Trong lịch sử nhân loại, đã có hàng nghìn những cuộc chiến tranh đẫm máu, khiến không biết bao nhiêu người phải ngã xuống. Và hơn hết, sau chiến tranh, điều duy nhất để lại cho con người không gì khác ngoài sự đau thương. Ngoài ra, đó còn là đói khát, là chia ly, là loạn lạc.
Vào năm 1945, Đức Quốc xã tiếp tục dội bom xuống London khiến cho thành phố này bị thất thủ. Thống kê cho thấy, hàng nghìn người vô tội đã mất mạng, 6523 người bị thương và hơn 20.000 ngôi nhà bị hư hại nặng. Nhưng, còn có những thiệt hại chẳng thể đo đếm được bằng con số, bởi dù chiến tranh có qua đi, những ngôi nhà có được xây dựng lại thì những tổn thương mà tâm hồn con người phải chịu đựng cũng không bao giờ có thể lành lại được. Đặc biệt là trẻ con, bởi lẽ, thay vì có một tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc thì lại phải trải qua những nỗi mất mát to lớn không gì sánh được.
Trong những bức ảnh đáng nhớ về Thế chiến thứ 2, có lẽ nhiều người sẽ phải giật mình khi nhìn thấy bức ảnh về một cậu nhóc ôm chặt con thú nhồi bông đang ngồi bơ vơ trên đống đổ nát trong cuộc không kích London năm 1945 kể trên. Gương mặt của cậu bé đầy vẻ bối rối và thách thức. Cậu ôm chặt con thú nhồi bông và ngồi im trên mảnh đất từng là ngôi nhà thân yêu của mình, sẵn sàng đón nhận thêm những mất mát nữa sau tất cả mọi chuyện.
Được biết, cậu bé trong bức ảnh đã sống sót sau chiến tranh và sau này đã trở thành một tài xế xe tải. Trong bức hình, cậu ngồi trước nơi mà cậu đã từng gọi đó là "nhà". Đống đổ nát phía sau lưng cậu đã khiến cậu trở thành một đứa trẻ mồ côi và mất đi một nơi chốn để trở về.
Nhiếp ảnh gia chụp bức ảnh này là Toni Frissell, là một nữ nhiếp ảnh gia thời trang người Mỹ khá nổi tiếng vào thế kỉ 20. Trong Thế chiến thứ 2, Toni tình nguyện tham gia Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, sau đó trở thành nhiếp ảnh gia chính thức của Quân đoàn Phụ nữ. Cô đã xung phong tham gia mặt trận Châu Âu 2 lần và dành nhiều thời gian ở London để ghi lại sự khủng khiếp của chiến tranh trên và dưới mặt đất.
Khi nói về bức ảnh cậu bé ôm thú nhồi bông, Toni nói rằng: "Cậu bé trở về nhà thì thấy ngôi nhà của mình đã bị phá nát, thi thể của cha và anh trai cậu bé nằm vùi trong đống gạch vụn. Cậu bé đưa mắt nhìn lên bầu trời, rồi nhìn vào đống đổ nát, khuôn mặt khá bối rối và đầy vẻ thách thức. Sự thách thức đó khiến cậu trông giống như một Winston Churchill nhỏ tuổi vậy."
Cô cũng nói thêm rằng, sau tất cả những chuyện đã qua, tại những thời khắc đen tối kinh hoàng nhất trong chiến tranh, khuôn mặt của cậu bé vẫn là điều cô nhớ mãi không thể quên. Bức ảnh này về sau được IBM, một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia, sử dụng cho một chiến dịch tại London. Điều bất ngờ là, cậu bé lớn lên và trở thành một người tài xế xe tải đã bắt gặp bức ảnh của mình khi đi ngang qua văn phòng IBM.