ thế nào. Và anh với chị ấy đã đối xử với bố mẹ ra sao.

Anh trai, anh còn nhớ ngày nhỏ, anh vẫn nhõng nhẽo với bố mẹ thế nào không? Anh đòi bố phải cõng anh đi học, mặc dù bố bị đau lưng đến mức chẳng thể đứng dậy nổi. Anh thích thứ gì là đòi mua bằng được, bố mẹ vì thương anh mà vay mượn để lo lắng cho anh.

Ngày anh vào đại học, anh mang theo cả ước mơ của bố mẹ lên thành phố. Bố mẹ tự hào vì con trai học bác sĩ. Nhưng niềm vui ấy cũng dần lớn với những nỗi lo. Bố mình ngoài 50 vẫn còng lưng xách từng thùng vữa để làm phụ hồ nuôi anh ăn học. Còn mẹ phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp cho những ngày chợ sớm.

Gửi anh và chị ấy, những người con bất hiếu của bố mẹ - Ảnh 1.

Bố mẹ vất vả như thế, vậy nhưng đã bao giờ bố mẹ đòi hỏi điều gì ở anh chưa? (Ảnh minh họa)

Những đêm anh gọi về báo gửi tiền là những đêm bố mẹ chong đèn thức trắng. Dù nhà thiếu thốn, dù chưa có tiền nhưng bố mẹ vẫn chưa một lần gửi tiền trễ cho anh. Không phải vì bố mẹ luôn sẵn tiền, mà là bố mẹ vay đấy.

Bố mẹ vất vả như thế, vậy nhưng đã bao giờ bố mẹ đòi hỏi điều gì ở anh chưa? Đã bao giờ bố mẹ kể công mình sinh thành, dưỡng dục anh chưa?

Anh ra trường, làm bác sĩ cho một bệnh viện có tiếng ở thành phố. Vậy mà khi bố anh bị ốm, chỉ vài trăm nghìn tiền thuốc anh cũng phải đòi lại. Vài trăm nghìn, với anh chẳng đáng là bao. Nhưng chỉ với số tiền ít ỏi ấy cũng đủ hiểu anh thương bố mẹ đến chừng nào.

Rồi anh kết hôn với một cô gái thành phố. Chị ấy đỏng đảnh, kiêu kỳ và chê bố mẹ mình nhà quê. Mỗi lần về thăm bố mẹ chồng, chị ấy để bố mẹ cung phụng cơm bưng nước rót. Bố ốm nặng hơn, anh chị ngọt nhạt mời bố mẹ lên sống cùng. Em đã từng nghĩ, có lẽ đã đến lúc anh nhận ra mình phải báo hiếu bố mẹ rồi.

Gửi anh và chị ấy, những người con bất hiếu của bố mẹ - Ảnh 2.

Em không giàu có hơn anh và chị ấy đâu, nhưng em tin chắc lương tâm của em hơn anh và chị ấy. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, khi anh có trong tay số tiền bán đất của bố mẹ, anh và chị ấy bỗng quay ngoắt thái độ. Anh im lặng mỗi khi chị ấy chửi bố mẹ không làm được việc nhà. Anh thờ ơ mỗi lúc bố kêu vì cơn đau tái phát. Và cho đến ngày hôm nay, anh đã cùng chị ấy làm một việc khiến mọi người nhìn vào cười chê, đó là đuổi bố mẹ ra khỏi nhà.

Có lẽ anh đã quên tất cả những gì bố mẹ dành cho anh. Có lẽ anh đã quên để anh có được ngày hôm nay, bố mẹ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Ngày hôm nay bố mẹ lại khóc vì anh đấy. Vì tủi hờn, vì thất vọng với người con trai mà bố mẹ vẫn luôn tự hào. Còn anh thì vẫn hả hê vì đã lấy được hết số tiền bán nhà đất mà bố mẹ có.

Em là con gái, lại đã lấy chồng. Nhưng đứng trước người đã sinh ra và nuôi nấng mình, em chẳng thể nhắm mắt làm ngơ để bố mẹ phải sống cảnh tạm bợ ở nơi nào khác.

Em không giàu có hơn anh và chị ấy đâu, nhưng em tin chắc lương tâm của em hơn anh và chị ấy. Có thể những dòng này sẽ không làm anh thức tỉnh con người, nhưng em vẫn hy vọng một ngày nào đó anh sẽ nhận ra mình đã từng tệ bạc với bố mẹ đến mức nào.