Ai cũng có cuộc đời riêng, đừng cho mình cái quyền được "biết tất"
Công sở có thể được xem là cuộc đời thứ hai của chị em phụ nữ bởi nơi đó họ gắn bó 8 tiếng mỗi ngày và rất có thể sẽ làm việc trong suốt hàng chục năm mãi cho đến khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, dẫu là cuộc đời thứ 2 nhưng môi trường công sở chưa bao giờ là quan trọng nhất. Mỗi người phụ nữ còn có cuộc đời của riêng mình, đằng sau cánh cửa văn phòng và bên trong cánh cửa gia đình.
Trong đó, họ còn làm mẹ, làm vợ, làm dâu, làm một người phụ nữ bếp núc, tất bật với chuyện quán xuyến nhà cửa như bao người phụ nữ khác từ muôn đời nay.
Vậy nên, dù cố gắng bằng lòng thành hay bằng mối quan hệ tri nhận thân mật gần gũi đến cỡ nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn không thể nào hiểu hết và biết hết về mỗi người, mỗi nữ đồng nghiệp xung quanh mình. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” - các cụ dùng câu này chưa bao giờ sai.
Đối mặt với chuyện tất yếu này, không cách nào khác chúng ta phải học cách tôn trọng và chấp nhận, đừng cố đào xới hay cho mình cái quyền được phép “biết tất” về người khác để trở thành một kẻ nhiều chuyện kém duyên đội cái lốt tử tế giả tạo. Bản thân chúng ta, đôi khi có những câu chuyện riêng tư cũng không muốn ai biết được cơ mà, phải không?
Câu chuyện về nàng công sở ra vẻ quan tâm đồng nghiệp để che đậy bản tính lắm chuyện
Nếu chưa hiểu rõ, câu chuyện sau đây là ví dụ điển hình:
Sáng nay vào làm, Nhã trông thấy cô bạn đồng nghiệp của mình mang vẻ mặt hơi buồn. Nhã tiến tới, sau đôi câu hỏi thăm vô thưởng vô phạt liền tiến sâu vào chủ đề mà mình quan tâm. Nhã tung ra loạt câu hỏi đại loại như “ê sao nay buồn vậy?”, “có chuyện gì à?”, “kể ra xem tui giúp bà giải quyết nè”, “kể đi, chị em mình có gì mà phải giấu”,...
Với loạt câu hỏi dồn dập, cô bạn đồng nghiệp vẫn chọn im lặng, cô chỉ bảo “đây là chuyện riêng của tui, không sao đâu mà, bà đừng lo”. Cô bạn ấy phản ứng một cách rất lịch sự nhưng mang mục đích cảnh báo đối phương rằng đừng cố hỏi thêm gì nữa.
Đáng tiếc, Nhã dù hiểu nhưng vẫn cố tìm cách đào xới, Nhã tự trấn an cho rằng bản thân mình đang quan tâm tới đồng nghiệp thôi, có sao đâu mà ngại. Cứ thế, Nhã mang cái lốt tử tế giả tạo che đậy cho bản tính lắm chuyện nhiều lời của mình đi hỏi khắp nơi về câu chuyện đằng sau khiến cô đồng nghiệp kia buồn.
Và rồi khi câu chuyện riêng tư thầm kín chưa rõ thực hư này bắt đầu loang ra thông qua cái “nết” vô duyên của Nhã, nó vô tình trở thành miếng mồi ngon cho hội chị em công sở nhiều chuyện.
Vào buổi ăn trưa, hội chị em đồng nghiệp (trong đó có Nhã), bắt đầu tụ tập để đồn đoán về câu chuyện ấy, mọi người luyên thuyên, thi thoảng còn phá lên cười với những suy nghĩ cực kỳ xấu xí của mình, bao gồm: “Buồn kiểu này chắc bị bồ đá chứ gì”, “hay là nó đang ‘tới tháng’ nên buồn sảng?”, “tui thấy nó kỳ lạ mấy nay rồi, hay là có người thân không may qua đời?”,...
Những lời đồn đoán này tiếp tục theo dòng thời sự loang ra xa hơn nữa đến khắp các phòng ban trong công ty. Ai ai cũng biết chỉ vài ngày sau đó, cả cô bạn đồng nghiệp nhân vật chính cũng tỏ tường.
Khó chịu trước hành vi này của nhóm chị em đồng nghiệp vô duyên, nhất là Nhã - kẻ đầu sỏ ra cái vẻ tử tế quan tâm người khác nhưng thực chất chỉ là đang tìm cách thỏa mãn bản tính hiếu kỳ lắm chuyện của mình, thế là cô bạn đồng nghiệp kia chỉ thẳng mặt Nhã và quát giữa thanh thiên bạch nhật. Giây phút này đây, tình cảm chị em tan vỡ.
Cô mắng: “Nhã ơi, tôi đã nói với bà rồi, là tôi không có chuyện gì đâu mà bà vẫn cứng đầu tìm cách moi móc. Có những chuyện riêng tư không phải lúc nào tôi cũng phải kể cho bà nghe, may mà tôi chưa kể nó còn thế này, tôi mà kể thì chắc bà đi đồn cho cả thế giới biết.
Tại sao bà từng tuổi này rồi mà như trẻ con thế, không học được cách tôn trọng người khác à? Vô duyên vừa vừa thôi còn chừa người khác vô duyên nữa. Không biết gì thì im, nhiều chuyện không giúp bà tốt lên. Và bỏ cái mặt nạ thảo mai của bà xuống đi, bà chả tử tế như bà nghĩ đâu, đừng tự ru ngủ mình rồi có ngày mang họa”.
Những lời trách mắng nhẹ nhàng nhưng đủ sâu cay để khiến Nhã và hội chị em nhiều chuyện im bặt. Thật là một kết cục vừa lòng hả dạ.
Kẻ nhiều chuyện cứ mãi u mê trong giấc mộng làm người tử tế
Qua câu chuyện trên, tin chắc rằng dân văn phòng công sở liền nhận ra “ồ thì ra xung quanh mình cũng vẫn đang tồn tại khá nhiều đối tượng như Nhã”: Thấy gì bất thường là lao vào hỏi với vẻ quan tâm, dùng cái mác tử tế để che đậy bản tính nhiều chuyện của mình.
Thông thường kẻ nhiều chuyện chẳng nhận ra rằng mình đang nhiều chuyện đâu, họ đang mơ ngủ và trong giấc mơ đó họ thấy mình là một người đạo mạo tử tế, ban phát lòng từ bi tới nhân loại chúng sinh thông qua việc thăm hỏi, ủi an.
Gặp những đối tượng như này, nhiệm vụ của chúng ta là phải thức tỉnh họ dậy bằng mọi cách có thể để giúp họ nhận ra, bản thân họ chẳng khác gì một con virus tệ hại đang ngày ngày âm thầm gây chuyện thị phi bằng hành vi lắm chuyện, vô duyên của mình.
Nhớ lấy, ai ai cũng có cuộc đời riêng và những câu chuyện riêng tư không thể giãy bày, dù thân thiết đến cỡ nào đi chăng nữa, dân công sở phải tôn trọng đồng nghiệp của mình một khi họ đã bảo rằng không thể sẻ chia. Đó mới là tử tế, mới là tố chất của một người làm văn phòng đáng tin cậy.