Khoảng tháng 9/1918, một dịch bệnh gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử đã bùng phát ở châu Âu, dù không biết nơi cụ thể. Về sau, nó mang tên "cúm Tây Ban Nha", bởi đây là quốc gia đầu tiên công khai các báo cáo về dịch.
Cúm Tây Ban Nha tiến triển rất nhanh, gây tràn dịch màng phổi khiến nạn nhân không thở được. Ước tính dịch bệnh đã lây nhiễm cho 1/3 dân số toàn cầu trong 3 đợt bùng phát mạnh từ cuối năm 1918 đến năm 1919. Số trường hợp thiệt mạng là khoảng 250.000 người ở Anh, 400.000 người ở Nhật, 1,85 triệu người ở Ấn Độ và 138.000 người ở Ai Cập - tương đương 10% dân số.
Trại điều trị cúm Tây Ban Nha khẩn cấp ở bang Kansas, Mỹ (Ảnh: AP).
Tuy nhiên dịch bệnh vẫn "chừa lại" một số khu vực trên thế giới - bao gồm thị trấn Gunnison ở Hoa Kỳ, nơi được mệnh danh là cộng đồng trốn thoát hiếm hoi và vô cùng đáng ghi nhận.
Gunnison và 4 tháng đoạn tuyệt với phần còn lại của thế giới
Cuối năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha đã tiến đến rất gần Gunnison, một thị trấn miền núi ở bang Colorado (Mỹ). Trước đó đại dịch đã càn quét khắp nước Mỹ. Hàng loạt bệnh viện và nhà xác bắt đầu quá tải ở Boston hay Philadelphia, sau đó tình trạng lan rộng sang miền Tây đất nước, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều thành phố, làng mạc từ Alaska đến Texas.
Thị trấn khai khoáng Gunnison chỉ có khoảng 1.300 dân, mật độ dân số không cao nhưng họ có nhiều lý do để lo sợ. Gunnison có 2 tuyến đường sắt nối với trung tâm thành phố Denver và các vùng đô thị khác đã bị dịch tấn công.
"Dịch cúm đang săn lùng chúng ta" - trang tin địa phương Gunnison News-Champion cảnh báo ngày 10/10/1918. "Nó đang hoành hành ở hầu hết cộng đồng xung quanh thị trấn này".
(Ảnh: PBS)
Cụ thể, ngày 20/9/1918, khoảng 250 lính từ bang Montana (bao gồm 13 người bệnh rất nặng) đã đến thành phố Boulder thuộc bang Colorado và phát tán dịch. Mãi đến ngày 16/10 khi thống đốc Colorado cấm tụ tập đông người, dịch bệnh đã nhấn chìm gần như tất cả các quận và thành phố.
Ngoại trừ Gunnison. Thị trấn đã hành động vô cùng nhanh chóng, một phần nhờ có News-Champion. Từ cuối tháng 9, tờ báo luôn dành trang nhất để cập nhật tình hình dịch bệnh và đưa ra các lời khuyên cần thiết, được biên tập bởi chính bác sĩ FP Hanson. "Một dịch bệnh rất kinh khủng về tỷ lệ lây lan và thương vong đang quét qua khắp đất nước. Tôi có lý do để đưa ra biện pháp cách ly nghiêm ngặt ở Gunnison" - ông Hanson tuyên bố.
Hai tuyến đường sắt đông đúc đi qua Gunnison đã bị phong tỏa khi dịch cúm bùng phát (Ảnh: Gunnison Times)
Ngay lập tức, đèn lồng và các biển báo được dựng lên để hướng dẫn các tay lái mô tô đường dài: hoặc là đi thẳng ra khỏi thị trấn, hoặc là phải chịu cách ly. Ngoài ra, Gunnison còn quyết định cô lập tất cả du khách, đóng cửa trường học và nhà thờ, cấm tụ tập trên đường phố hay mở tiệc, tuyên bố sẽ bắt giam tất cả những ai vi phạm. Trên thực tế, đây chính là một lệnh phong tỏa quyết liệt được áp dụng suốt 4 tháng, theo báo The Guardian nhận xét.
Các quan chức ở Gunnison tiếp tục dựng lên tuyến phòng thủ kiên cố, yêu cầu bác sĩ JW Rockerfeller chịu trách nhiệm việc phong tỏa. Rockerfeller đã bỏ tù 2 người lái mô tô và 1 khách đi tàu hỏa vì cố gắng lách luật, trốn cách ly. Sau đó ông khẳng định: "Ví dụ nho nhỏ này cho tất cả những người ngoài thị trấn hiểu rõ về Gunnison. Chúng ta không có ca nhiễm cúm và kiên quyết là không".
Bài học về công tác cách ly của một "thị trấn phi thường"
Trên thực tế, Gunnison vượt qua 2 trong 3 đợt bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha mà không có một cư dân nào nhiễm bệnh. Nhưng đến đầu tháng 2/1919, khi số ca nhiễm cúm trên toàn bang Colorado giảm xuống, thị trấn cũng nới lỏng lệnh phong tỏa. Và đây là một quyết định chưa chín muồi. Đợt dịch thứ ba bùng phát vào tháng 3 đã khiến nhiều cư dân Gunnison nhiễm bệnh. Nhưng, thật may mắn là các trường hợp đều nhẹ và được chữa lành.
Về sau, nhiều nhà nghiên cứu liệt kê Gunnison vào một trong những "cộng đồng trốn thoát" trong đại dịch gây chết người nhiều nhất lịch sử. Trong một báo cáo gửi cho Cơ quan Giảm thiểu đe dọa Quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) vào năm 2016, nhóm nghiên cứu từ Đại học Y Michigan cũng viết: "Thị trấn Gunnison đã kiểm soát dịch cúm bằng việc cách ly để bảo vệ người dân - điều vô cùng ấn tượng trong bối cảnh mọi khu vực xung quanh đều bị dịch tàn phá nghiêm trọng. Thị trấn này thật phi thường".
Gunnison giờ không còn được nhắc tới nhiều, nhưng một vài tờ báo đôi khi vẫn "ôn lại" ký ức về một thị trấn trốn thoát đại dịch toàn cầu (Ảnh: BBC)
Hiện tại, cả thế giới đang đối mặt với một dịch bệnh nguy hiểm khác là Covid-19. Các chính phủ đã ban hành biện pháp mạnh mẽ. Khoảng 1.000 du khách mắc kẹt trong những khách sạn ở Tây Ban Nha vì lệnh cách ly, các con phố ở Italy trống trải kỳ lạ, trường học đã đóng cửa ở Nhật Bản và nhiều cuộc hành hương đến một số địa điểm linh thiêng nhất của tín đồ Hồi Giáo tạm thời bị cấm... Tất cả cho thấy những nỗ lực trên khắp thế giới để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, những bài học lịch sử ở thị trấn Gunnison rất đáng tham khảo. Thị trấn nhỏ miền núi đã tin tưởng theo sát các hướng dẫn của bác sĩ, cảnh sát và báo chí địa phương. Ngoài ra họ có sự kiên nhẫn, mật độ dân số thấp và cả may mắn để vượt qua "cơn đại hồng thủy" dịch bệnh. Tờ The Guardian nhận xét, những yếu tố này dường như bị phai mờ trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc đã cách ly gần 2 tháng nay (Ảnh: Getty).
Nhưng nói đi cũng nói lại, việc thị trấn Gunnison bền bỉ chịu đựng lệnh phong tỏa suốt hàng tháng ròng đã trở thành một bí ẩn lịch sử. "Điều quan trọng mà các tài liệu không ghi lại, chính là vì sao cư dân Gunnison có tinh thần mạnh mẽ và sẵn lòng hợp tác giữa thời điểm hoảng sợ tột độ?" - báo cáo của Đại học Y Michigan nêu vấn đề.
Vào năm 2015, ban biên tập The Guardian đã đề nghị người dân ở Gunnison gửi thư từ, mẩu báo cũ hay bất cứ các câu chuyện giai thoại nào mà họ biết được về đại dịch cúm năm xưa. Đáng tiếc, không có một cánh thư nào hồi đáp.
(Theo The Guardian)